Xem clip:
Theo chương trình, hôm nay (12/7), kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai, với nội dung giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập.
|
Quốc lộ 13 cũ (đoạn thuộc P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thường xuyên bị ngập gây khốn khổ cho người dân suốt nhiều năm qua hiện chưa rõ phương án chống ngập sẽ được thực hiện ra sao - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Chưa biết bao giờ hết ngập
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong những năm vừa qua, UBND TP.HCM liên tục tổ chức các hội thảo khoa học để mời gọi các chuyên gia trong và ngoài nước hiến kế giải pháp chống ngập cho thành phố.
Song song, ngân sách TP.HCM cũng chi đầu tư 32.000 tỷ đồng cho 97 dự án và hai chương trình chống ngập. Thế nhưng, đến nay, câu hỏi “khi nào thành phố hết ngập” vẫn là bức xúc của tất cả đại biểu, cử tri.
Đơn cử, kênh Hy Vọng (P.15, Q.Tân Bình) không thể thông dòng nên hễ mưa xuống là khu vực Tân Sơn Nhất thành sông. Tương tự, mỗi khi triều lên, tuyến đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) rơi vào tình trạng ngập sâu, lầy lội. Một số điểm có lòng lề đường hư hỏng dẫn đến mưa xuống là thành “hố tử thần”.
“Nếu không thể tiếp tục dự án thì hoàn trả lại con đường Tôn Thất Thuyết như trước cho chúng tôi” - nhiều cử tri ngao ngán.
Người dân kiến nghị, đơn vị chức năng cần kiểm tra lại khả năng thoát nước, thay cống lớn hơn và bổ sung cống phụ do lượng cống không đảm bảo độ dốc, độ sâu chôn cống tại các cửa xả thấp hơn mức triều làm giảm khả năng thoát nước và gây ra ngập sau khi một số dự án chống ngập được vận hành.
Đơn cử, tại Q.9, dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp, đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến cầu Rạch Chiếc, đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được điểm ngập, thậm chí mưa lớn là ngập cục bộ.
Tại Q.Gò Vấp, các tuyến đường như Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá ngập kéo dài nhiều ngày sau khi đã hết mưa do hệ thống thoát nước được lắp không đồng bộ, không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước ra kênh Tham Lương.
Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khẳng định, sau các kỳ giám sát, phần lớn các dự án đều bị chậm tiến độ. Dự án hoàn thành vẫn khiến dân bức xúc và có tình trạng dự án làm xong gây phát sinh điểm ngập mới.
|
Đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) dù đã đầu tư hơn 160 tỷ đồng chống ngập nhưng vẫn chưa hết ngập - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Không theo kế hoạch phê duyệt
Ông Phạm Đức Hải - Phó chủ tịch HĐND TP.HCM - khẳng định: “Trong các hạng mục chống ngập, nhiều hệ thống đầu tư xây dựng không theo kế hoạch phê duyệt dẫn đến các dự án hầu hết không hiệu quả”.
Theo ông, mặc dù UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch, phân công cụ thể nhưng các sở, ngành đã không có sự phối hợp trong thực hiện, mạnh ai nấy làm.
“Ngay thời điểm HĐND TP.HCM giám sát (tháng 6/2019), các sở, ngành chỉ vừa tham mưu UBND TP.HCM chuẩn bị hoàn chỉnh báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch; đồ án quy hoạch chung của thành phố cũng chỉ đang trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh” - ông Hải thông tin.
Theo đại diện các sở, ngành và chủ đầu tư các dự án chống ngập, việc chậm bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Như hạng mục chống ngập với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng của Công ty Trung Nam BT 1547 đến nay chỉ đạt 75% khối lượng do còn vướng việc bàn giao mặt bằng của các quận 4, 7, 8 và H.Nhà Bè.
Qua thực tế, HĐND TP.HCM nhận định, có một phần lỗi của chính quyền, như việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, xác định thời điểm giá bồi thường chưa kịp thời dẫn đến giá đất chưa phù hợp và thấp hơn so với thực tế.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong vấn đề chuẩn bị và điều tiết quỹ nhà tái định cư phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Đề ra kế hoạch giai đoạn 2019-2020, UBND TP.HCM hướng đến mục tiêu hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa 15 tuyến đường còn lại; thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 119 tuyến hẻm còn lại; hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều trong dự án chống ngập sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới để giải quyết tình trạng ngập nước do triều lưu vực 550km2; xây dựng bốn nhà máy nước thải; nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa.
Thế nhưng, theo đánh giá sơ bộ của HĐND TP.HCM, hàng loạt dự án có khả năng không hoàn thành theo kế hoạch.
Dịp này, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM quyết nghị trong kỳ họp liên quan đến các dự án cần thu hồi đất, ban hành điều chỉnh giá đất năm 2019.
HĐND TP.HCM cho rằng, đối với các dự án cần thu hồi đất, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, UBND thành phố cần yêu cầu chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước cam kết về thời gian, tiến độ thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định, không làm tăng tổng mức đầu tư dự án nhằm tránh gây lãng phí.
Đối với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư phải có trách nhiệm cam kết phối hợp thực hiện bồi thường theo đúng tiến độ, xem xét năng lực thực hiện của chủ đầu tư và ảnh hưởng của dự án đến quyền lợi của người dân.
Riêng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM đề xuất mức tăng 0,4 so với hệ số năm 2018 nhằm tiệm cận với giá đất thị trường sẽ được HĐND thành phố xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua phiên làm việc ngày 13/7.
|
Yên Nhạn