"Các đơn vị, chủ thể hãy chủ động nghiên cứu luật để tự bảo vệ mình"

23/12/2022 - 21:53

PNO - Chuẩn bị cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo chủ đề “Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số” tại TPHCM vào ngày 23/12.

Tại Hội thảo, các bên liên quan trực tiếp đến quyền tác giả, quyền liên quan, các nền tảng số, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian đã được thông tin những điểm mới liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt là cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sáng tạo nội dung, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các nền tảng số...
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sáng tạo nội dung, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các nền tảng số...

Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đang được các bộ ngành góp ý vòng cuối cùng để sớm trình Quốc hội. Nếu được thông qua, dự thảo có tới 116 điều sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ hơn, tạo thuận lợi cho các bên nghiên cứu áp dụng thực thi bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, thời gian qua, nhiều đơn vị không năm bắt được quy trình xử lý vi phạm dẫn đến khiếu nại không chính xác, cũng như chưa chủ động thu thập chứng cứ liên quan để xử lý vi phạm. Nghị định này cũng sẽ giúp các bên nắm rõ quy trình xử lý, đặc biệt là việc chủ động cung cấp bằng chứng, chứng cứ đối với hành vi xâm phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

“Các chủ thể quyền khi gửi văn bản thông báo yêu cầu gỡ bỏ nội dung xâm phạm phải kèm các bằng chứng, chứng cứ. Và những gì là bằng chứng, chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm bản quyền đều được quy định rõ. Những nội dung này của dự thảo Nghị định đã được tiếp thu từ các hội thảo lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc mà gần nhất được tổ chức tại TPHCM vào tháng 11/2022” – bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết thêm.

Với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung, cơ chếgỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số
Với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung, cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số sẽ kịp thời và thuận lợi hơn.

Cũng theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Cục bản quyền tác giả cũng đang phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. “Chúng tôi rất mong ở các hội nghị đánh giá thực tiễn thực thi xử phạt vi phạm hành chính sắp tới tiếp tục nhận được những góp ý xem chúng ta cần bổ sung, sửa đổi những điều khoản nào để có thể xử lý mọi vi phạm, nhất là những trường hợp cố tình lạm dụng quy định pháp luật để xâm phạm quyền và lợi ích của người khác” – bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết thêm.

Với việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ trung gian, các chủ thể có liên quan đồng hành cùng cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền pháp luật nhất là liên quan đến bản quyền trên không gian mạng. “Đặc biệt, các chủ thể có liên quan ở đây phải tự chuẩn bị ngay các điều kiện về kỹ thuật và nhân sự để đáp ứng các yêu cầu khi luật có hiệu lực.

“Cần tự rà soát và điều chỉnh lại các quy trình hiện tại (điều kỹ thuật, nội dung thông báo đến các đối tượng liên quan…), đặc biệt là cơ chế phối hợp các cơ quan nhà nước và các cơ quan khác để liên thông đồng bộ trong việc xử lý khi có khiếu nại vi phạm bản quyền” – ông Nguyễn Thanh Sơn đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị giữa cơ quan nhà nước, các chủ thể quyền, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian, cơ quan báo chí để cùng ký thỏa thuận phối hợp thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI