Các công ty dược tìm giải pháp thay thế cho vắc-xin COVID-19

29/05/2021 - 06:39

PNO - Một số nhà sản xuất dược hàng đầu trên thế giới đang đi tìm một giải pháp thay thế vắc-xin COVID-19, đó là chế tạo thuốc để trị căn bệnh này.

 

Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị
Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị - ảnh: Reuters

Đến nay, vắc-xin vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu để đối phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng muốn hoặc có đủ điều kiện để tiêm ngừa. Vắc-xin cũng không phải là liều thuốc thích hợp cho những người bị ức chế miễn dịch, tức không có khả năng sinh ra kháng thể để chống lại sự lây nhiễm. Vì vậy, chế tạo thuốc để trị bệnh thay vì dùng vắc-xin để phòng bệnh là một giải pháp thay thế cho cuộc chiến với COVID-19 đang được nhiều nhà sản xuất dược hàng đầu thế giới nghiên cứu.

Cụ thể, các nhà sản xuất dược đang tìm cách chế tạo ra một loại thuốc để trị COVID-19 như những loại thuốc cảm thông thường, tức thuộc nhóm thuốc kháng virus, sử dụng qua đường uống. Nghĩa là, sau khi bị nhiễm COVID-19, bệnh nhân chỉ cần uống thuốc theo liều lượng được chỉ định là có khả năng khỏi bệnh.

“Thật lý tưởng nếu chúng ta có thể triển khai tiêm vắc-xin đại trà và đạt đến một tỷ lệ người được tiêm cao. Nhưng trên thực tế, có nhiều người không muốn tiêm vắc-xin, và vắc-xin cũng có thể không có tác dụng đối với một số người”, Tiến sĩ David Hirschwerk - một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Northwell Health, dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất ở New York (Mỹ) -  chia sẻ với AFP.

Thuốc cũng tiện dụng hơn vắc-xin ở vấn đề bảo quản và vận chuyển. Người bệnh cũng có thể chủ động dùng thuốc bất cứ lúc nào, không phải đăng ký, đến những bệnh viện hay trung tâm chuyên phục vụ tiêm ngừa và chờ đợi đến lượt như trường hợp tiêm vắc-xin.

Một trong những công ty đi đầu trong các nghiên cứu chế tạo thuốc trị COVID-19 là Merck - công ty dược phẩm đa quốc gia của Mỹ có trụ sở chính tại Kenilworth, New Jersey. Công ty này đã hợp tác với Ridgeback Biotherapeutics - một công ty công nghệ sinh học có trụ sở ở Miami, bang Florida - để phát triển một loại thuốc dùng 2 lần một ngày có tên Molnupiravir.

Kết quả ban đầu từ thử nghiệm giai đoạn hai của Molnupriravir khá khả quan. Cụ thể, trong thử nghiệm này, hàng chục tình nguyện viên có kết quả dương tính với COVID-19 đã được cho uống Molnupiravir, và khoảng 1/4 trong số này được cho uống giả dược. Sau đó 5 ngày, tất cả đều được xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy những người đã được dùng Molnupiravir đã không còn bất kỳ loại virus nào trong cơ thể - một điều không xảy ra ở những người đã được dùng giả dược.

Người dân xếp hàng bên ngoài quầy thuốc để mua remdesivir ở Chennai, Ấn Độ
Người dân xếp hàng bên ngoài quầy thuốc để mua Remdesivir ở Chennai, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, số lượng người tham gia thử nghiệm nói trên còn quá ít để có thể đưa ra kết luận chắc chắn, và Merck hiện đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn ba với 1.850 người, kết quả dự kiến ​​sẽ đuộc công bố vào nửa cuối năm nay.

“Virus về cơ bản chỉ là những vật thể rất nhỏ bé và chúng cần một số thành phần nhất định để tự tái sinh. Thuốc kháng virus được chế tạo để ngăn chặn vào quá trình này”, Daria Hazuda -  Giám đốc khoa học của Merck - giải thích với AFP và cho biết Molnupiravir là một chất kháng virus thuộc nhóm các chất ức chế chuỗi phản ứng polymerase (PCR), có khả năng làm mất tác dụng các loại enzym mà virus cần để sao chép vật chất di truyền của chúng và tạo ra các đột biến khiến chúng không thể tái tạo.

Khi các kháng thể tấn công vào protein bề mặt của COVID-19 đang phát triển liên tục, thuốc kháng virus được cho là có khả năng chống lại các biến thể tốt hơn.

Hiện, chỉ có một loại thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ phê chuẩn cho việc điều trị COVID-19, đó là Remdesivir do Gilead Sciences - một công ty công nghệ sinh học có trụ sở ở California (Mỹ) - sản xuất. Remdesivir cũng là một chất ức chế PCR như Molnupiravir, nhưng có cơ chế hoạt động khác.

Nhược điểm lớn nhất của Remdesivir là nó được phát triển như một loại thuốc tiêm tĩnh mạch và chủ yếu dùng để điều trị những bệnh nhân COVID-19 đã ở giai đoạn phải nhập viện, nhưng cũng không có tác dụng nhiều trong việc giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Bởi vì, ở giai đoạn này, bệnh COVID-19 đã diễn biến nặng, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đang phải hoạt động quá mức, làm tổn thương nhiều cơ quan của cơ thể.

Đó cũng là lý do các nhà nghiên cứu đang chuyển hướng sang chế tạo thuốc dùng qua đường uống, giúp bệnh nhân có thể sử dụng ngay sau khi bị nhiễm COVID-19.

Ngoài Merck, Roche và Atea cũng đã bắt đầu thử nghiệm các chất ức chế PCR có tên gọi AT-527, sử dụng qua đường uống, trên 1.400 bệnh nhân. “Loại thuốc này cho đến nay đã được chứng minh là có tác dụng rất tốt với các thí nghiệm”, Jean-Pierre Sommadossi - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Atea, chia sẻ với AFP và cho biết, dự kiến công ty sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép cho loại thuốc này vào cuối năm và đưa nó ra thị trường trong năm 2022.

Pfizer - công ty đã phát triển một trong những loại vắc-xin COVID-19 hàng đầu trên giới - cũng đang thu hút sự chú ý với một loại thuốc uống trị căn bệnh này có tên PF-07321332. Hiện, Pfizer đang thử nghiệm loại thuốc này ở giai đoạn một cho những bệnh nhân khỏe mạnh, và dự kiến sẽ thực hiện các nghiên cứu giai đoạn cuối vào giữa năm nay.

Nhất Nguyên (theo AFP, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI