Các điểm du lịch không nên tăng mức phí tham quan

15/08/2024 - 06:16

PNO - Ban quản lý vịnh Hạ Long đang thu thập ý kiến về mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh trình HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, giá dịch vụ tham quan vịnh Hạ Long có thể tăng lên mức 600.000 đồng/người, gần gấp đôi mức cũ.

Theo ban quản lý vịnh Hạ Long - đơn vị được UBND tỉnh Quảng Ninh giao lấy ý kiến góp ý cho đề án thu phí tham quan vịnh Hạ Long - việc thu phí là cần thiết và phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản vịnh Hạ Long, gia tăng sản phẩm du lịch, tăng nguồn thu. Số tiền phí sẽ được dùng để đầu tư cho việc bảo tồn di sản và sự phát triển chung của địa phương.

Du thuyền neo đậu ở cảng thuộc vịnh Hạ Long chờ đưa khách tham quan vịnh
Du thuyền neo đậu ở cảng thuộc vịnh Hạ Long chờ đưa khách tham quan vịnh

Trước đây, mức vé tham quan vịnh Hạ Long cộng với vé cảng là 320.000 đồng/khách. Với mức thu này, vé tour tham quan Quảng Ninh 3 ngày 2 đêm mà các công ty du lịch chào bán là khoảng 3,5-4 triệu đồng, chưa bao gồm vé máy bay. Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi (Kiwi Travel) - cho rằng, việc các ban quản lý các di tích, danh thắng thu phí tham quan là hợp lý, nhưng muốn tăng phí phải hợp lý, có lộ trình để không gây khó khăn cho các công ty du lịch.

Ông dẫn chứng, vào đầu tháng 6/2024, ban quản lý vịnh Hạ Long đã có đợt tăng phí tham quan khiến Kiwi Travel phải bù lỗ bình quân 30.000 đồng/khách do công ty đã nhận khách trước lúc tăng phí. Hiện nay, mức phí tham quan vịnh Hạ Long (gồm vé cổng và cảng) khoảng 500.000 đồng/khách/ngày, không tính ngủ đêm. Đây là mức phí quá cao. Ông cho hay, ban quản lý các di sản trên thế giới cũng thu phí nhưng họ thường công bố lộ trình từ rất sớm so với thời điểm áp dụng. Chẳng hạn, đền Ankor Wat (Campuchia) có giá vé theo ngày tăng từ 20 USD lên
37 USD/khách (khoảng 900.000 đồng) nhưng ban quản lý báo trước cả năm nên công ty không bị động khi lập giá tour.

Theo ông Phạm Hà - Chủ tịch LuxGroup (đơn vị khai thác du thuyền trên vịnh Hạ Long) - ban quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai thu phí tham quan vịnh từ lâu. Nhưng dù có kinh phí, cơ sở hạ tầng của vịnh vẫn không được cải tạo, rác thải trên biển nhiều khiến vịnh bị ô nhiễm nặng, nạn chặt chém vẫn tồn tại ở một số dịch vụ. Do đó, việc tăng phí tham quan sẽ khiến vịnh Hạ Long giảm sức hấp dẫn. Ban quản lý vịnh cần công khai các hạng mục sẽ được đầu tư từ nguồn phí thu thêm.

Thả con săn sắt, bắt con cá rô

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương cho rằng, nên tách bạch giữa phí tham quan và phí dịch vụ. Tốt nhất là nên miễn phí hoặc chỉ thu phí tham quan với mức tượng trưng đối với khách nội địa, thu phí với mức rẻ đối với khách quốc tế để thu hút khách đến các danh thắng, di tích. Khi có đông khách đến du lịch, tham quan, các địa phương mới có thể phát triển và thu phí các dịch vụ. Nên phân khúc dịch vụ theo cấp cơ bản, trung cấp, cao cấp để khách tùy chọn chứ không nên dùng giá vé để phân loại khách ngay từ đầu. Đó là nghệ thuật kinh doanh du lịch “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Chăm chăm vào phí tham quan không phải là cách làm du lịch khôn ngoan.

Trong năm 2023, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng đưa ra đề án thu phí đối với mọi du khách đi vào phố cổ Hội An theo mức 120.000 đồng/lượt khách quốc tế, 80.000 đồng/lượt khách nội địa, dự kiến áp dụng từ ngày 15/5/2023. Sau khi nhận được những ý kiến trái chiều từ người dân, du khách, đến nay, ban quản lý khu du lịch Hội An vẫn thu phí theo quy chế cũ, tức chỉ thu của khách đoàn đi theo tour, không thu phí với khách tham quan lẻ, khách thăm người thân, dạo phố.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội (thuộc Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) - nhận xét, giá vé vào cổng các di sản, di tích ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia khá thấp, gần như chỉ ở mức tượng trưng. Họ cũng có chính sách miễn phí cho du khách trong nước. Giá vé tham quan Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) khoảng 200.000 đồng/khách, mùa thấp điểm khoảng 135.000 đồng/khách, là mức rất thấp dù đây là di tích mang tính biểu tượng của quốc gia. Cũng như giá vé tham quan Đại nội Huế là 200.000 đồng/khách, áp dụng cho khách nội địa lẫn quốc tế.

Theo ông, thắng cảnh, di tích, ở các địa phương chỉ là tiền đề hút du khách đến tham quan, từ đó giúp các địa phương phát triển kinh tế thông qua các dịch vụ kèm theo như nhà hàng, khách sạn, lữ hành, mua sắm… Chẳng hạn, du khách đến tham quan danh thắng Vũ Lăng Nguyên (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), trả khoảng 277 nhân dân tệ (khoảng hơn 700.000 đồng) cho 4 ngày tham quan, nhưng vào danh thắng này, du khách phải bỏ tiền túi mua vé đi tàu điện, cáp treo, thang máy, xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Cụ thể, khách phải trả 79 nhân dân tệ (khoảng hơn 200.000 đồng) mua vé đi cáp treo 1 chiều từ đỉnh Thiên Môn Sơn xuống đất, 179 nhân dân tệ (hơn 600.000 đồng) xem show diễn Thiên cổ tình.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI