Các cường quốc chạy đua vũ trang trên vũ trụ

24/07/2020 - 07:10

PNO - Việc xuất hiện các vệ tinh sát thủ của Trung Quốc và Nga khiến Mỹ và Nhật Bản phải lập đơn vị phản ứng.

Theo nguồn tin trên tờ Yomiuri, các vệ tinh sát thủ của Trung Quốc và Nga dường như đang tìm cách tiếp cận hệ thống vệ tinh Nhật Bản trong thời gian gần đây, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến trong không gian.

Nga, Trung Quốc phát triển vũ khí chống vệ tinh

Trích dẫn lời một quan chức chính phủ ở Tokyo, tờ Yomiuri cho biết thêm, Washington đã “lo lắng” khi vệ tinh Cosmos 2542 của Nga liên tục tiếp cận một vệ tinh trinh sát của Mỹ đang có cùng quỹ đạo vào tháng 1/2020. Ở khoảng cách này, Cosmos 2542 có thể chụp ảnh cấu hình của vệ tinh Mỹ và thực hiện nhiều hoạt động khác, như xả đạn, bắn tia laser hoặc tự nổ. Sau vụ việc, có những quan điểm cho rằng Nga đang thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh, hoặc sát thủ vệ tinh, với ý định khơi mào cuộc chiến trong không gian.

Trung Quốc phóng vệ tinh cuối cùng trong mạng lưới định vị Bắc Đẩu vào tháng 6/2020, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ - Ảnh: AP
Trung Quốc phóng vệ tinh cuối cùng trong mạng lưới định vị Bắc Đẩu vào tháng 6/2020, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ - Ảnh: AP

Bên cạnh Nga, Trung Quốc cũng tiến bộ trong việc phát triển các vũ khí không gian, bao gồm vệ tinh sát thủ, tên lửa chống vệ tinh khai hỏa từ mặt đất hoặc không trung và chùm tia laser năng lượng cao. Dường như Bắc Kinh và Moscow đang đặt ưu tiên cao cho việc phát triển và triển khai các khả năng tấn công vệ tinh vì hai nước coi không gian là “gót chân Achilles” của quân đội Mỹ. Lý do là, phần lớn vũ khí tối tân của Mỹ phụ thuộc vào hệ thống định vị GPS với thông tin được thu thập từ mạng lưới vệ tinh ngoài vũ trụ. Một nguồn tin liên quan đến quân đội Mỹ cho biết, nếu hệ thống vệ tinh của Mỹ ngừng hoạt động, quân đội Mỹ buộc phải tham gia vào mọi trận chiến như “kẻ bị bịt mắt”.

Lance Gatling - nhà phân tích hàng không vũ trụ tại Tokyo - nói rằng, việc các cường quốc tìm cách khai thác mọi cơ hội tiềm năng để đạt được lợi thế quân sự hoặc kinh tế là “không thể tránh khỏi”. Ông nhận định: “Mỗi quốc gia vũ trụ tiên tiến với bất kỳ loại vệ tinh nào cũng đều lo ngại về những gì sẽ xảy ra nếu thiết bị của họ bị vô hiệu hóa. Mục tiêu can thiệp cuối cùng là giành quyền kiểm soát vệ tinh, chẳng hạn như bằng cách gây nhiễu, khiến nó không thể thực hiện nhiệm vụ hoặc phá hủy hoàn toàn”.

Mỹ, Nhật Bản lập đơn vị phản ứng

Lo ngại trên là một trong những lý do khiến Nhật Bản gấp rút thành lập phi đội hoạt động không gian vào tháng 5/2020. Tuy có quy mô nhỏ và nằm dưới quyền chỉ huy của Lực lượng Phòng vệ không quân (JASDF), đội dự kiến sẽ phát triển về quy mô và tầm quan trọng trong những năm tới.
Phi đội chịu trách nhiệm vận hành Hệ thống Nhận thức tình huống không gian của Nhật Bản, có hình dạng của một mạng lưới radar tiên tiến để giám sát các vệ tinh sát thủ từ nước khác, đặt tại một cơ sở đang xây dựng ở tỉnh Yamaguchi, phía tây nam Nhật Bản và dự kiến hoạt động vào năm 2023. Đơn vị cũng sẽ phóng và vận hành một vệ tinh giám sát vào khoảng năm 2026.

Các thành viên của phi đội, gồm khoảng 20 người, đang được huấn luyện tại căn cứ của Lực lượng Phòng vệ không quân Nhật Bản ở TP.Fuchu thuộc Tokyo và vài nơi khác. Một quan chức cấp cao của JASDF nhận định, rất hiếm khi một phi đội được ra mắt dù vẫn chưa có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ cụ thể nào, nhưng đây là tình huống bắt buộc do các điều kiện khách quan bên ngoài.

Đơn vị này của Nhật đang phối hợp với Lực lượng Không gian Mỹ nhằm phát triển khả năng phòng thủ không gian đa quốc gia để đối phó với Trung Quốc và Nga. Nhật Bản được coi là thành viên quan trọng của liên minh vì quân đội Mỹ không có cơ sở giám sát trên bộ trong khu vực; ngược lại, Tokyo hiện không có khả năng giám sát các hoạt động của Bắc Kinh hay Moscow ngoài vũ trụ.

Garren Mulloy - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Tokyo) - chỉ ra rằng, vệ tinh của các quốc gia khác nhau thỉnh thoảng vẫn di chuyển lại gần nhau, nhưng kiểu hành vi liên tục tiếp cận của vệ tinh Trung Quốc hoặc Nga rất đáng ngờ. 

Ông Mulloy nhận định: “Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc và Nga quan tâm nhiều hơn đến các vệ tinh của Mỹ, nhưng nếu Tokyo và Washington hợp tác chặt chẽ hơn, vệ tinh Nhật Bản cũng sẽ trở thành mục tiêu. Đối với Nhật Bản và Mỹ, khả năng giao tiếp và hợp tác tốt hơn trong không gian sẽ là một tình huống có lợi cho cả hai”. 

Tấn Vĩ (theo SCMP, Real clear Defense, Eleven Myanmar)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI