Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM phỏng vấn bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, là tổ chức đang có các hoạt động nghiên cứu gói hỗ trợ tài chính cho người lao động trong đại dịch.
Phóng viên: Đến nay, về cơ bản, Chính phủ đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng có công với cách mạng, diện bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, phần lớn người lao động ở khối phi chính thức - những người vốn đã có thu nhập bấp bênh và bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch - vẫn đang mòn mỏi chờ đợi khoản tiền này trong hơn ba tháng qua. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Hương: Với nhóm người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do), yêu cầu “có đăng ký thường trú hoặc tạm trú” là rất khó thực hiện vì những người lao động di cư thường có đặc điểm di biến cao, trong khi thủ tục lấy xác nhận tạm trú ở nhiều nơi lại khá rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, để được nhận tiền hỗ trợ, người lao động di cư phải lấy xác nhận của cả hai nơi, nơi đăng ký thường trú và tạm trú. Thủ tục này cũng phức tạp, làm mất thời gian đi lại và tốn kém, nhất là đối với người lao động di cư đến từ các tỉnh, thành xa xôi.
Ngoài ra, tuy các công việc của người lao động tự do rất đa dạng, nhưng không phải công việc nào của họ cũng được xét hỗ trợ. UBND cấp tỉnh tự quyết định bổ sung các nhóm công việc ngoài sáu nhóm công việc được liệt kê trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” nên việc thực thi ở các tỉnh, thành là khác nhau.
Mạng lưới Các tổ chức hành động vì lao động di cư (M.net) và Oxfam đã hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện quyết định này, hướng dẫn các địa phương chủ động bổ sung các nhóm công việc khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong 63 tỉnh, thành, chúng tôi đánh giá TPHCM là một trong những địa phương tiên phong thực hiện chính sách hỗ trợ. TPHCM đã chủ động hỗ trợ người lao động thuộc các nhóm công việc khác ngoài sáu nhóm công việc được nêu trong quyết định. Cụ thể, TPHCM hỗ trợ thêm nhóm giáo viên, nhân viên làm việc trong cơ sở mầm non ngoài công lập.
Theo như chúng tôi biết, UBND TP. Hà Nội chưa chủ động bổ sung các nhóm công việc khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và cũng thực hiện có phần cứng nhắc khi căn cứ vào điều kiện “có đăng ký thường trú hoặc tạm trú”, nên số người lao động tự do ở TP. Hà Nội được nhận hỗ trợ tương đối thấp.
* Những người lao động tự do gặp phải rào cản thủ tục hành chính và quy định điều kiện hưởng lợi của gói chính sách. Tuy nhiên, không ít người có hợp đồng lao động, tức có đầy đủ giấy tờ, vẫn không thể chạm tay được tới khoản tiền. Vì sao, thưa bà?
- Các quy định về điều kiện hưởng chính sách đã và đang tạo ra các khó khăn cho cả hai nhóm: người lao động tự do và người lao động có giao kết hợp đồng lao động (lao động chính thức).
Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định nhóm lao động chính thức muốn được hưởng gói hỗ trợ phải đáp ứng đủ ba điều kiện: “Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian của hợp đồng lao động là từ một tháng liên tục, tính từ ngày 1/4 - 30/6/2020”, “đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” và “làm việc tại các doanh nghiệp không có tài chính để trả lương… do ảnh hưởng của COVID-19”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lao động bị cho nghỉ liên tục tối đa bảy ngày/tháng và có thể kéo dài như vậy trong vài tháng. Họ cũng không làm thêm, tăng ca như bình thường vì công ty đang phải hoạt động cầm chừng, dẫn đến mức thu nhập của họ bị giảm đáng kể.
Tiêu chí doanh nghiệp (nơi người lao động đang làm việc) không có doanh thu cũng rất khó xác định. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải hoạt động cầm chừng với mức doanh thu thấp, thu nhập của người lao động giảm sút đáng kể. Có tình trạng người lao động bị nghỉ việc do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng để họ được hưởng chính sách thì Quyết định 15/2020/QĐ-TTg
quy định “doanh nghiệp lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương” đề nghị lên tổ chức công đoàn cơ sở hoặc bảo hiểm xã hội xác nhận.
Trên thực tế, khi doanh nghiệp đã cho người lao động nghỉ việc, thường thì họ không còn mối quan hệ lao động với người lao động nữa, nên sẽ không lập danh sách hoặc không xác minh cho người lao động.
Bên cạnh đó, tiêu chí “đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” đã bỏ lại nhiều người lao động trong các doanh nghiệp không thực thi việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nhìn chung, việc giám sát thực hiện chính sách cho cả nhóm lao động chính thức và tự do còn rất hạn chế. Đặc biệt, công tác thống kê người lao động tự do và công nhân trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn chưa được rà soát cụ thể, thiếu số liệu tổng thể, dẫn tới hiện tượng bỏ sót đối tượng thụ hưởng, đề xuất sai đối tượng nhận hỗ trợ.
Có địa phương như tỉnh Bắc Ninh, hiện chính quyền địa phương và liên đoàn lao động tỉnh này vẫn đang rà soát đối tượng người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, nơi nào rà soát xong mới cấp hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình lập danh sách và rà soát diễn ra khá lâu, dù bắt đầu từ tháng Năm nhưng đến nay vẫn chưa chi hỗ trợ cho người lao động.
|
Người lao động tự do ở Hà Nội. Trong đó, cắt tóc tự do không nằm trong nhóm được hỗ trợ |
* Chính phủ và chính quyền địa phương cần làm gì ngay lúc này để tiền hỗ trợ kịp đến tay người lao động và không bỏ sót đối tượng thụ hưởng?
- Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và sẽ có thêm nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ dân nghèo, người có thu nhập thấp để họ có thể duy trì cuộc sống cơ bản, không bị rơi vào đói nghèo. Với những bất cập về triển khai chính sách như đã liệt kê ở trên, cần thống nhất quan điểm về chính sách hỗ trợ để đảm bảo “công khai, minh bạch và không bỏ sót đối tượng”, cụ thể:
Thứ nhất, Chính phủ, UBND các tỉnh cần chỉ đạo, rà soát kỹ nhóm người lao động tự do với nguyên tắc chung là việc hỗ trợ hướng tới mục tiêu tìm ra những người lao động khó sống nổi do tác động của dịch bệnh, không nên kèm theo bất cứ quy định nào khác.
Cần bỏ yêu cầu “có đăng ký thường trú hoặc tạm trú”. Việc xác định nhóm người di cư làm việc trong khu vực phi chính thức không chỉ nên thuần túy dựa trên hộ khẩu, đăng ký tạm trú, vì rất nhiều người lao động di cư không đăng ký được, hoặc chưa kịp đăng ký tạm trú. Do vậy, cán bộ tổ dân phố cần khảo sát tất cả những người dân đang ở trọ, thuê nhà trong khu vực của mình phụ trách và cả những người đang sống ở các khu tạm bợ, bãi sông. Nếu những đối tượng này gặp khó khăn trong việc đăng ký cư trú, tổ dân phố và chính quyền địa phương cần hỗ trợ họ.
Việc thống kê người bị ảnh hưởng nên được giao cho cán bộ cấp phường, khu phố, tổ nhưng có hướng dẫn cụ thể. Các mẫu biểu đăng ký xin hỗ trợ có thể lấy từ trên mạng và cần được quảng bá rộng rãi để người có nhu cầu có thể tự lấy đơn làm và nộp cho UBND phường, xã nơi đang sinh sống. Đồng thời, cần áp dụng công nghệ thông tin để rà soát, thống kê và thực hiện việc chi trả hỗ trợ.
Chính phủ, UBND các tỉnh cần mở rộng hỗ trợ các nhóm khác như nhóm tự làm hoặc làm thuê cho các cơ sở/điểm xây dựng, thợ nề, thợ điện - nước, các cửa hàng và cơ sở sản xuất nhỏ (may mặc, đồ mộc, đồ gỗ, mây tre, gốm, sứ, sơn mài, vàng mã...); cơ sở hoặc điểm sửa xe (xe đạp, xe máy, ô tô); cơ sở chăm sóc sắc đẹp (bao gồm cả tự làm hoặc làm thuê cắt tóc, gội đầu, làm móng tay, móng chân); sửa khóa, làm chìa khóa; đánh máy chữ thuê tại các cửa hàng photocopy; sửa đồng hồ, máy tính, người đánh giày, người giúp việc gia đình (theo giờ hoặc theo ngày)...
Thứ hai, đối với nhóm lao động có cam kết hợp đồng lao động bị mất hoặc giảm việc làm, Chính phủ, UBND các tỉnh cần điều chỉnh các quy định điều kiện hưởng lợi chính sách, chỉ cần dựa trên một tiêu chí giảm thu nhập do ảnh hưởng COVID-19, bỏ các tiêu chí “tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng liên tục, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và làm việc tại các doanh nghiệp không có tài chính để trả lương… do ảnh hưởng của COVID-19. Đối với người bị mất việc làm, địa phương nên hỗ trợ trực tiếp, không nhất thiết thông qua doanh nghiệp.
Thứ ba, theo kênh thu thập ý kiến phản hồi của M.net và Oxfam, trong số các khuyến nghị của người lao động về cải cách gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, có ba khuyến nghị được liệt kê nhiều nhất, đó là tăng định mức hỗ trợ, hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp và tăng thời gian hỗ trợ.
Thứ tư, UBND các tỉnh, thành phố cần huy động sự tham gia, giám sát trực tiếp của người dân, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Cần tiếp tục duy trì và mở rộng truyền thông, quảng bá số điện thoại đường dây nóng để người dân trực tiếp tham gia giám sát, khiếu nại, đóng góp ý kiến khi họ gặp khó khăn, cản trở trong quá trình thực hiện chính sách và các vấn đề khác nổi cộm ở địa phương. Cần áp dụng linh hoạt công nghệ thông tin trong thu thập ý kiến phản hồi của người dân về chất lượng của chính sách hỗ trợ để điều chỉnh kịp thời.
|
|
M.net và Oxfam đang thu thập ý kiến phản hồi của người lao động về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo số liệu cập nhật tới ngày 18/8/2020, đã có 1.757 người phản hồi ý kiến, đa số ở TP.Hà Nội, trong đó có 73,21% là người lao động tự do, 24,69% là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, 1,36% là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng, thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, 0,74% là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong số 1.757 người phản hồi ý kiến, 990 người đã nhận được hỗ trợ, 738 người chưa nhận được hỗ trợ, số còn lại thì không đạt đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Trong số 738 người chưa nhận hỗ trợ, 45,5% người (336 người) đã có tên trong danh sách được hỗ trợ. Đáng chú ý, có tới 87,88% không gửi thắc mắc để được giải thích lý do tại sao chưa được hỗ trợ.
Trong số 990 người đã nhận hỗ trợ, khi nhận xét về chất lượng dịch vụ, có 754 lượt đánh giá thủ tục rõ ràng, minh bạch, 505 lượt đánh giá hài lòng với thời gian xử lý đơn hỗ trợ nhanh gọn hợp lý, và 340 lượt đánh giá hồ sơ được giải quyết đúng hẹn. Ngoài ra, có 76 lượt ý kiến không hài lòng với chất lượng dịch vụ, bao gồm thủ tục hành chính rườm rà, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài mà không có giải thích thỏa đáng, xử lý hồ sơ trễ hẹn, cán bộ có thái độ chưa tốt, tác phong thiếu chuyên nghiệp và chuyên môn chưa tốt.
Bảo Uyên (thực hiện)
*** oxfam và Mạng lưới hành động vì lao động di cư đang thu thập ý kiến phản hồi của người lao động về việc triển khai gói hỗ trợ, thông tin gửi về link dưới đây:
https://rta.rtworkspace.com/form/e130c178a1eb1c49e4bc8cc6a2588180260cfacdead78389a6e91a4b16d9514d