Các công ty giải trí kiếm bộn tiền từ người hâm mộ

20/12/2020 - 11:33

PNO - Ứng dụng cộng đồng người hâm mộ nổi lên như một chiêu thức kiếm tiền mới cho các công ty giải trí, đây được xem là hướng đi trong tương lai gần mà ngành công nghiệp K-pop hướng đến.

Ứng dụng “đẻ trứng vàng”

Ngay từ đầu những năm 2000, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã tiên phong về sự chuyên nghiệp và chặt chẽ từ khâu đào tạo, xây dựng hình ảnh cho đến thu lợi lớn từ các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ. Lần lượt doanh thu từ album vật lý, kỹ thuật số, các buổi concert, fanmeeting đã tạo ra nguồn thu ổn định, thậm chí lên tới hàng triệu USD.

Tuy nhiên, các tập đoàn giải trí chưa bao giờ hài lòng với lợi nhuận hiện tại, họ luôn muốn tăng giá trị thương hiệu và hiển nhiên sẽ tìm mọi cách khai thác doanh thu từ lực lượng người hâm mộ hùng hậu. Dựa trên fandom (cộng đồng người hâm mộ) lớn mạnh, các “ông lớn” đã xây dựng ứng dụng di động, ở đó người hâm mộ có thể cập nhật kịp thời các hoạt động của thần tượng một cách dễ dàng, thay thế các trang fanpage hiện tại.

Ứng dụng Weverse dành cho người hâm mộ BTS phát triển vượt bậc trong 2 năm qua.
Ứng dụng Weverse dành cho người hâm mộ BTS phát triển vượt bậc trong năm 2020.

Điển hình như Weverse, ứng dụng di động cho cộng đồng người hâm mộ toàn cầu của BTS, kết hợp các tính năng được cung cấp trên các ứng dụng khác, chẳng hạn như YouTube và Twitter, là cách duy nhất để khán giả nhận thông tin độc quyền về các siêu sao. Người hâm mộ có thể thấy thông báo từ các thành viên, truy cập video dành riêng cho người dùng Weverse và mua hàng hóa (lightsitck, áo đồng phục…). Ngoài ra, BTS còn thỉnh thoảng giao lưu với người hâm mộ bằng tài khoản cá nhân trên ứng dụng. 

"Ứng dụng này cần thiết cho người hâm mộ BTS, những người muốn biết về các ngôi sao. Mỗi ngày tôi dành hơn một giờ cho ứng dụng. Trước đây, có một cộng đồng người hâm mộ BTS trên Daum, nhưng hiện tại chúng tôi đã chuyển sang Weverse" - Kim Sun-young, một thành viên ARMY (câu lạc bộ người hâm mộ BTS) và là giảng viên tiếng Hàn tại Đại học Yonsei nói với The Korea Times.

Thành công từ BTS, Big Hit Entertainment tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh ứng dụng với tốc độ chưa từng có cho 13 nghệ sĩ, nhóm nhạc như SEVENTEEN, Sunmi, CL... Thậm chí, Gracie Abrams - ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ và New Hope Club, một ban nhạc của Vương quốc Anh, đã được thêm vào danh sách nghệ sĩ gần đây trên Weverse.

Tính đến tháng 9, số lượng người dùng Weverse đã vượt quá 150 triệu người, giúp Big Hit thu về 31 tỷ won (gần 590 tỷ đồng) vào năm 2019 và  tăng vọt lên 112,7 tỷ won (hơn 2.100 tỷ đồng) chỉ trong nửa đầu năm 2020, tương đương 38,3% tổng doanh thu của công ty.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của BTS giúp Big Hit thu về doanh thu khủng.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của BTS giúp Big Hit thu về doanh thu khủng.

Nền kinh tế fandom phát triển vượt bậc

Park Yong-hee, một nhà phân tích tại IBK Securities (công ty chuyên cung cấp dịch vụ chứng khoán và tài chính trong lĩnh vực môi giới, quản lý tài sản và tài chính doanh nghiệp) cho biết nền kinh tế fandom đang phát triển vượt bậc trong 2 năm trở lại đây. Hiện, quy mô fandom của Big Hit có trị giá lên đến 7,9 nghìn tỷ won. 

Một nghiên cứu gần đây của tập đoàn thương mại điện tử iPrice tại Đông Nam Á cũng chỉ ra rằng người hâm mộ BTS chi trung bình 1.422 USD mỗi năm cho các sản phẩm âm nhạc của thần tượng, trong khi người hâm mộ Twice và Blackpink chi trung bình lần lượt là 824 USD và 665 USD. Dữ liệu được thu thập không bao gồm doanh thu từ lễ hội âm nhạc, chuyến lưu diễn hoặc hoạt động biểu diễn của các nhóm nhạc tại các sự kiện trao giải. 

Ngoài Big Hit, các công ty giải trí và truyền thông khác cũng đang nhảy vào lĩnh vực kinh doanh ứng dụng người hâm mộ. SM Entertainment đã bắt tay với Naver, nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm hàng đầu tại Hàn Quốc, để kết hợp ứng dụng có tên Lysn với Fanship, dịch vụ cộng đồng người hâm mộ sau này. Naver đã quyết định đầu tư 100 tỷ won (tương đương 1.900 tỷ đồng) để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc đưa ra nhiều nội dung kỹ thuật số nguyên bản cho người dùng.

Ưu điểm nổi trội của các nhóm nhạc K-pop là sở hữu lực lượng fandom hùng hậu và trung thành.
Ưu điểm nổi trội của các nhóm nhạc K-pop là sở hữu lực lượng fandom hùng hậu và trung thành.

NCSOFT, nhà phát triển trò chơi trực tuyến, cũng chuẩn bị phát hành một dịch vụ cộng đồng người hâm mộ mới có tên là UNIVERSE vào đầu năm 2021. Nền tảng sẽ bao gồm fandom của 11 nhóm nhạc K-pop và nghệ sĩ solo như MONSTA X, Kang Daniel, (G) I-DLE… cho phép khán giả trải nghiệm trò chuyện điện thoại với các thần tượng dựa trên công nghệ tổng hợp giọng nói do AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ. 

Các nhà phê bình cũng lý giải sự nở rộ và nổi tiếng của các ứng dụng xuất phát từ tính chất độc đáo của ngành công nghiệp K-pop, với lực lượng fandom trung thành và quan tâm khá nhiều đến hoạt động thường ngày của các thần tượng.

"Các thị trường âm nhạc ở nước ngoài có thể bán nội dung hoặc hàng hóa bằng cách phát hành một bài hát. Ví dụ, Taylor Swift hay Billie Eilish hiếm khi trò chuyện với người hâm mộ thông qua ứng dụng. Nhưng trong ngành công nghiệp K-pop, người ta cho rằng nghệ sĩ phải có sự tương tác trực tiếp và xây dựng mối quan hệ bền chặt với người hâm mộ qua mạng xã hội. Việc các công ty giải trí tung ra nền tảng của riêng họ được coi là nỗ lực trong việc tiếp cận thân thiện với công chúng" - nhà phê bình âm nhạc Jung Min-jae nói với The Korea Times.
Ông Jung cũng nhấn mạnh các nền tảng này không đơn thuần được tạo ra nhằm kết nối người hâm mộ trên toàn cầu, mà mục đích chính của các tập đoàn giải trí vẫn là tăng thêm doanh thu nhờ phương thức tiếp thị người nổi tiếng.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI