Các doanh nghiệp bất động sản “bắt tay” nhau thổi giá nhà?

28/10/2024 - 11:41

PNO - ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) chia sẻ ý kiến dư luận đang băn khoăn khi giá nhà tăng liên tục, không có khả năng thanh toán với đại đa số người dân.

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 28/10
ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 28/10 - Ảnh: QH

Hàng loạt chiêu trò đẩy giá bất động sản

Tiếp tục phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 28/10, ĐBQH Hoàng Văn Cường phản ánh, người dân quan, tâm lo lắng vì giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên. Lý giải cho giá bất động sản vẫn đang trên đà tăng, ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu lên 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, người mua nhà không chỉ để ở mà còn là một kênh tích lũy tài sản vì tiền bỏ vào mua nhà sẽ không mất đi mà tăng lên. Do vậy, tiền tích lũy được không muốn đầu tư vào kinh doanh mà đều dồn hết vào mua nhà. Từ đó, dẫn tới vòng xoáy: nhiều người mua càng tăng, giá lại càng cao... Dòng tiền bị hút vào bất động sản mà không chảy vào lĩnh vực kinh doanh khác.

Nguyên nhân thứ hai, trong những năm qua do vướng mắc các thủ tục pháp lý, nên hầu hết các dự án đầu tư bất động sản phải dừng lại, không được triển khai. Nguồn cung không có dẫn tới cung ít, cầu nhiều làm tăng giá nhà. Mặc dù giá bất động sản cao nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn rơi vào khó khăn. Nguyên nhân là do các dự án bất động sản phải dừng không triển khai được, chứ không phải do thị trường trầm lắng.

Do vậy, để gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, phải gỡ các thủ tục, pháp lý mà không lo sợ, việc giảm giá nhà sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của doanh nghiệp.

Nguyên nhân thứ ba, ĐBQH thẳng thắn nêu là do các lực lượng thị trường đã tranh thủ tìm cách đẩy giá bất động sản lên để kiếm lời. Đó là lực lượng môi giới tung tin để thổi giá; những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên; và các doanh nghiệp lớn đưa bất động sản ra thị trường bán với mức giá cao.

“Dư luận cho rằng có hay không việc các doanh nghiệp bất động sản bắt tay nhau để cố tình đưa giá cao, thiết lập một mặt bằng giá mới?”, ông đặt câu hỏi.

Giải pháp ngăn chặn bỏ cọc đấu giá đất

Để kiểm soát tình trạng tăng giá nhà đất, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, phải có giải pháp ngăn chặn tình trạng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc.

Ông nêu quan điểm, không thể tăng tiền đặt cọc vì nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh. Do vậy, phải đưa ra quy định là: người tham gia đấu giá phải chứng minh được năng lực tài chính của mình và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý. ĐBQH đề nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết giám sát.

Để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung, đưa ra giá bán cao một cách bất thường, ĐBQH đề phải đưa vào Nghị quyết đề nghị Chính phủ việc thực hiện quy định của luật giá. Theo đó, phải kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường. Điều này không chỉ phát hiện được sự bất thường của giá bán cao để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao bất thường.

Để người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định, không phải lo trả nợ, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, phải phát triển nhà ở cho thuê với giá thuê thấp. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà ở cho thuê với giá thuê thấp cần phải có vốn đầu tư cho vay dài hạn, với lãi suất thấp, từ một nguồn quỹ riêng dành cho phát triển nhà ở xã hội.

ĐBQH đồng tình với dự thảo Nghị quyết, đề nghị nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này được hình thành từ tiền sử dụng 20% đất dành để phát triển nhà ở xã hội rong các dự án phát triển nhà ở thương mại; từ trái phiếu chính phủ và các nguồn khác.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI