Các làng hoa, kiểng tết thấp thỏm trong cảnh đìu hiu

10/12/2021 - 08:05

PNO - Chỉ còn cách tết Nguyên đán chưa tới hai tháng, nhưng các làng nghề trồng cúc, mai ở miền Trung, miền Nam vẫn chưa thấy thương lái nào đến hỏi thăm. Cảnh đìu hiu khiến các nhà vườn hoang mang, thấp thỏm.

Sản lượng giảm do dịch bệnh, thiên tai

Làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa, H.Tuy Phước - vựa cúc tết của tỉnh Bình Định - thiệt hại nặng sau những đợt mưa lũ kéo dài liên tục từ cuối tháng Mười đến nay. Hoa cúc đang vào thời kỳ tháo đèn, chờ đơm nụ bị mất sức do ngâm nước lũ, thiệt hại đến 40 - 50% số lượng. Ông Văn Tấn Thành - người trồng hoa ở thôn Bình Lâm - cho biết, lo ngại việc vận chuyển ách tắc do dịch bệnh nên gia đình ông chỉ trồng khoảng 300 chậu cúc pha lê, cúc cắm cành và một số giống hoa trang trí như cúc ruby, păng-xê. Đợt lụt vừa rồi khiến vườn ngập sâu, chỉ cứu được chừng 60% số cúc trồng chậu, còn lại bị úng chết.

Người trồng hoa tết ở xã Phướ c Hò a, H.Tuy Phước, tỉ nh Bình Định vừa bị thiệt hại nặng do mưa lũ kéo dài từ cuối tháng Mườ i đến nay, vừa thấp thỏm âu lo vì chưa có mối lái đến mua hoa (trong ảnh: Vườn hoa của ông Văn Tấn Thành ở thôn Bình Lâm) Ả NH: THU DỊU
Người trồng hoa tết ở xã Phướ c Hò a, H.Tuy Phước, tỉ nh Bình Định vừa bị thiệt hại nặng do mưa lũ kéo dài từ cuối tháng Mườ i đến nay, vừa thấp thỏm âu lo vì chưa có mối lái đến mua hoa (trong ảnh: Vườn hoa của ông Văn Tấn Thành ở thôn Bình Lâm) Ảnh: Thu Dịu

Năm nay, hầu hết các nhà vườn đều nhận định sức mua giảm nên chủ động giảm sản lượng, chủng loại và giá bán hoa tết. Các loại hoa có giá từ 100.000 - 300.000 đồng/chậu như đồng tiền lùn, dạ yến thảo, cúc chậu nhỏ được cho là vừa túi tiền của phần đông người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Danh - Trưởng thôn Bình Lâm - toàn thôn có 114 hộ trồng hoa tết. Những năm trước, mỗi hộ trồng từ 500 - 1.000 chậu hoa cúc nhưng năm nay, mỗi hộ chỉ trồng chừng 100 - 200 chậu. Đã vậy, đợt mưa, lụt còn khiến sản lượng hoa giảm mạnh thêm. 

Trồng mai ngót nghét 10 năm, anh Lê Hồng Phong (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, chưa bao giờ gia đình anh lo lắng như năm nay. Vườn nhà anh có 3.000 chậu mai, gia đình đã dồn hết công sức, tiền của vào chăm cây nhưng đến giờ, vẫn chưa thấy mối hỏi mua. “Thời điểm này mọi năm, thương lái đã đến đặt cọc tiền mua hoa, người dân địa phương cũng đã đến xem vườn, chọn chậu. Năm nay thì vắng lặng. Tui thấy bất an, thấp thỏm quá” - anh Phong than.

Tại các làng hoa tết của tỉnh Quảng Ngãi, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Ông Trần Văn An - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hiệp, H.Tư Nghĩa - cho biết, diện tích hoa tết giảm còn 70% so với năm ngoái, nhiều vùng còn bị sâu bệnh, mưa lũ tàn phá. Theo ông Lê Nở (P.Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi), giá giống cây, chậu, phân, thuốc đều tăng, có loại tăng đến 50% so với năm ngoái nên ông và nhiều hộ đều cắt giảm số lượng chậu khá nhiều.

Vắng người đặt mua

Toàn thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định hiện có hơn 150ha trồng hoa mai, tập trung chủ yếu ở ba xã Nhơn An, Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Thời điểm này mọi năm, các làng mai bắt đầu chộn rộn đón khách đến xem cây, xem vườn, khảo giá nhưng năm nay, mai đến tuổi xuất bán mà thương lái vẫn bặt tăm. Ông Đinh Thanh Trình - Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong - cho hay, toàn xã có khoảng 30.000 chậu mai đủ tuổi xuất bán (bốn năm tuổi trở lên), nhưng chưa thấy thương lái đặt mua như mọi năm. 

Nông dân trồng hoa Quảng Ngãi cố gắng chăm sóc hoa tết, chờ mối lái đến mua - ẢNH: THANH VẠN
Nông dân trồng hoa Quảng Ngãi cố gắng chăm sóc hoa tết, chờ mối lái đến mua - Ảnh: Thanh Vạn

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, người trồng mai cũng đang “méo mặt”. Tại làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, H.Quảng Điền - vùng trồng mai có tiếng trong tỉnh - nông dân cũng đang buồn bã, lo âu. Dịch bệnh kéo dài nên đến nay, chưa thấy người chơi mai trong Nam ngoài Bắc đặt mua; các hoạt động triển lãm, hội hoa xuân cũng không còn được duy trì như mọi năm. “Cách đây hai năm, dịp này, thương lái trong TP.HCM và các tỉnh miền Nam đã ra tận vườn đặt mua những gốc mai đẹp nhất. Có người đặt cọc vài trăm triệu đồng, đến cận tết mới thuê xe chở về. Năm nay, tết cận kề rồi mà hơn 100 chậu mai đẹp gần 40 năm tuổi vẫn chưa ai đến hỏi mua” - nông dân Nguyễn Văn Bé than thở.

Theo nông dân Nguyễn Văn Côi, ở làng Thế Chí Tây, nhà nào cũng có ít nhất 10 - 20 cây mai, có nhà 200 - 500 cây. Mấy năm trước, cứ đến tết, có người thu cả tỷ đồng, bà con nói đùa “cứ trúng một cây là no đủ cả đời”. Nhiều nhà còn sắm cả ô tô, làm nhà mới khang trang nhờ bán được hoàng mai. Giáp tết, những gia đình thiếu người phải đi thuê người lặt lá, trả công 400.000 đồng/ngày mà có khi còn tìm không ra nhân công. Năm nay, chỉ thấy lác đác vài chủ vườn ra chăm mai để kịp chơi tại nhà.

Tại TP.Đà Nẵng, nhiều vùng trồng hoa tết cũng tự giảm sản lượng 30%. Ông Lý Phước Dạng - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang - cho hay, tổ chỉ có khoảng 23 hộ trồng hoa tết với tổng diện tích 4,5ha, cung cấp cho thị trường khoảng hơn 12.000 chậu gồm cúc đại đóa, cúc pha lê, cúc cổ đồng, vạn thọ, bươm bướm, hoa treo, hoa lan mokara.

Tại làng nghề trồng hoa cúc Phong Phú 2, P.Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, người trồng cúc cũng đang thấp thỏm vì chưa có thương lái nào đến đặt mua. Nông dân Trần Minh Tự cho biết, năm ngoái, ông trồng 700 chậu hoa các loại. Năm nay, ông chỉ trồng 200 chậu. “Hiện nay, chúng tôi đã nhân được giống cây con nhưng vẫn phải mua cây giống F1 từ Đà Lạt về. Giá hoa cúc giống mua từ Đà Lạt tăng hơn so với năm ngoái, từ 400.000 - 500.000 đồng/1.000 cây tăng lên 500.000 - 600.000 đồng/1.000 cây. Giá vật tư nông nghiệp cũng tăng 10 - 15% so với năm ngoái, đội chi phí lên cao” - ông Tự nói.

Nhiều vùng trồng hoa kiểng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng sụt giảm mạnh về sản lượng. Tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng hoa kiểng phục vụ tết Nguyên đán 2022 còn 45ha, giảm hơn 50% so với năm ngoái. Các loại hoa được xuống giống để bán dịp tết năm nay chủ yếu là cúc mâm xôi, cúc kim cương, hoa hồng. Theo Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, giá trị sản xuất hoa kiểng năm 2021 của TP.Sa Đéc ước đạt 1.300 tỷ đồng, giảm 547 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Mọi năm, nơi tiêu thụ hoa, kiểng tết chủ yếu vẫn là TPHCM. Với diễn biến khó lường của dịch bệnh và biện pháp chống dịch, nhà vườn không dám trồng nhiều. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi sức tiêu thụ giảm cũng khiến nhà vườn chùn tay… 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI