Các em học gì trong những tháng năm qua?

24/05/2019 - 14:30

PNO - Ở các nước, ngoài học văn hóa, học sinh được học âm nhạc, hội họa, sân khấu… bằng tất cả giá trị mà các bộ môn này mang lại. Ở ta, học sinh đã bị tước đoạt những quyền đó, bởi sự thực dụng của người lớn.

… Bích Khê là một thiên tài của thơ ca Việt Nam thời kỳ đổi mới; Hàn Mặc Tử chết vì bệnh lao như Bích Khê; tư tưởng của Nguyễn Dữ đã ảnh hưởng khá nhiều đến tác phẩm Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh…

Đó là những “kiến thức mới” từ sinh viên chuyên ngành ngữ văn, trong báo cáo tốt nghiệp, được tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân kể lại, khiến nhiều người phát hoảng. Đến sinh viên ngữ văn mà còn thế thì các sinh viên ngành khác sẽ thế nào? Các ông Nguyễn Dữ, Bích Khê, Hàn Mặc Tử… chắc cũng chỉ còn nước “đội cỏ” dậy mà thanh minh.

Mấy năm qua, chúng ta nói nhiều về việc tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa; số thanh, thiếu niên phạm tội ngày một tăng. Các em thần tượng Khá Bảnh, cầm mã tấu đi đánh nhau như phim hành động. Hiện trạng đó đặt ra cho các nhà giáo dục nhiều dấu hỏi.

Cac em hoc gi trong nhung thang nam qua?
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM biểu diễn tại Trường Tiểu học Lê Chí Trực, quận 3, TP.HCM. Ảnh: Trung Linh

Một số nghệ sĩ, nhà nghiên cứu mà chúng tôi có dịp nói chuyện đều chỉ ra, chính nền giáo dục thực dụng như hiện nay đã tạo ra một thế hệ bạn trẻ thiếu cảm xúc, không hiểu như thế nào là đẹp, là đúng. Từ khi còn nhỏ, các em đã được dạy để ra trường có việc làm hơn là dạy để trở thành người tử tế. Trong khi đó, giáo dục nhân văn xem trọng cái “mỹ”, đào tạo nền tảng con người và phát triển con người, lại chưa được chú trọng. Các bộ môn giáo dục nghệ thuật trong nhà trường đều mang tính hình thức, thiếu thực chất. 

Chúng ta đang dạy gì cho các em? Hay nói chính xác hơn, các em đã được học gì? Đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ còn khẳng định, mục tiêu rất lớn của ngành là “học sinh đi học phải được hạnh phúc”. Thế nhưng, cái quyền “được hạnh phúc” đó, xem chừng còn xa vời. Ở các nước, ngoài học văn hóa, học sinh được quyền “chơi”, được học âm nhạc, hội họa, sân khấu… bằng tất cả giá trị mà các bộ môn này mang lại. Ở ta, học sinh đã bị tước đoạt những quyền đó, bởi sự thực dụng của người lớn.

Tại cuộc trò chuyện bàn tròn chủ đề Sân khấu thiếu nhi - Trách nhiệm của ai?, do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) - nói, mục đích của giáo dục trên toàn thế giới đều hướng tới “chân” (khoa học), “thiện” (đạo đức), “mỹ” (cái đẹp). Giáo dục bao giờ cũng phải đi kèm ba yếu tố đó thì mới đào tạo được một con người hoàn chỉnh. Trong đó, “mỹ” quan trọng nhất, vì nó bao hàm hai yếu tố còn lại. Ngay từ nhỏ, nếu được dạy cái hay, cái đẹp; sau này lớn, các em tự khắc biết rung động, từ đó biết yêu thương, biết thành một người tử tế. Suốt sự nghiệp làm giáo dục của mình, ông Điệp buộc phải thừa nhận, giáo dục của Việt Nam không làm được điều đó.

Để rồi nhìn đi nhìn lại, một thành phố được đánh giá là trẻ trung, năng động và hiện đại như TP.HCM, mà đến một sân khấu cho thiếu nhi cũng không có, khiến không ít người phải giật mình. Một vấn đề nhỏ nhưng không hề nhỏ, gợi ra một câu chuyện lớn về giáo dục, để nhìn lại cách chúng ta đối đãi với thế hệ tương lai của thành phố này ra sao. 

Ngân Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI