Các đại dương đang phải đối mặt với 3 "mối đe dọa" cùng lúc

05/06/2024 - 20:29

PNO - Kết quả một nghiên cứu từ Thụy Sĩ cho thấy, nhiệt độ cao bất thường, nồng độ ô xy sụt giảm và xu hướng axit hóa đang đe dọa hầu hết vùng biển trên thế giới.

Hiện tượng nước biển ấm bất thường đe dọa các loài thủy sinh, qua đó ảnh hưởng tới cả sinh kế của con người — Ảnh: Getty Images
Nước biển ấm bất thường đe dọa các loài thủy sinh, qua đó ảnh hưởng tới cả sinh kế của con người - Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu mới từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETHZ) ở Zurich, Thụy Sĩ, cho thấy, các đại dương trên thế giới đang phải đối mặt với 3 “mối đe dọa cùng lúc”, gồm nhiệt độ nóng bất thường, lượng ô xy sụt giảm và tình trạng axit hóa ngày càng tăng, theo báo The Guardian đưa tin ngày 5/6.

Theo nhà nghiên cứu Joel Wong tại ETHZ, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí AGU Advances, cuộc khủng hoảng khí hậu đang đẩy các vùng biển vào tình trạng cực đoan. Nước biển đang phải hấp thụ lượng nhiệt và carbon dioxide (CO2) khổng lồ từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nên có tính axit cao hơn, làm tan vỏ của các sinh vật biển và khiến đại dương thiếu ô xy.

Ông Wong cho biết, các sự kiện cực đoan liên quan đến 3 hiểm họa nói trên hiện có thể kéo dài tới 30 ngày ở vùng khí hậu nhiệt đới và Bắc Thái Bình Dương, thời gian gấp 3 lần và cường độ gấp 6 lần so với những năm 1960, ảnh hưởng tới khu vực từ mặt biển xuống đến độ sâu 300m.

Trong tháng Ba năm nay, nhiệt độ trung bình của đại dương toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 21,07 độ C. Bước sang tháng Sáu, vùng biển trong vành đai khí hậu nhiệt đới vẫn rất nóng, trong ngưỡng từ 28 - 31 độ C. Một số khu vực như vùng duyên hải phía tây Trung Mỹ, Biển Ả Rập, Vịnh Bengal, Vịnh Thái Lan, Biển Đông, nhiệt độ nước biển nóng tới khoảng 35 độ C.

Andrea Dutton - nhà khoa học về địa chất và khí hậu tại Đại học Wisconsin–Madison, ở bang Wisconsin (Hoa Kỳ) - cho biết: “Nhiệt độ của các đại dương thực sự vượt xa mức bình thường, thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi không thể giải thích đầy đủ về nhiệt độ ở Đại Tây Dương, cho thấy mùa bão năm nay là vấn đề đáng sợ”.

Dutton lưu ý, sự kết hợp giữa nước biển ấm bất thường, nồng độ ô xy giảm và quá trình axit hóa gia tăng đã từng xuất hiện trên trái đất vào cuối kỷ Permi. Đó là khoảng 252 triệu năm trước, khi hành tinh này trải qua sự kiện tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử, là Đại diệt vong, hơn 96% số loài sinh vật biển khi đó đã tuyệt chủng.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI