Lượng mưa phổ biến từ 50-70mm. Một số nơi mưa nhiều hơn như huyện Bắc Hà 73mm, thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) 76,4mm, Sa Pa mưa trên 100mm.
Mưa đều khắp khiến các sông suối trong toàn tỉnh tái xuất hiện một đợt lũ cao. Tại sông Chảy, vào lúc 8h sáng 4/8, mực nước đã dâng vượt cấp báo động I là 66cm (đến 71,66m), biên độ lũ đạt mức 3,04m và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước sông lên nhanh khiến hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà) lần thứ 2 phải xả lũ trong vòng chưa đầy một tuần, làm ngập hầu hết diện tích rau màu phía hạ lưu.
Trên sông Hồng và sông Nậm Thi, đoạn chảy qua thành phố Lào Cai mực nước cũng lên cao 78,81m; biên độ lũ là 1,47; Ngòi Nhù (Văn Bàn) mực nước lên tới 87,70m, tái diễn lũ cao với biên độ trên 2,5m.
Chưa có thống kê chính thức về thiệt hại, nhưng đã có ít nhất hàng chục ha lúa mới cấy ven các con suối ở ác huyện Văn Bàn, Bát Xát, Sa Pa, Bảo Yên và nhiều diện tích hoa màu của người dân ven sông Hồng và sông Chảy bị vùi lấp.
Gió bão làm đổ cây xanh trên đảo Cô Tô. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)
Theo Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai, hiện mưa vẫn đang tiếp diễn, lũ trên sông Hồng và sông Chảy vẫn đang tiếp tục lên. Vì vậy, người dân sinh sống dọc hai bên vùng thấp ven sông Hồng, sông Chảy và các vùng núi cao cần theo dõi sát sao tình hình mưa lũ để có biện pháp phòng tránh trượt lở đất và lũ ống, lũ quét.
Theo thông tin từ Văn phòng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều giờ gây thiệt hại nặng về hoa màu, tài sản của nhân dân và ách tắc nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn.
Thống kê sơ bộ tính đến 10 giờ sáng ngày 4/8, đã có 1 nhà dân ở thôn Bản Phùng, xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên) bị sập hoàn toàn; 2 điểm trường và nhiều nhà của bà con dân tộc thiểu số ở thôn Thèn Ván 1, Thèn Ván 2 xã Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ) bị tốc mái. Mưa lớn cũng đã gây nước dâng làm ngập lụt cục bộ tại một số thôn bản của xã Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ) và cuốn trôi 1 cây cầu cứng ở xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên).
Đặc biệt, mưa lớn suốt từ trưa ngày 3/8 đến rạng sáng ngày 4/8 đã làm một lượng lớn đất đá ven taluy dương dọc Quốc lộ 4, đoạn km 390 từ Cửa khẩu Thanh Thủy đi xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên) bị ách tắc giao thông cục bộ hoàn toàn. Mưa lớn cũng đã làm sạt lở gây ách tắc giao thông hoàn toàn tại tuyến đường từ huyện Xín Mần đi Mốc 5 - Cửa khẩu Xín Mần (huyện Xín Mần).
Ngay sau khi nhận được thông tin giao thông ách tắc, Sở Giao thông Vận tải Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương huy động nhiều phương tiện máy móc hiện đại như máy xúc, máy ủi và hàng trăm lao động tại chỗ khơi thông đất đá, thu dọn cây cối bị gãy đổ.
Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, địa chất đất mềm và nước trong lòng đồi vẫn tiếp tục chảy ra, các điểm sạt lở đúng vào đoạn vòng cua; điều kiện mặt bằng thi công rất khó, nên theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Giang sẽ còn phải nhiều giờ đồng hồ nữa mới có thể thông được tuyến đường Quốc lộ 4 và tuyến đường đi Mốc 5 Cửa khẩu Xín Mần.
Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết tính đến sáng 4/8, bão số 5 đã làm 4 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ; hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại; nhiều cột điện, cột ăng en viễn thông bị đổ; vỡ 1 số lồng bè nuôi trồng thủy sản…
Hiện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương các huyện, xã, thị trấn huy động các lực lượng, phương tiện để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.
Tại tỉnh Quảng Ninh có 3 người bị thương nhẹ đã được cấp cứu kịp thời, đổ 2 cột ăng ten viễn thông cao 42m tại huyện Hải Hà và Đầm Hà, đổ 6 nhà cấp 4, tốc mái 332 nhà cấp 4 và 796 công trình phụ, đổ 14 cột điện hạ thế, vỡ 5 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản, đổ 3 ha cây keo, đổ và gãy nhiều cành cây xanh, vùi lấp một số diện tích lúa muộn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Thành phố Hải Phòng có 1 nhà bị cháy do chập điện, sập 1 nhà mái tôn, sập 100m2 mái tôn Trụ sở văn phòng, tốc mái 3 nhà, xưởng; ảnh hưởng tới năng suất của 50ha rau màu, vỡ 1 bè nuôi thủy sản; đứt 3 phao dẫn luồng khu vực bến Bèo (Cát Bà), sạt 35m đường 356 (Cát Bà), đổ gãy 35 cây xanh; đứt đường dây 35KV tại xã Phù Long và đường hạ thế tại xã Hiền Hào, Cát Hải.
Tỉnh Bắc Giang có 1 người bị thương, hơn 1.500 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Ngày 2/8, đã xảy ra sự cố sạt lở bến Gốm đê bối Dương Đức, xã Dương Đức, chiều dài cung sạt từ 8-10m, ăn sâu vào chân đề từ 2-2,5m. Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang đã chỉ đạo bạt mái, giảm tải, đóng cọc và dùng bao tải đắp xử lý, hoàn thành hồi 11 giờ ngày 3/8.
Mái đê phía sông đoạn từ K14+070 đến K14+640 đê hữu Thương, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tiếp tục có diễn biến sạt lở ăn sâu vào mái đê tại 4 vị trí, cách mép mặt đê phía sông 3,0m đến 3,5m với tổng chiều dài sạt lở trên 25m. Khu vực này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt phương án, địa phương đang triển khai xử lý cấp bách.
Tỉnh Bắc Ninh có diện tích hoa màu các loại bị hư hại 745ha. Tỉnh Lạng Sơn có 1 nhà bị sập, 105 nhà tốc mái và 1 trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, đổ 1 cột truyền hình, 1 cột điện và một số cây trên tuyến đường của huyện Đình Lập, Lộc Bình.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên hệ thống sông Thái Bình tiếp tục lên nhanh. Ngày 4/8, mực nước trên sông Lục Nam tại Lục Nam có khả năng lên mức 6,0m (dưới báo động 3 là 0,3m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương lên mức 5,8m (trên báo động 2 là 0,5m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu lên mức 5,8m (trên báo động 2 là 0,5m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 4,5m (trên báo động 1 là 0,5m).
Mực nước sông Thao, sông Lô sẽ lên nhanh. Mực nước hạ lưu sông Hồng tiếp tục biến đổi chậm, sau đó sẽ lên, đến 7 giờ ngày 5/8 tại Hà Nội có khả năng lên mức 6,70m.
Để chủ động đối phó với mưa, lũ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; chủ động đôn đốc các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về diễn biến mưa, lũ để phòng, chống kịp thời.
Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo biên phòng các tỉnh triển khai công tác khắc phục hậu quả tại địa phương, đồng thời đề phòng triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập lụt, phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát tình hình địa bàn triển khai các phương án chống mưa, lũ.
Theo TTXVN