“Đau lòng vì gây thiệt hại cho nhiều người”
Theo cáo trạng, ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc (TGĐ) Ngân hàng SCB) đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với bà Trương Mỹ Lan và các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán TVSI.
|
Ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu TGĐ Ngân hàng SCB) tại toà |
Ông Võ Tấn Hoàng Văn là người chỉ đạo, điều hành Ngân hàng SCB giới thiệu, tư vấn bán trái phiếu; ủy quyền cho bà Trần Thị Minh Thảo - đại diện phía Ngân hàng SCB ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI về việc hợp tác giới thiệu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng/chuyển nhượng trái phiếu.
Chỉ đạo Khối Ngân hàng bán lẻ Ngân hàng SCB triển khai tổ chức bán hàng, đào tạo sản phẩm mới cho Giám đốc và các nhân viên bán hàng tại các chi nhánh và phòng giao dịch Ngân hàng SCB; xây dựng và triển khai các chính sách hoa hồng, chương trình thi đua giới thiệu khách hàng cho các đơn vị kinh doanh...
Thực hiện theo quy trình tạo lập, phát hành, tổ chức bán hàng dựa trên các bộ tài liệu đào tạo khung, việc hợp tác giữa Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán TVSI. Ông Võ Tấn Hoàng Văn đã đồng phạm, giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 28.469 tỉ đồng của 35.818 bị hại.
Trả lời trước Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Võ Tấn Hoàng Văn thừa nhận các con số trong cáo trạng là đúng. Ông Văn khai, bà Trương Mỹ Lan đã mời ông cùng một số cán bộ chủ chốt tại SCB như ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch SCB, đã bỏ trốn ra nước ngoài), bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó TGĐ SCB, đã mất), ông Nguyễn Tiến Thành (cựu TGĐ Công ty Chứng khoán TVSI, đã mất), ông Hồ Bửu Phương (cựu phó TGĐ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đến cùng ăn cơm trưa để bàn về việc phát hành trái phiếu. Để có thể huy động nguồn tiền cho SCB và phát hành được trái phiếu, bà Trương Mỹ Lan sẽ cho SCB mượn công ty An Đông.
Ông Văn khẳng định trước toà rằng do không có nghiệp vụ, chuyên môn về trái phiếu nên ông không tham gia vào các công việc phát hành các gói trái phiếu. Ông cũng không chỉ đạo các nhân viên SCB ký khống các chứng từ để chạy dòng tiền tạo lập trái phiếu. Thời điểm ông làm việc với cơ quan điều tra trước đó, do tâm bối rối nên có nhiều lời khai không đúng.
Khi chủ toạ hỏi có nhận thức được hành vi của mình hay không, ông Văn đã bật khóc rồi nói: “Bị cáo nghĩ việc phát hành trái phiếu chỉ để tăng nguồn thu cho SCB. Bị cáo vô cùng đau lòng vì hành vi của mình đã gây thiệt hại cho nhiều người. Mong HĐXX xem xét vì bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng lợi gì từ số tiền phát hành trái phiếu”.
Nạn nhân trong vụ án có cả mẹ và dì của bị cáo
Trong 35.000 bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), có bị hại là mẹ và dì của ông Trương Khánh Hoàng (cựu TGĐ Ngân hàng SCB).
|
Ông Trương Khánh Hoàng (Cựu TGĐ SCB) |
Theo cáo trạng, ông Trương Khánh Hoàng được bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó TGĐ SCB, đã mất) thông báo chủ trương của bà Trương Mỹ Lan chọn Công ty Setra phát hành trái phiếu có giá trị 2.000 tỉ đồng để lấy tiền trả tiền lãi của 3 gói trái phiếu do Công ty An Đông phát hành. Ông Trương Khánh Hoàng đã chỉ đạo ông Trịnh Quang Công (cựu TGĐ Công ty Acumen) phối hợp với bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu PGĐ phụ trách tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng SCB) và ông Nguyễn Phương Anh lên phương án chạy dòng tiền khống tạo lập nhà đầu tư sơ cấp giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của bà Trương Mỹ Lan, đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại.
Trình bày trước HĐXX, ông Trương Khánh Hoàng cho biết, ông vào làm việc tại SCB sau khi việc phát hành trái phiếu diễn ra. Khi ông tiếp nhận SCB thì SCB đang bị thanh tra, hạn mức tín dụng bị siết, trái phiếu phát hành đến hạn trả lãi nên ông Hoàng “sốt ruột” và chịu nhiều áp lực. Vì vậy ông Hoàng đã đồng ý với chủ trương của bà Trương Mỹ Lan là sử dụng Công ty Setra để phát hành trái phiếu. Nhưng mục đích cuối cùng của việc phát hành trái phiếu là dùng để trả lãi cho trái phiếu cho Công ty An Đông và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. “Bị cáo đã nhận thức được hành vi sai trái của mình, mong HĐXX giảm nhẹ mức án cho các bị cáo nói chung. Bị cáo ân hận, xót xa vì đã có nhiều người bị hại, càng xót xa hơn khi mẹ và dì của bị cáo cũng là bị hại trong vụ án” - ông Trương Khánh Hoàng khai tại tòa.
Tương tự, ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) cũng thừa nhận hành vi sai trái đúng như trong cáo trạng. Tuy nhiên tại thời điểm phát hành trái phiếu, ông không biết đó là việc làm sai phạm, chính vì vậy vợ và nhiều người thân của ông Dũng cũng là nạn nhân mua trái phiếu của SCB.
|
Bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó TGĐ SCB phụ trách tín dụng và xử lý nợ xấu) |
Bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó TGĐ SCB phụ trách tín dụng và xử lý nợ xấu) thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Tuy nhiên, bà Dung mong HĐXX xem xét một số chi tiết như bà không hề bàn bạc với ông Trương Khánh Hoàng về việc lên phương án chạy khống dòng tiền như trong cáo trạng đã ghi. Với cáo buộc “đã chỉ đạo cấp dưới là ông Bùi Anh Dũng (Nguyên giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành) hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống Ngân hàng SCB, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại”, bà Dung cho rằng bà chỉ trao đổi chung chung về chủ trương chứ không trực tiếp chỉ đạo với từng bị cáo.
Bà Trần Thuý Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ, kiêm thủ kho SCB Chi nhánh Sài Gòn) trình bày rằng bà đã tiếp nhận, xử lý và ký 191 chứng từ nộp tiền mặt hơn 21.000 tỉ đồng và 238 chứng từ rút tiền mặt hơn 22.000 tỉ đồng liên quan đến dòng tiền không tạo lập trái phiếu Công ty An Đông. 24 chứng từ nộp tiền mặt 2.400 tỉ đồng và 28 chứng từ rút tiền mặt 2.400 tỉ đồng liên quan đến dòng tiền khống tạo lập trái phiếu Công ty Sunny World theo chỉ đạo của bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó TGĐ SCB, đã mất). “Có những ngày bị cáo phải cho khách hàng ký rút, chuyển tiền sau giờ làm việc. Bị cáo băn khoăn làm như vậy là sai quy định nhưng chị Hồng nói rằng đây là việc nội bộ, chỉ cần làm theo và đừng quan tâm những vấn đề khác” - bà Ái trình bày.
Thanh Hoa – Bích Trần