Các hãng thời trang nan giải bài toán nguồn cung ứng khi muốn 'thoát ly' Trung Quốc

19/04/2020 - 10:18

PNO - Trong đại dịch COVId-19, nhiều tập đoàn may mặc trên thế giới bắt đầu chuyển dịch các cơ sở sản xuất ra nhiều quốc gia, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc và các nước châu Âu, tuy nhiên mọi chuyện không hề đơn giản.

Đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung ứng

Không phải chờ đến dịch COVID-19 bùng phát, các tập đoàn may mặc cùng nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới mới bắt đầu nghiên cứu vấn đề giảm sự phụ thuộc nguồn cung ứng Trung Quốc. Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, toàn bộ cơ sở sản xuất Trung Quốc tê liệt vì virus corona, kéo theo hàng loạt đơn hàng, những bộ sưu tập mới của của các hãng thời trang bị hủy bỏ hoặc dời lịch phát hành khiến không ít doanh nghiệp thời trang châu Âu lao đao, được xem là giọt nước tràn ly cho ý muốn này.

Nhà máy DIOR của Pháp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuyển sang sản xuất mặt nạ
Nhà máy Dior của Pháp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuyển sang sản xuất khẩu trang.

Tình hình dịch bệnh như hiện nay được xem là một trong những nguyên nhân buộc các công ty phải hoạch định chiến lược đa dạng hóa nguồn cung ứng trong tương lai, tiến đến mục tiêu phát triển thời trang bền vững. Mặc khác, chi phí lao động và việc áp dụng tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc trong những năm gần đây tại một số quốc gi khiến nhiều nhà bán lẻ hàng may mặc nước ngoài không còn quá mặn mà với đất nước tỷ dân.

Theo Sina, Fast Retailing công ty mẹ của thương hiệu thời trang số 1 Nhật Bản Uniqlo cùng tập đoàn may mặc Adastria cho biết, thời gian tới hãng thời trang này sẽ dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Trước đó, theo thống kê, Fast Retailing đã xây dựng một nửa xưởng may và nhà máy sản xuất vải ở đây.

Vài ngày trước, chính phủ Nhật Bản tuyên bố hỗ trợ hơn 216 triệu đô la để các doanh nghiệp trong nước chuyển dời sản xuất (bao gồm ngành thời trang, may mặc) từ Trung Quốc sang các nước khác. Động thái mạnh mẽ trên được đề ra sau khi tỷ lệ nhập khẩu của Nhật giảm gần 50% trong tháng 2 khi toàn bộ các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc phải đóng cửa do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Các thương hiệu Nike và Gap của Mỹ hiện chỉ giữ lại khoảng 21-23% cơ sở sản xuất của họ tại Trung Quốc. Con số này của Inditex Group, công ty mẹ của thương hiệu Zara và tập đoàn may mặc Thụy Điển H&M chưa tới 30%. Điều này kéo theo tỷ lệ xuất khẩu quần áo Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh.

Các tập đoàn may mặc đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Các tập đoàn may mặc đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Theo số liệu từ S&P Global, tỷ lệ nhập khẩu quần áo và dệt may của Hoa Kỳ từ Trung Quốc trong quý IV/2019 giảm 25.4% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm 31,7% trong tháng 1/2020. Trong khi đó, tỷ lệ nhập khẩu từ Campuchia lên lần lượt 14,3% và 23% trong IV/2019 và tháng 1/2020.

Là nhà cung ứng số 1 toàn cầu về ngành may mặc, tuy nhiên Trung Quốc cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu thô cho các dòng sản phẩm chăm sóc da. Một mặt do châu Âu là nguồn nhập khẩu chính các nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm xứ Trung nhưng đang gồng mình ứng phó với dịch bệnh. Phần còn lại xuất phát từ nguyên nhân các tập đoàn L’Oreal, Estee Lauder, LVMH… đang tập trung chuyển đối mô hình sản xuất sang các thiết bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, gel rửa tay đáp ứng tình trạng khẩn cấp trong mùa dịch. Do đó, hầu hết carbome (axit polyacrylic) - chất sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem dưỡng da, chất khử trùng, gel rửa tay, kem đánh răng… đã được huy động đáp ứng nhu cầu trên. Điều này dẫn đến việc hợp chất carbome khan hiếm và bị đôn giá lên cao.

Peng Guanjie, đại diện Công ty TNHH Công nghệ sinh học Quảng Châu Tinglan cho biết: "Giá Carbomer hiện tại đã tăng gấp đôi nhưng các nguồn cung vẫn không cung cấp đủ".

Bài toán nan giải

Bất chấp những nỗ lực điều chỉnh, chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống sản xuất của Trung Quốc, khó thay đổi trong một sớm một chiều.

Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, Trung Quốc đã đặt nền móng vững chắc cho chuỗi sản xuất hàng dệt may. Điều này không chỉ được thể hiện ở số lượng sản phẩm tạo ra hàng ngày mà còn trở thành thị trường bán lẻ thiết bị sản xuất khổng lồ lẫn nhà cung cấp lớn nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.

Nhiều thách thức đặt ra trong bài toán đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Nhiều thách thức đặt ra trong bài toán đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Yu Guan, giám đốc điều hành một phân xưởng sản xuất hàng may mặc ở Thiệu Hưng, Chiết Giang chia sẻ: “Không dễ dàng cho các công ty thực hiện dịch chuyển cơ sở sản xuất. Lấy thời trang nhanh làm ví dụ, các sản phẩm sản xuất hàng loạt với những mẫu thiết kế cơ bản có thể chuyển ra nước ngoài nhưng những thành phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao về chất lượng vải, in hoa văn khó lòng thay thế được Trung Quốc”.

Ít nhất trong vài năm tới, các tập đoàn may mặc cũng như thương hiệu thời trang xa xỉ phải đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, cung cấp thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm hiện thực hóa mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Bên cạnh ngành may mặc, mỹ phẩm cũng đối diện với không ít khó khăn trong việc tìm nguồn thay thế thích hợp cho nguyên liệu thô. Cụ thể như Trung Quốc cũng tìm chất carbome từ các quốc gia châu Á thay cho nguồn cung ứng từ châu Âu và Hoa Kỳ tuy nhiên cũng đành từ bỏ khi chất lượng mẫu thử không đảm bảo.

Thế mới thấy đa dạng hóa nguồn cung ứng là mục tiêu bắt buộc trong tương lai nhưng để làm được điều này phải tiêu tốn một khoảng thời gian, công sức và tài chính nhất định.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI