Các “đại gia” công nghệ đã hết thời phát triển đỉnh cao?

01/10/2020 - 06:30

PNO - Sự phát triển vượt bậc của các “đại gia” công nghệ trong hai chục năm qua có nguy cơ bị đẩy lùi bởi làn sóng chống độc quyền, cũng như những kế hoạch về lợi ích chính trị, ngoại giao giữa các cường quốc trên thế giới.

Tốc độ phát triển vượt bậc của các đại gia công nghệ trong hai thập niên qua đang dần  hạ nhiệt do tác động từ đại dịch, căng thẳng chính trị và ngoại giao
Tốc độ phát triển vượt bậc của các đại gia công nghệ trong hai thập niên qua đang dần hạ nhiệt do tác động từ đại dịch, căng thẳng chính trị và ngoại giao

Nỗi lo về ảnh hưởng của công nghệ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa cấm TikTok ở Mỹ với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, trừ phi các hoạt động của nền tảng ở Mỹ do một công ty Mỹ sở hữu. Ngược lại, Trung Quốc cấm ByteDance (có trụ sở tại Bắc Kinh) bán TikTok cho các công ty Mỹ, ngay cả khi điều đó giết chết ứng dụng video ngắn tại thị trường Mỹ. Đứng trước hai mũi giáo, TikTok đã ký một thỏa thuận với công ty công nghệ Oracle (Mỹ) để trở nên “đáng tin cậy”. 

Thỏa thuận này về cơ bản là một liên doanh, cho phép Oracle xem xét mã nguồn và phần mềm của TikTok nhằm đảm bảo không có kẽ hở nào cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào dữ liệu của công dân Mỹ, vốn lưu trữ cục bộ ở Mỹ và sao lưu ở Singapore. Dù vậy, cuộc khủng hoảng TikTok là lời cảnh báo rằng, tốc độ phát triển công nghệ toàn cầu nhanh chóng trong vài thập niên qua có thể đã kết thúc.

Sự phân mảnh của mạng lưới thông tin toàn cầu

Internet có vai trò nền tảng cho mọi đột phá công nghệ gần đây, cho phép trao đổi ý tưởng và mở ra các cơ hội thương mại trên toàn thế giới. Các công ty công nghệ dễ dàng đầu tư chính xác nhờ mọi người kết nối với nhau. Bên trong phòng thí nghiệm, những nhà nghiên cứu từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ chia sẻ cùng một mã nguồn thông tin trên các nền tảng mở, thực hiện việc cộng tác đa chiều. 

Tuy nhiên, với những bức tường kỹ thuật số xuất hiện ở nhiều nơi, internet toàn cầu đang nhanh chóng bị phân mảnh. Từ đó, thế mạnh của một thị trường rộng lớn sẽ chỉ khả thi nếu có hàng tỷ người dùng nội địa, như Trung Quốc và Ấn Độ.

Mấy chục năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở nhiều nền kinh tế đủ cao để mọi người có thể sở hữu thiết bị công nghệ đắt tiền. Dù vậy, điều này không còn được coi là hiển nhiên đối với các đại gia công nghệ. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và bất bình đẳng trong đại dịch làm suy giảm sức mạnh chi tiêu của phân khúc trung lưu, vốn chiếm phần lớn tiêu dùng ở phương Tây lẫn Trung Quốc. Doanh thu từ quảng cáo cũng sụt giảm do các công ty chật vật tìm cách trụ vững trước sự gián đoạn do đại dịch gây ra. Việc sử dụng ngày càng nhiều các giải pháp công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) càng làm gia tăng áp lực lên thị trường lao động. Nếu người lao động bị thay thế, thu nhập của họ sẽ giảm và tiêu dùng công nghệ cũng đi xuống. 

Làn sóng chống độc quyền 

Không chỉ bị ngăn cản bởi biên giới trên không gian ảo, các công ty công nghệ còn đối mặt với rắc rối từ hệ thống chính trị và dư luận quốc gia. Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tiến hành phiên điều trần vào tháng 8/2020 với gần 500 trang tài liệu bằng chứng về các hành động chống cạnh tranh của Amazon, Facebook, Google và Apple (nhóm Big Four). Nhiều tài liệu nội bộ rất đáng chú ý, chẳng hạn như, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg nói với một đồng nghiệp rằng “chúng ta có thể mua mọi công ty khởi nghiệp cạnh tranh” ngay trước khi thâu tóm Instagram vào năm 2012.

Trong tháng Chín, Bộ Tư pháp Mỹ gây áp lực buộc các luật sư nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ khởi kiện Alphabet Inc. - công ty mẹ của Google và YouTube. Hành động vội vàng này khiến một số chuyên gia chống độc quyền cho rằng, chính phủ đang tìm cách trừng phạt nhóm Big Four vì ảnh hưởng của họ đối với người tiêu dùng, đồng thời thu hút sự ủng hộ của cử tri bởi động thái này gây tiếng vang trên khắp các đảng phái chính trị, từ phe tự do đến phe bảo thủ. 

Tấn Vĩ (theo CNA, Techcrunch, MarketWatch)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI