Hơn 5 năm chưa đăng bài mới
Vào một số website của các hội nghề nghiệp tại TP.HCM, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bài đăng mới nhất trên trang Hội Điện ảnh TP.HCM được viết từ năm 2017. Các thông tin được đăng tải có thời gian từ sáu, bảy năm trước. Suốt 5 năm qua, hội chưa có thêm một dòng cập nhật nào. Muốn theo dõi các hoạt động của Hội Điện ảnh TP.HCM, công chúng phải tìm đọc trên báo chí hay mạng xã hội, trang cá nhân nghệ sĩ…
|
Website Hội Điện ảnh TP.HCM đã nhiều năm chưa cập nhật nội dung mới |
Sang một số website khác của Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh và Hội Nhà văn TP.HCM, các nội dung được cập nhật đều hơn. Khá bất ngờ khi trang thông tin của Hội Mỹ thuật TP.HCM còn có thêm hình thức video, tiện cho người xem theo dõi trên website hoặc kênh \
YouTube của hội. Các nội dung này tuy chỉ được quay dựng khá cơ bản, nhưng cho thấy hội có quan tâm đến việc cập nhật nội dung hoạt động, tìm cách kết nối các hội viên ở xa hay khán giả. Đặc biệt, trong đợt cao điểm dịch tại TP.HCM, Hội Mỹ thuật còn mở triển lãm trực tuyến, giải “cơn khát” thưởng tranh cho công chúng, kết nối được người xem, giới chuyên môn trong và ngoài nước.
Với Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, nội dung trên website thiên về việc đăng tải các lớp dạy đang được tổ chức tại văn phòng hội. Ngoài ra, website xuất hiện khá nhiều quảng cáo, bên cạnh một số thông tin hoạt động từ hội. Hội Nhiếp ảnh TP.HCM không bỏ bê các hoạt động trên trang web. Nếu cần thông tin, khán giả có thể tìm kiếm tại đây, dù không đầy đủ, đa dạng.
Một số hội nghề nghiệp còn lại của TP.HCM như Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Sân khấu hiện chưa có trang web riêng. Phần lớn các hoạt động lớn của hội sẽ được đăng trên trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM (https://hcmcpv.org.vn/). Ông Lê Nguyên Hiều - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM - cho biết, hội hiện tại chưa có website riêng, nhưng trên Facebook cũng có trang để tương tác với công chúng, nghệ sĩ. Tuy nhiên, vì không có nhân sự, không có chi phí trả lương cho nhân viên chuyên trách, gần như việc vận hành đều do người của hội “tay ngang” làm, nên chưa đạt hiệu quả. Mặc dù rất muốn tận dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến để kết nối nghệ sĩ múa và công chúng, nhưng theo ông Lê Nguyên Hiều, hiện chưa có cách làm phù hợp.
Biết cách sẽ làm được
Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố - cho biết hội đẩy mạnh hoạt động trực tuyến trên các nền tảng từ cao điểm dịch COVID-19. Thời điểm đó, cách làm này nhằm mục đích đối phó với tình hình, giúp tìm hướng thích nghi với “bình thường mới”, nhưng ông không ngờ, sau đợt triển lãm trực tuyến, hiệu quả thu về khá tốt, khiến hội phấn khởi, đẩy mạnh việc kết nối thông qua các nền tảng.
“Hiện có một cá nhân đang làm việc tại Hội Mỹ thuật TP.HCM được phân công vận hành các nền tảng, bên cạnh một số công việc khác của văn phòng. Chúng tôi có kế hoạch cử bạn đi học thêm để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng các ứng dụng, công nghệ. Với Hội Mỹ thuật TP.HCM, chúng tôi hướng đến mọi đối tượng, không chỉ các bạn trẻ, mà còn với các đối tượng nghệ sĩ, công chúng lớn tuổi”, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ. Theo ông, việc tiếp cận với công chúng thông qua mạng xã hội, không dễ cũng không khó, chỉ cần biết cách sẽ làm được. Hiện nhân viên điều hành phần việc này được hội trả lương hằng tháng từ kinh phí hoạt động, ngân sách của hội.
Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM - cho biết: Hội ý thức được việc cần thiết phải đẩy mạnh đăng tải thông tin, tương tác với hội viên, công chúng thông qua website và các nền tảng. Nhưng sau nhiều lần bàn thảo, hội vẫn chưa có hướng thực hiện hợp lý. Đây là vấn đề kéo dài nhiều năm, có liên quan đến ngân sách, nhân sự.
Gần như các hội nghề nghiệp liên quan lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đều mong muốn tăng tính nhận diện, tương tác trên các nền tảng. Bởi, ngoài kết nối tình nghệ sĩ, thông báo hoạt động, nếu biết vận hành, các nền tảng sẽ giúp các hội nghề nghiệp gần hơn với công chúng, nâng cao hiệu quả truyền thông. Hiện Hội Nhà văn TP.HCM với website Văn chương TP.HCM đang vận hành tốt. Bạn đọc dễ tìm kiếm thông tin hữu ích, đọc được nhiều bài viết hay, biết thêm các gương mặt nhà văn trẻ nổi bật. So với các hội nghề nghiệp khác, Hội Nhà văn TP.HCM có ưu thế về chuyên môn viết lách, thuận lợi trong việc xây dựng nội dung.
Ông Lê Nguyên Hiều cho biết, các hội nghề nghiệp đang có hướng phát triển khác nhau tùy theo cơ sở, nguồn lực hiện có. Ông cho rằng nên có một website của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tại TP.HCM để đăng tải thông tin hoạt động của tất cả các hội trực thuộc. Nếu thành lập được, công chúng, nghệ sĩ dễ dàng tìm hiểu, truy cập nếu có nhu cầu theo dõi. “Đây là việc cần làm trong thời gian tới, bởi thời đại công nghệ 4.0, các hội cần đẩy mạnh tương tác với khán giả, giới chuyên môn khắp các vùng miền. Tôi nghĩ các hội đều ý thức được điều này, nhưng để đẩy mạnh là câu chuyện dài, cần sự quan tâm của các cơ quan nhà nước liên quan”, ông Lê Nguyên Hiều nhận định.
Khánh An