Cựu cán bộ SCB bật khóc, xin lỗi người bị hại
Bào chữa cho bà Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó TGĐ phụ trách tín dụng và xử lý nợ SCB - luật sư Nguyễn Thành Công mong Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ vì bà Dung chỉ là người làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Tự bào chữa, bà Dung cho biết bà khá “sốc” khi nhận quyết định khởi tố 2 tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do giúp bà Trương Mỹ Lan phát hành gói trái phiếu tại Công ty Setra gây thiệt hại 2.000 tỉ đồng và “Rửa tiền” hơn 69.000 tỉ đồng.
|
Bà Trần Thị Mỹ Dung bật khóc vì cái giá phải trả quá đắt khi làm hại nhiều người, bản thân rơi vào vòng lao lý |
Bật khóc trước HĐXX khi nói về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bà Dung cho biết: Bị cáo không có chỉ đạo bất kỳ ai, cũng không biết gì về phát hành trái phiếu tại Công ty Setra. Bị cáo không hề bàn bạc với ông Trương Khánh Hoàng - cựu TGĐ Ngân hàng SCB - về việc lên phương án chạy khống dòng tiền như trong cáo trạng đã ghi. Bị cáo cũng không chỉ đạo cấp dưới là ông Bùi Anh Dũng - nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành - hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống Ngân hàng SCB, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu. Bị cáo chỉ truyền đạt chỉ đạo của cấp trên tới các đơn kinh doanh thông qua nhóm chat Telegram. Nếu bị cáo không nhắn tin trên nhóm chat này thì việc phát hành trái phiếu và sử dụng dòng tiền vẫn xảy ra. Với quyền PGĐ khối, bị cáo không có quyền quyết định, chỉ đạo, xen vào hay hỏi han bất cứ điều gì liên quan đến trái phiếu.
Tuy nhiên bị cáo rất đau khổ, nội tâm giằng xé vì việc làm này ảnh hưởng tới hàng chục ngàn người dân, khiến hàng các nhân viên SCB - những người luôn đồng cam cộng khổ với bị cáo phải rơi vào vòng lao lý, riêng bị cáo thì bị đối mặt với mức án 30 năm tù (giai đoạn 1 là 18-19 năm tù, giai đoạn 2 bị đề nghị là 14-16 năm tù). Mỗi ngày từ tòa về tạm giam, nhìn thấy cha mẹ, con đứng ở góc đường vẫy tay chào mình, bị cáo chỉ biết khóc. Cái giá phải trả cho những việc làm này là quá đắt.
Trình bày trước HĐXX, ông Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT SCB - cũng khóc nức nở, nói lời xin lỗi hơn 35.000 bị hại. Tại thời điểm phát hành trái phiếu, ông không biết đó là việc làm sai phạm, chính vì vậy vợ và nhiều người thân của ông Dũng cũng là nạn nhân mua trái phiếu của SCB. Hiện ông Dũng đã hiểu rõ bản chất vụ án nên không có ý kiến bào chữa gì, ông chỉ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông, đặc biệt là hai bị cáo là cấp dưới của ông vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất, đang nuôi con nhỏ. Trong giai đoạn 2 này, ông Dũng bị VKS đề nghị mức án 10-12 năm tù.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn không phạm tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới"
Bào chữa cho ông Võ Tấn Hoàng Văn - cựu TGĐ SCB - luật sư Lê Hồng Nguyên mong HĐXX xem xét lại tội danh “Lừa đảo chiềm đoạt tài sản”. Theo đó, quy trình bán trái phiếu của 4 công ty cho các nhà đầu tư xuất phát là từ bữa cơm trưa, có bà Trương Mỹ Lan tham gia nhưng chỉ mang tính chất thăm dò. Bà Lan chỉ đặt vấn đề về phát hành trái phiếu thế nào, còn ông Văn không nắm rõ thủ tục phát hành trái phiếu SCB. Trong quá trình lựa chọn các công ty là hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu, ông Văn không tham gia. Còn chủ trương phát hành trái phiếu, lên phương án phát hành, phương án chạy dòng tiền là do bà Nguyễn Phương Hồng - cựu quyền TGĐ SCB (đã mất) - và một số bị cáo khác tham gia, ông Văn không tham gia. Hay các phương án chuyển từ trái phiếu của Công ty An Đông thành trái phiếu sơ cấp cũng không có mặt ông Văn. Hay phương án chuyển trái phiếu An Đông thời hạn 5 năm thành trái phiếu linh hoạt có thời hạn dưới 12 tháng cũng không có vai trò của ông Văn. “Vai trò ông Văn chỉ xuất hiện khi trái phiếu sơ cấp đã hoàn thành, lúc đó SCB đã ký kết hợp đồng với Công ty chứng khoán Tân Việt và lên phương án đưa các trái phiếu ra thị trường. Ông Văn chỉ đóng vai trò tiêu thụ, đào tạo cho nhân viên SCB bán trái phiếu cho nhà đầu tư. Do đó cáo trạng quy kết ông Văn giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu là không có căn cứ” - luật sư Lê Hồng Nguyên nói.
|
Luật sư cho rằng ông Võ Tấn Hoàng Văn không phạm tội "Vận chuyển trái phép tiền qua biên giới" |
Đối với hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, luật sư Lê Hồng Nguyên cho rằng ông Văn không phạm tội. Bởi lẽ, quá trình chuyển tiền tại Ngân hàng SCB đều báo hệ thống Ngân hàng Nhà nước, báo cáo ban thanh tra, cục phòng chống rửa tiền… nhưng không có sự đánh giá sai sót nào từ hệ thống Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan chức năng về việc sai phạm. Nếu đã được cơ quan chức năng chấp thuận cho chuyển tiền thì việc cơ quan điều tra, VKS cho rằng hành vi của ông Văn sai phạm là không thỏa đáng.
Trong quý trình cơ cấu SCB, có 5 công ty chuyển tiền từ nước ngoài về để góp vốn cho SCB và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận thì phải xem đây là nguồn tiền hợp pháp. Ông Văn có ký 20 hợp đồng, 13 hợp đồng trả nợ, 7 hợp đồng trả tiền tư vấn. Tất cả quy trình của SCB gồm lệnh chuyển tiền, hồ sơ pháp lý của công ty chuyển tiền (bên chuyển, bên nhận)… đều theo đúng quy trình của SCB, do nhân viên dưới quyền ông Văn trình lên, các giấy tờ này không có ghi chú sai sót gì giống cáo trạng quy kết. Luật sư Lê Hồng Nguyên khẳng định: Về cấu thành tội phạm thì hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới là thực hiện bằng đường bộ, trên không, trên biển. Theo quy định tội danh tại Điều 189 thì là vật chất chứ không phải là tiền trên phương tiện điện tử như đang xét xử trong vụ án này. Tiền qua hệ thống ngân hàng chưa được định liệu trong tội này.
Trình bày trước HĐXX, ông Võ Tấn Hoàng Văn đồng ý các quan điểm bào chữa của luật sư. Với vai trò là TGĐ SCB, vì nỗ lực tăng thu cho ngân hàng nên ông mới tìm phương án phát hành trái phiếu ra thị trường, giống như bán các sản phẩm khác của SCB là đúng quy định, không vi phạm. Ông Văn khẳng định mình không đề xuất cho bà Trương Mỹ Lan về chủ trương phát hành trái phiếu như cáo trạng đã nêu. Ông mong HĐXX đánh giá, giảm nhẹ hình phạt cho ông.
Trước đó, vào ngày 4/10, ông Võ Tấn Hoàng Văn bị VKS đề nghị mức 12-13 năm tù.
Thanh Hoa - Bích Trần