Các hãng dược đồng ý bồi thường 26 tỷ USD giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc gây nghiện Opioid

22/07/2021 - 15:37

PNO - Một nhóm các công tố viên tiểu bang Hoa Kỳ hôm 21/7 công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt liên quan đến việc các công ty dược lớn chấp thuận dàn xếp bồi thường 26 tỷ USD liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc gây nghiện chết người (Opioid) trên toàn quốc.

Cuộc khủng hoảng Opioid đã gây ra hơn 500.000 ca tử vong ở Mỹ trong 20 năm qua - Ảnh: DW
Cuộc khủng hoảng Opioid đã gây ra hơn 500.000 ca tử vong ở Mỹ trong 20 năm qua - Ảnh: DW

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này sẽ chứng kiến ​​Johnson & Johnson, cùng với ba nhà phân phối dược phẩm khác, chấp nhận trả tiền để bồi thường hàng ngàn khiếu nại pháp lý liên quan đến đại dịch Opioid.

Thỏa thuận trị giá 26 tỷ đô la (22,4 tỷ euro) được đề xuất là thỏa thuận bồi thường tiền mặt lớn thứ hai từ trước đến nay, sau thỏa thuận thuốc lá trị giá 246 tỷ đô la vào năm 1998.

Thỏa thuận được đề xuất thế nào?

Theo thỏa thuận, 3 nhà phân phối thuốc lớn ở Mỹ - McKesson, Cardinal Health và Amerisource Bergen - dự kiến ​​sẽ chi trả tổng cộng 21 tỷ đô la. Hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) sẽ trả 5 tỷ đô la.

Các nhà phân phối thuốc sẽ trả phần của họ trong vòng 18 năm tới. Hãng J&J sẽ trả trong 9 năm, với số tiền lên đến 3,7 tỷ đô la được trả trong 3 năm đầu tiên.

Gần 2 tỷ đô la của quỹ theo thỏa thuận sẽ dành cho các luật sư tư nhân được chính quyền tiểu bang thuê để làm việc với các vụ kiện của họ chống lại ngành công nghiệp Opioid. Các văn phòng tổng chưởng lý tiểu bang cũng có thể nhận được một phần.

Các công ty dược cho biết trong khi họ "phản đối mạnh mẽ những cáo buộc đưa ra trong các vụ kiện Opioid”, thì thỏa thuận dàn xếp và lộ trình giải quyết là "các bước quan trọng" để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Theo thỏa thuận dàn xếp, tiền chi trả sẽ được dùng để giải quyết 4.000 yêu cầu bồi thường, cũng như tài trợ cho các chương trình ngăn ngừa và điều trị, Tổng chưởng lý New York Letitia James cho biết.

Các công tố viên nói gì?

Tổng chưởng lý James (New York) cho biết thỏa thuận này nhằm buộc các công ty phải "chịu trách nhiệm" và bơm "hàng chục tỷ đô la cho các cộng đồng trên toàn quốc”. Công tố viên này khẳng định: “Nhiều công ty sản xuất và phân phối Opioid trên toàn quốc đã làm như vậy mà không quan tâm đến tính mạng (người dân) hay thậm chí là cuộc khủng hoảng quốc gia họ gây ra”.

Tổng chưởng lý Connecticut William Tong nói rằng mặc dù "số tiền không đủ để giải quyết nỗi đau và sự thống khổ của các nạn nhân", khoản thanh toán bồi thường sẽ "giúp đỡ họ khi cần”.

Ngoài New York và Connecticut, các tiểu bang Bắc Carolina, Delaware, Louisiana, Pennsylvania và Tennessee cũng ủng hộ thỏa thuận dàn xếp.

Chính quyền các địa phương sẽ có 4 tháng để ký thi hành sau khi các tiểu bang liên quan chấp thuận thỏa thuận được đề xuất.

Các tiểu bang khác có phản đối không?

Các công tố viên từ ít nhất 2 tiểu bang đã chỉ trích thỏa thuận và cam kết sẽ tiếp tục kiện tụng.

Tổng chưởng lý Washington Bob Ferguson cho biết khoản tiền 527,5 triệu đô la được đề xuất chi trả cho tiểu bang của ông trong vòng 18 năm "không phải là một số tiền có thể biến đổi và không đủ để giải quyết sự tàn phá của cuộc khủng hoảng Opioid".

Tổng chưởng lý Tây Virginia Patrick Morrisey cho biết ông không ủng hộ thỏa thuận. Ông Morrisey cho biết thỏa thuận này "đánh lừa" các tiểu bang nhỏ bằng cách phân bổ quỹ dựa trên dân số, chứ không căn cứ "cường độ của cuộc khủng hoảng Opioid".

Trong 20 năm qua, cuộc khủng hoảng Opioid đã khiến hơn 500.000 người chết và hàng triệu người Mỹ gốc Phi phải ngồi tù trên khắp nước Mỹ.

Hoàng Diệu (theo DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI