Học bổng nữ sinh hiếu học vượt khó lần thứ 32:

Các em không đơn độc trên con đường chông gai phía trước

11/08/2023 - 06:08

PNO - Đoạn đường đã qua trắc trở nhưng đoạn đường phía trước cũng không dễ dàng đối với 2 nữ sinh Trần Thu Thảo (14 tuổi) và Lê Nguyễn Mỹ Tuyền (20 tuổi). Dẫu vậy, cả hai em vẫn học rất giỏi và luôn nỗ lực vươn lên.

Em Trần Thu Thảo phụ mẹ bán xôi buổi sáng
Em Trần Thu Thảo phụ mẹ bán xôi buổi sáng

“Ba em là bộ đội Trường Sa”

“Ba em là bộ đội Trường Sa” - Trần Thu Thảo bắt đầu câu chuyện. Thảo cho biết, mỗi khi có ai hỏi về nghề nghiệp của cha mình, em lại xúc động. Ba Thảo - đại úy Trần Hữu Tuấn - 51 tuổi, đang công tác ngoài đảo An Bang, quần đảo Trường Sa. 14 năm ra đời, số lần Thảo được gặp ba chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày Thảo chào đời, ngày vào mẫu giáo, lớp Một, những buổi khai giảng rồi bế giảng năm học và cả những ngày em cảm sốt phải vào bệnh viện, đều không có ba ở nhà.

“Nghe mẹ kể, từ khi mẹ mang thai tháng thứ hai cho đến khi em hơn 1 tuổi, ba mới thấy mặt em. 1-2 năm ba mới về nhà 1 lần. Nhớ mong nhưng không thể gọi hay nhắn tin thoải mái như ở đất liền mà phải chờ ba gọi. Rồi những đợt ba về phép, thấy ba trước cửa, em và chị Hai cứ đứng khóc. Ba nói, lấy ba làm chồng khiến mẹ chịu thiệt thòi, tụi em cũng thiệt thòi theo. Nhưng, em không nghĩ vậy, ba vì Tổ quốc, mẹ con em rất tự hào” - Thảo thổ lộ. 

Mẹ Thảo - chị Nguyễn Thị Lệ Diễm - 48 tuổi, bán xôi trên đường Đông Hưng Thuận 11, khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM. Đây cũng là nơi gia đình Thảo đang trú ngụ. Giấc mơ về một ngôi nhà “chính chủ” ngày một khó chạm tới, thay vào đó, như lời chị Diễm tâm sự, vợ chồng quyết tâm lo cho 2 đứa con ăn học tới nơi tới chốn. 

Cùng quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, anh chị cưới nhau năm 2001. Chưa tròn tháng thì anh trở lại đơn vị, còn chị vào TPHCM làm công nhân may. Lấy chồng lính đảo, chị Diễm xác định sẽ vất vả. 2 lần sinh con, chị chỉ một mình. Những đêm các con sốt cao, chị cũng một mình loay hoay đưa con đi bệnh viện. Cũng có chút tủi thân, nhưng nghĩ đến trách nhiệm thiêng liêng của chồng, lòng chị dịu lại.

Chị Diễm bộc bạch: “Không biết trong những cuộc điện thoại, anh dặn dò gì con mà Thảo thường vòng tay ôm lưng tôi nói, mẹ đừng trách ba. Những khi quá mệt mẹ hãy dựa vào vai con. Chừng nào ba hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ hưu, gia đình mình sẽ đoàn tụ”. 

Chị gái Thảo đang là sinh viên Trường đại học Mở TPHCM, còn em chuẩn bị lên lớp Chín. Thương mẹ nhọc nhằn, hằng ngày, từ 3-4 giờ sáng, 2 chị em đã thức dậy phụ mẹ vo nếp, sơ chế nguyên liệu. Đến gần 6 giờ, chị gái đón xe buýt tới trường thì Thảo tiếp tục phụ mẹ đẩy xe xôi ra đường, rồi phụ bán cho đến giờ vào lớp.

Chị Diễm xúc động kể: “Chỉ trừ mấy năm mẫu giáo phải đưa đón, còn từ khi vào tiểu học, Thảo đã tự lập, biết quét dọn nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ quần áo. Chuyện học hành của cháu tôi không phải nhắc nhở gì, Thảo tự giác hết, cũng không đi học thêm bao giờ. Biết cảnh nhà khó khăn Thảo chưa từng đòi hỏi quà cáp, phần thưởng. Quà ba mang về từ Trường Sa như vỏ ốc, cánh hoa bàng vuông ép trong cuốn sổ tay hay mấy tấm hình anh chụp rau xanh trên đảo là những thứ con bé nâng niu nhất”.  

Trước thềm năm học mới 2023-2024, biết tin được Báo Phụ nữ TPHCM tiếp sức bằng suất học bổng Nữ sinh hiếu học vượt khó, Thảo rất mừng. Em cho biết, sự quan tâm của báo và các nhà hảo tâm đã tiếp thêm sức mạnh cho em. Tuổi nhỏ chưa làm được gì nhiều, Thảo đáp lại ân tình của mọi người bằng cách cùng mẹ tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, trồng cây và hoa do Hội Phụ nữ tổ chức. 

Nỗi niềm tuổi 20

Cán bộ Hội Phụ nữ đến thăm và động viên Lê Nguyễn Mỹ Tuyền cố gắng hoàn thành chương trình đại học
Cán bộ Hội Phụ nữ đến thăm và động viên Lê Nguyễn Mỹ Tuyền cố gắng hoàn thành chương trình đại học

Buổi trưa, ngày đầu tháng Tám, chúng tôi theo xe chị Nguyễn Thị Minh Hậu - Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM - đến nhà em Lê Nguyễn Mỹ Tuyền nằm ở cuối con hẻm trên đường 3A, khu phố 7. Nghe tin là 1 trong 15 nữ sinh viên mồ côi (mất người nuôi dưỡng trực tiếp) vì dịch COVID-19 được Báo Phụ nữ TPHCM tặng học bổng Nữ sinh hiếu học vượt khó lần thứ 32, trị giá 10 triệu đồng, Tuyền lặng im hồi lâu rồi ngước nhìn về phía bàn thờ cha, nước mắt chảy dài. 

Đầu tháng 8/2021, cả nhà Tuyền mắc COVID-19. Cha Tuyền - anh Lê Văn Tuấn đã gắng gượng chăm sóc vợ con. Đến ngày 9/8/2021 thì bệnh ở anh trở nặng rồi mất vào ngày 12/8/2021.

Tuyền rưng rưng: “Cả nhà em đang sống cùng bà nội, bà bị thoái hóa cột sống nên không làm được việc nặng. Trước đây, ba em là trụ cột gia đình với nghề chạy xe ôm, chở hàng thuê cho tiểu thương chợ Tân Bình. Mất ba, cả nhà chới với. Cùng năm đó em đậu đại học. Em đã định bỏ học, xin làm phụ bếp quán ăn, nhưng mẹ và anh Hai can, bảo phải nhớ tâm nguyện cả đời của ba là các con phải học cho được cái nghề, có bằng cấp để sau này đỡ khổ”. 

Khoản học phí 15 triệu đồng mỗi học kỳ của Tuyền thật sự là gánh nặng đối với gia đình em. Bởi thế, từ năm nhất Tuyền đã đi làm thêm, khi thì phục vụ tiệc cưới, khi thì chở hàng. Hiện tại, Tuyền đang làm nhân viên giới thiệu sản phẩm trong siêu thị, thù lao 22.000 đồng/giờ. Anh trai Tuyền đã tạm gác lại giấc mơ đại học để đi làm phụ bếp. Tuyền còn em trai út mới 4 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Bích Luận - mẹ Tuyền - do điều kiện sức khỏe nên chỉ ở nhà chăm con và nhận dán túi giấy kiếm đồng ra đồng vào. “Dán 1.000 túi thì được trả 100.000 đồng, nhưng mỗi ngày tôi chỉ hoàn thành 500-600 túi. Buổi tối, Tuyền phải dán phụ mới được 1.000 túi. Việc đi nhận và giao túi giấy do Tuyền phụ trách. Mới 20 tuổi mà gánh nặng trên vai con gái tôi quá lớn. Thương con bao nhiêu, tôi trách mình bấy nhiêu, bệnh tật làm khổ tụi nhỏ. Nhà dột quá, những ngày mưa phải gom hết thau lớn thau nhỏ hứng nước. Hồi còn sống, anh Tuấn cứ ước ao và quyết tâm tích cóp để sửa nhà. Vậy mà tâm nguyện chưa thành, anh đã bỏ mẹ con tôi đi”.

Tuổi 20 của Tuyền là những ngày rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, là những giờ lên giảng đường luôn nhắc nhở bản thân: chữ nghĩa này, nghề nghiệp này mình học không chỉ cho mình mà còn cho anh Hai, cho cả nhà. Tuyền quyết tâm, sau khi ra trường đi làm em sẽ động viên, hỗ trợ anh Hai đi học trở lại.

“Những việc như thay bóng đèn, sửa vòi nước, em đã tự làm được. Em hứa với ba, với các cô chú hảo tâm là sẽ không gục ngã dù con đường phía trước còn nhiều chông gai. Sau này, khi anh Hai có gia đình và phải lo cho tổ ấm của mình thì em sẽ cáng đáng chuyện nhà, chăm sóc bà nội, mẹ và lo cho em út đến trường” - Tuyền khẳng định. 

Vất vả, thiếu thốn bủa vây, nhưng Tuyền vẫn luôn học tốt, được nhà trường tặng học bổng khuyến khích học tập. Ngoài ra, 2 năm qua, em còn tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh tại tỉnh Bến Tre và TP Cần Thơ. Ở trường, thỉnh thoảng, Tuyền và các bạn trong khoa cùng làm bánh mì, trà tắc, trà đào tặng bà con nghèo.

Tuyền tâm tình: “Đây là năm thứ hai liên tiếp em được Báo Phụ nữ TPHCM tiếp sức với giá trị học bổng “khổng lồ”. Em biết ngoài kia vẫn còn nhiều cảnh đời éo le. Không có điều kiện kinh tế, em mong góp sức trẻ như một cách đáp lại ân tình của rất nhiều tấm lòng đã và đang hướng tới những nữ sinh khó khăn như em”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI