Các cụ… đi học bán trú

22/07/2023 - 11:00

PNO - “Lớp học” khởi đầu ngày mới bằng việc kiểm tra sức khỏe học viên, kế đến là 30 phút thể dục… Cuối buổi chiều, các cụ sẽ trở về với gia đình.

 

Những người bạn già ở “lớp học” bán trú
Những người bạn già ở “lớp học” bán trú

"Ở đây có nhiều bạn, vui lắm"

Gần 8g sáng, cụ Lệ Hằng (ngoài 80 tuổi) chia tay con trai ở sân chung cư khu Ngoại giao đoàn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Cụ Hằng khoe: “Nhà tôi cách đây gần 1km. Sáng nào con trai cũng đi bộ cùng tôi đến đây. Rồi tôi lên “lớp”, nó đi làm”. Cụ Hằng vào “lớp học” - Trung tâm dưỡng lão bán trú Nhân Ái (Nhân Ái Daycare).

Nghe tiếng nhạc rộn ràng, tiếng hô từ phòng phía trong vọng lại, bước chân cụ có vẻ nhanh hơn. Bước vào hàng để tập những động tác nhẹ nhàng đầu ngày, cụ ghé đầu sang hàng bên hỏi cụ Phạm Trần Lan (80 tuổi): “Hôm nay tôi đến muộn nhất hả bà Lan?”.

Tóc uốn gọn ghẽ, ánh mắt và cử chỉ vẫn rất linh hoạt; cụ Lan vừa tập vừa quay sang: “Chưa nhất đâu. Ông Cường còn chưa thấy đến”. Nói đoạn, cụ Lan hướng mắt về phía bà Tý (ngoài 70 tuổi), hất hàm ra hiệu với cụ Hằng: “Đấy, bà Tý lại muốn ngủ đấy. Tay chân tập mà mắt cứ lim dim”.

Kết thúc bài vận động buổi sáng, các cụ ra phòng ngoài, kéo ghế ngồi nghỉ, chờ nhân viên của trung tâm chuẩn bị nước cam ép. Nhóm trò chuyện rôm rả, nhóm rì rầm rủ rỉ. Ông Nguyễn Hải Chi (70 tuổi) ngồi cách các nhóm mấy ghế, giở cuốn Tam quốc diễn nghĩa ra đọc. 

Ở một khu phòng khác, cụ Cao Lệ Trường (ngoài 80 tuổi) ngồi duỗi chân, khom lưng để nhân viên của trung tâm bấm huyệt. Chúng tôi hỏi: “Cụ thấy thế nào ạ?”. Cụ Trường nhắm mắt, các nét trên gương mặt giãn ra: “Thích lắm, ở nhà có ai biết bấm huyệt để làm giúp mình đâu”. Rồi cụ gọi với: “Cái Huyền (nhân viên của trung tâm) đâu ấy nhỉ? Lát nữa Huyền dạy bà cách đăng ảnh lên Facebook nhé”.

Nghe có tiếng gọi tên mình, chị Ngô Thị Thanh Huyền nhanh chân chạy vào. Trên dãy ghế dựa lưng vào tường, bà Tý đang ngáy pho pho. Chị Huyền lay lay: “Bà ơi, chưa đến giờ ngủ đâu. Bà ra ngoài chơi, nói chuyện với mọi người nhé”. Bà Tý mắt nhắm mắt mở, chân thấp chân cao bước ra phòng ngoài, nơi bà Trần Thị Lan đang hát, các cụ khác hưởng ứng rất vui vẻ.

Những giờ học đặc biệt 

Nguyễn Thị Loan và Lê Thị Thu Trang, 2 cô gái trẻ măng, 1 cô 9X “đời cuối”, 1 cô sinh năm 2001 - thay nhau hướng dẫn các cụ trong giờ vận động chính. Nhận sợi dây thun to bản, mỏng mềm như dải lụa, cụ Nguyễn Thị Thanh (ngoài 80 tuổi) nghiêng đầu ngắm nghía rồi vòng sợi dây thun ngang hông, định thắt nơ.

Chị Huyền đứng phía ngoài tủm tỉm: “Cụ Thanh thời trang nhất ở trung tâm. Cụ cũng là người có nhiều tấm hình chụp bên hoa nhất”. 

Vòng ngoài, bà Nguyễn Thị Khoa (70 tuổi) vừa đạp xe trên máy vừa giơ tay tập các động tác cùng cả lớp. Loan ngồi đối diện với các cụ, hướng dẫn cả lớp tập xòe từng ngón tay, rồi nắm từng ngón của cả 2 bàn tay cùng lúc. Bài tập tưởng chừng nhắm mắt cũng làm được ấy, với các cụ, hóa ra lại chẳng hề dễ dàng.

Tới bài “búa, kéo, lá” như oẳn tù tì, cụ Thanh, cụ Tuyết, cụ Lan Trần, cụ Lan Lê thay nhau la oai oái: “Loan, mày làm chậm chậm cho bà theo với. Từ nãy tới giờ bà chưa làm đúng lần nào” khiến cả lớp nghiêng ngả cười.

Giá như biết lớp học sớm hơn 

Cụ Trường cười: “Các cháu rất nhẹ nhàng, thân ái như những người bạn, làm tôi quên cả tuổi già. Từ ngày đến đây, có các cháu, các bạn, tôi không thấy mình già nữa”. Cụ Thanh thì bảo: “Nhà tôi ở tận quận Hoàng Mai, nghe người này, người kia giới thiệu nhưng mãi tôi mới đồng ý đến đây. Đến rồi mới thấy hối hận, giá mà mình “đi học” sớm hơn”.

Cụ Đặng Hanh Phức sống cùng tòa nhà với trung tâm. Buổi sáng, cụ đi thang máy xuống lớp. Cuối buổi, người thân hoặc nhân viên trung tâm sẽ đưa cụ về nhà. Tuổi 94, tóc bạc da mồi song cụ vẫn đầy mẫn tiệp - sự minh mẫn, rành mạch, khúc chiết của người làm khoa học. Cụ vốn là giáo sư, nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Trường đại học Dược Hà Nội.

Các cụ thực hành bài tập vận động với dây thun
Các cụ thực hành bài tập vận động với dây thun

Nụ cười thường trực, cụ Phức kể: “7 năm trước, bà nhà tôi mất. Con đi làm, cháu đi học, chỉ mình tôi ở nhà. Cách đây 7 tháng, tôi bị ngã khi ở nhà một mình. Thế là sau đó tôi chọn xuống đây. Đông bạn già nên vui lắm. Nhiều lúc tôi cũng tiếc, giá mà mình “đi học” sớm hơn”. 

Bà Lan Lê tóc dài, uốn xoăn, nhuộm đen, nhà ở quận Ba Đình. Bà Lan kể: “Trước khi đến đây, bao nhiêu năm tôi lủi thủi một mình, chỉ có ti vi làm bạn suốt ngày”. Bà Lan Trần góp chuyện: “Tôi cũng thế, nhà ở Ciputra (khu đô thị Nam Thăng Long), con cái đều thành đạt nhưng đứa nào cũng bận. Cả ngôi nhà lớn mà chỉ có mình tôi… Buồn lắm! May mà có chốn này để được gặp các bạn già trò chuyện, tập tành, thỉnh thoảng còn được đi dã ngoại”.

Cố gắng tập luyện để không thành gánh nặng 

Lúc thấy bà Lan Trần kể với chúng tôi bao nhiêu chuyện về “ngày xưa” của bà, từ việc rời Thái Nguyên xuống Hà Nội học đại học như thế nào, đến đi xin việc, được bố trí công tác ra sao…; chị Huyền cứ tủm tỉm cười. Lúc chúng tôi dứt được câu chuyện với bà Lan Trần, chị Huyền nói: “Bà Lan Trần mắc chứng Alzheimer.

Bà nhớ rất rõ mọi chuyện trong quá khứ nhưng những chuyện gần đây thì bà lại ít nhớ được”. Tình trạng của cụ Hằng có vẻ nặng hơn. Thỉnh thoảng cụ Hằng lại: “Ơ, đây là bệnh viện, là nơi người ta làm việc cơ mà! Các anh các chị cho tôi về”. 

Chị Huyền khoe, hôm trước các cụ vừa tham gia buổi sinh hoạt văn hóa mang chủ đề gia đình Việt Nam. Các cụ được nhân viên trung tâm hướng dẫn cách làm khung hình thủ công từ gỗ, rồi cắt hoa giấy trang trí lên. Đơn giản vậy nhưng 20 cụ là 20 nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc làm khung hình dàn trải tới dăm ngày.

Cụ Tuyết làm khung ảnh gia đình
Cụ Tuyết làm khung ảnh gia đình

Tay chân các cụ không còn khéo léo, linh hoạt, sự tập trung cũng khó khăn… Như cụ Lan Trần, cắt dán một bông hoa chỉ mất độ mươi phút nhưng sau mỗi bông hoa ấy, hồi ức về con cái, gia đình trong cụ cứ thế kéo về và cụ mất đến 15-20 phút “Đây này, thằng con lớn nhà tôi…, đứa út nhà tôi…”. 

Trung tâm đang có 20 cụ theo học bán trú đều đặn các ngày trong tuần. Một số cụ đến lớp cách nhật. Cũng có cụ chỉ đến lớp 1 buổi/tuần. Thế nhưng như thế cũng đã là niềm vui khi các cụ được giao lưu, sinh hoạt cùng các bạn già. Có nhóm cần phục hồi chức năng vận động; có nhóm mắc chứng sa sút trí tuệ; lại có nhóm không vướng các vấn đề về phục hồi chức năng lẫn sa sút trí tuệ nhưng ở nhà buồn chán nên cũng đến đây cho có bạn chuyện trò.

Chị Huyền cho biết tất cả bài tập dành cho các cụ đều theo tiêu chuẩn của Nhật Bản nhưng đã được điều chỉnh để phù hợp với môi trường và văn hóa của người Việt; đồng thời cũng phải phù hợp với sức khỏe, thể trạng của từng cụ.

Như ông Cường mắc chứng rối loạn vận động cả chục năm nay, sau khi bị tai nạn giao thông. Ông đến đây để giảm gánh nặng cho bà và để được tập luyện phục hồi chức năng. Đầu còn nghiêng ngoẹo, 1 cánh tay còn co quắp nhưng ông đã tự dò dẫm đi lại được, cột sống cũng bớt cong vẹo hơn trước rất nhiều. Bà Khoa - người chăm chỉ tập luyện nhất lớp - vẫn còn di chứng méo miệng, tiếng nói méo mó sau trận đột quỵ. Bà bảo: “Phải chăm tập cho hồi phục, chứ nếu không sẽ thành gánh nặng cho con cháu”.

Cụ Lan Trần (trái) và cụ Lệ Trường giúp nhau làm bông hoa từ ống hút nhựa
Cụ Lan Trần (trái) và cụ Lệ Trường giúp nhau làm bông hoa từ ống hút nhựa

Thay đổi quan niệm 

Trung tâm dưỡng lão bán trú Nhân Ái là mô hình “dưỡng lão bán trú” độc lập, trọn vẹn đầu tiên ở Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - người sáng lập trung tâm - cho biết, sau 17 năm hoạt động chăm sóc người cao tuổi 24/7, tiếp xúc với rất nhiều cụ trong nhiều tình trạng sức khỏe; bà nhận thấy có một bộ phận khá lớn người cao tuổi dù không đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động cộng đồng nhưng cũng chưa đến mức cần phải có sự chăm sóc thường xuyên, sự hỗ trợ của nhà dưỡng lão 24/7, đồng thời vẫn muốn gắn bó với gia đình.

Với mô hình “dưỡng lão bán trú” như nhiều nước trên thế giới, các cụ thực sự được tận hưởng tuổi già, vui chơi, giao lưu, luyện tập, kiểm soát sức khỏe bản thân trong tâm thế chủ động. Trên thực tế, nhóm người cao tuổi này đông hơn nhóm cần chăm sóc 24/7. Mô hình “dưỡng lão bán trú” giúp các cụ thỏa mãn mong muốn có một sân chơi riêng lúc con cái vắng nhà.

Khi chúng tôi cho rằng “học phí” 500.000-600.000 đồng/buổi bán trú là mức giá khá cao so với mặt bằng chung, bà Thanh trầm ngâm: “Học phí” này đến từ rất nhiều nguyên nhân: Đây là mô hình theo chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng muốn đưa đến cho các cụ những dịch vụ thực sự chất lượng so với mặt bằng chung đang có”.

Bà cho biết, với mô hình của Nhật Bản mà trung tâm đang áp dụng buộc phải có điều kiện về cơ sở vật chất (trung tâm có tổng diện tích 800m2 với các phòng vận động thể chất, mát-xa, bấm huyệt, thư viện, không gian sinh hoạt chung), trang thiết bị, mặt bằng… Trung tâm lại thuê địa điểm ở một trong những khu đô thị chất lượng nhất của Hà Nội. Vì thế, những yếu tố đó ít nhiều ảnh hưởng đến mức “học phí”.

Ngoài ra, bà Thanh còn cho rằng xét về quan niệm chi tiêu trong xã hội, cha mẹ có thể đầu tư cho con cái từ 200.000-500.000 đồng/90 phút học thêm tiếng Anh - trong khi với các cụ, đó là tổng chi phí cho 8 giờ/ngày cùng trọn vẹn dịch vụ thăm khám sức khỏe, ăn uống, luyện tập phục hồi chức năng, tham vấn tâm lý… 90 phút học phí cho con có khi chỉ bằng chi phí 1 ngày cho cha mẹ, thì như vậy, quan niệm chi tiêu cho người cao tuổi trong xã hội cần thay đổi hay chưa? Bà cho biết Nhân Ái sẽ thực hiện những mô hình phù hợp hơn với mỗi cộng đồng dân cư khác nhau, địa bàn khác nhau, với những mức chi phí mặt bằng khác nhau…

Luật Người cao tuổi quy định rõ, chăm sóc người cao tuổi là một trong những lĩnh vực được khuyến khích xã hội hóa - như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… Những quy định thụ hưởng chính sách trong việc xã hội hóa chăm sóc người cao tuổi rất rõ ràng. Song, do chưa thực sự đi vào cuộc sống nên sự tiếp cận, thụ hưởng những chính sách, ưu đãi đó gần như không có. 

Ông Cù Việt Cường (bìa phải) tập bài tập riêng để cải thiện chứng rối loạn vận động
Ông Cù Việt Cường (bìa phải) tập bài tập riêng để cải thiện chứng rối loạn vận động

Bà Thanh chia sẻ: “Yếu tố quan trọng đầu tiên cũng là mặt bằng. Thế nhưng chính sách đất đai, quy hoạch dành cho các mô hình này đã được thực hiện hay chưa? Hiện nay, chúng tôi đang phải theo đúng như thị trường, như bất kỳ loại hình kinh doanh nào - phải thuê với mức giá như các quán cà phê, phòng tập gym, cũng phải trả những chi phí như họ trả. Điều này ảnh hưởng một phần đến cấu thành “học phí” mà các cụ phải chi trả khi sử dụng dịch vụ. Chưa kể những ưu đãi về tài chính tín dụng. Mô hình của chúng tôi cũng cần có nguồn vốn, vậy quy định về vay vốn, ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực kinh doanh xã hội đã có chưa hay chúng tôi vẫn phải vay vốn ngân hàng thương mại như các mô hình kinh doanh khác, phải chịu mức lãi suất lên đến 12%?”.

Người sáng lập mô hình “dưỡng lão bán trú” trăn trở: “Chính sách, quy định chúng ta đã có rồi. Bây giờ phải làm sao để thực thi chính sách, đưa được những quy định đó vào cuộc sống.

Có vậy, hệ thống dưỡng lão tại Việt Nam mới thực sự được hậu thuẫn, vấn đề chăm sóc người cao tuổi nói riêng và an sinh xã hội nói chung sẽ được phát triển toàn diện, trọn vẹn hơn”. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI