Các đợt nắng nóng ở Ấn Độ ngày càng khắc nghiệt

19/05/2022 - 10:42

PNO - Theo các nhà khoa học, các đợt nắng nóng kỷ lục ở Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan do khủng hoảng khí hậu gây ra có nguy cơ xuất hiện với tần suất cao hơn 100 lần so với trước đây.

 

Trong quá khứ, hiện tượng thời tiết nóng như thiêu đốt thường xảy ra theo chu kỳ 3 thập niên, nhưng nay tình trạng này có khả năng xảy ra 3 năm một lần, các nhà khoa học cảnh báo.

Khu vực Tây Bắc Ấn Độ hiện đang hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt. Hôm 15/5, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi đã lập kỷ lục mới ở mức 49 độ C, trong khi nhiệt độ đỉnh điểm ở Pakistan đã lên tới 51 độ C. Tình trạng này đang khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh mất mùa, thiếu nước và mất điện.

Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo, nhiệt độ trái đất nóng lên thường đi kèm với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người trên toàn thế giới. Hiện, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Một nghiên cứu khác, được công bố hôm 18/5, cho thấy Nhật Bản đã hứng chịu một lượng mưa cực lớn trong cơn bão Hagibis năm 2019, mà tình trạng trái đất nóng lên được cho là đã đóng góp đến 67% vào sự gia tăng của lượng mưa này. Cũng theo nghiên cứu này, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến cho thiệt hại từ cơn bão Hagibis tăng thêm 4 tỷ USD.

Các phân tích khác gần đây cho thấy, lũ lụt kinh hoàng ở Nam Phi và châu Âu, sóng nhiệt ở Bắc Mỹ và các cơn bão ở Đông Nam châu Phi đã tăng tần suất xuất hiện do khủng hoảng khí hậu.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Khí tượng thủy văn Anh (Met Office) đã phân tích và đánh giá các mức nhiệt độ kỷ lục ở Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan được ghi nhận vào tháng 4-5/2010. Đồng thời cho biết, nhiệt độ tại khu vực này hiện đang trên đà vượt qua các đỉnh cao trước đây, tạo ra một kỷ lục mới.

Các nhà khoa học đã sử dụng 14 mô hình máy tính để đánh giá hai kịch bản: thế giới đang nóng lên như hiện nay, và thế giới không có biến đổi khí hậu do con người gây ra. Họ phát hiện ra rằng, những đợt nắng nóng như từng xảy ra trong năm 2010 có khả năng xuất hiện với tần suất cao hơn 100 lần khi thế giới đang nóng lên như hiện nay.

Phân tích cũng cho thấy rằng, những đợt nắng nóng khắc nghiệt như vậy sẽ xảy ra gần như mỗi năm vào cuối thế kỷ này, ngay cả khi lượng khí thải carbon đã giảm.

“Những đợt nắng nóng trong khu vực thường xảy ra trong suốt tháng 4 và tháng 5 hàng năm, như là đặc điểm của khí hậu trước gió mùa. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng này diễn ra thường xuyên hơn”, tiến sĩ Nikos Christidis tại Met Office cho biết.

“Việc thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra những hậu quả tiêu cực về thời tiết hiện đã rõ ràng, và có thể được cảm nhận ở các nước giàu có như Nhật Bản. Nếu thế giới không giảm việc sử dụng dầu, khí đốt và than đá, thì các tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ còn tiếp tục tồi tệ hơn”, tiến sĩ Friederike Otto tại Đại học Hoàng gia London - người đứng đầu World Weather Attribution, tổ chức chuyên phân tích các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên thế giới theo thời gian thực - lên tiếng. 

                    Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI