Các khoản vay tại SCB để đảo nợ, nâng khống tài sản... đều theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan

13/03/2024 - 16:01

PNO - Trưa ngày 13/3, trong quá trình trả lời các câu hỏi của nhóm luật sư bào chữa cho mình, cho bà Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB nhiều lần kiến nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại nội dung, số liệu trong cáo trạng.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, một trong những luật sư bào chữa cho bà Trần Thị Mỹ Dung đặt câu hỏi: "Theo cáo trạng, từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022, bà đã ký 617 hồ sơ vay vốn. Vậy trong số hồ sơ này, có bao nhiêu khoản vay không được giải ngân mà chỉ là tất toán nợ cũ, tạo nợ mới".

Bà Dung khai, tại SCB hầu hết là các khoản vay ngắn hạn, khi tới hạn hoặc là trả nợ (gốc và lãi) hoặc là sẽ cơ cấu nợ thời gian dài hơn (cơ cấu gốc lãi hoặc chỉ cơ cấu gốc và trả lãi). Nếu muốn trả nợ vay thì phải có khoản vay mới để đáo hạn khoản vay cũ, các khoản vay này không có giải ngân dòng tiền ra ngoài mà chỉ để trả khoản vay cũ. Nhưng do số lượng hồ sơ vay quá nhiều, thời gian quá lâu, trong khi không có thống kê rõ khoản nào rút ra, khoản nào chi tiêu nên “tôi không nhớ rõ có bao nhiêu khoản vay không có giải ngân mà chỉ tất toán nợ cũ, tạo nợ mới”.

Luật sư tại phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan
Luật sư tại phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan

Bà Dung kiến nghị: "Mong HĐXX xem xét lại phần số liệu về số tiền thất thoát đã ghi trong cáo trạng. Bị cáo luôn tâm niệm có làm sai thì sẽ nhận, không né tránh. Nhưng số lượng thất thoát quá lớn, hơn 200.000 tỉ đồng. Bị cáo nghĩ chỉ có hành vi che giấu khoản vay cũ đã bị thất thoát chứ số tiền thất thoát đã có từ trước rồi, với lại số tiền này chỉ dùng tất toán trong ngân hàng chứ không hề rút ra ngoài”.

Đối với vụ việc tại Công ty Tường Việt, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh hỏi bà Dung có thực hiện hành vi nâng khống giá trị tài sản đảm bảo khoản vay tại Công ty Tường Việt, có bổ sung thêm tài sản vào cho đầy đủ... Bà Dung thừa nhận mình đã làm sai quy trình tín dụng.

Thời điểm đó, tài sản đảm bảo cho khoản vay 1.5000 tỉ của Công ty Tường Việt là khoảng 39 triệu cổ phần của dự án Sài Gòn Bình An - thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp). Do dự án Bình An rất lớn, có vị trí bên quận 2 (TPHCM), bà Dung đánh giá sẽ có giá trị cao tương đương những bất động sản khác tại công ty SDI Corp là khoảng 35.000 tỉ đồng. Trong khi đó, hồ sơ vay của Công ty Tường Việt chỉ có 1.500 tỉ đồng thì giá trị tài sản đảm bảo đã dư. Sau đó tài sản đảm bảo là dự án Bình An được rút ra đổi thành những tài sản khác nhưng cũng có giá trị vì vị trí nằm ở đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM). “Tôi khẳng định là tôi không phụ trách việc rút tài sản đảm bảo đó ra vì lúc đó tôi đã nghỉ việc” – bà Dung nói.

Cùng bào chữa cho bà Dung, luật sư Nguyễn Thành Công đặt tiếp câu hỏi về thời điểm bà Dung rời vị trí Phó tổng giám đốc SCB là ngày 3/9, nhưng hồ sơ rút tài sản đảm bảo là ngày 22/9.

Bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó TGĐ Ngân hàng SCB) mong HĐXX xem lại số tiền mà cáo trạng nói rằng bằng gây thiệt hại cho SCB
Bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) mong HĐXX xem lại số tiền mà cáo trạng cho rằng gây thiệt hại cho SCB

Bà Dung cho biết, chỉ đến khi đọc nội dung cáo trạng “bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo bà Trần Thị Mỹ Dung xuất 29 triệu cổ phần” thì bà mới biết vấn đề. Bà khẳng định, bà đã rời khỏi SCB vào ngày 3/9 thì không thể ký hồ sơ ngày 22/9 được.

“Có biết việc nâng khống tài sản là sai nhưng sao bà vẫn làm?” - luật sư Nguyễn Thành Công hỏi.

“Tôi tin tưởng, thần tượng chị Lan, làm việc với lòng trung thành tuyệt đối. Mỗi lần chị Lan yêu cầu sử dụng tiền, tôi sẽ tìm cách để giải quyết, một là dùng tiền trả vô khoản vay cũ, nếu tài sản đảm bảo không đủ sẽ được nâng lên để cho đủ với khoản vay mới. Hai là nếu chị Lan đưa tài sản vào thì tôi sẽ liên hệ công ty định giá yêu cầu nâng khống tài sản để đảm bảo hồ sơ vay” – bà Dung nghẹn ngào nói.

Tại phiên tòa trưa nay (13/3), luật sư Nguyễn Thành Công hỏi thêm ông Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) về dự án Mũi Đèn Đỏ (quận 7, TPHCM) mà ông được bà Trương Mỹ Lan giao phụ trách pháp lý.

“Công ty Savills định giá là 180.000 tỉ đồng nhưng hiện Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân đưa ra chỉ hơn 17.000 tỉ đồng, ông thấy sự chênh lệch này như thế nào?” - luật sư Công hỏi. Ông Trước khẳng định ông hoàn toàn không biết giai đoạn này. Luật sư Công hỏi tiếp: “Khi đọc cáo trạng, thấy 2 con số chênh lệch như vậy, ông thấy như thế nào”. “Tôi không phải là người của SCB, khi đọc cáo trạng chỉ đọc phần của mình, không đọc những gì không liên quan nên không trả lời” – ông Trước nói.

Còn ông Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) trả lời, mời Savills thẩm định giá là do nhóm Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện theo phương pháp định giá giá trị tương lai. Nếu dự án tiến hành thuận lợi theo kế hoạch thì năm 2025 sẽ có giá trị 180.000 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, từ ngày 11/9/2019 đến ngày 15/8/2022, bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) được Tổng giám đốc SCB ủy quyền đồng ý cho 394 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 617 khoản vay tại SCB trái quy định pháp luật. Theo đó, dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 356.873 tỉ đồng, trong khi tổng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay chỉ có 87.159 tỉ đồng. Như vậy, bà Trần Thị Mỹ Dung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội, giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.690 tỉ đồng, gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh 69.023 tỉ đồng.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI