Cần hơn 1.000 kỹ sư công nghệ thạo việc
Theo ông Arun Dubey - Giám đốc công nghệ thông tin (CNTT) của Vietnamobile - khách hàng của Vietnamobile đang sử dụng cơ sở hạ tầng CNTT và điện tử ở mật độ cao trong thời gian giãn cách xã hội nên những nhà cung cấp dịch vụ CNTT như Vietnamobile phải làm việc với tần suất cao hơn trước, do đó rất cần kỹ sư từ Ấn Độ chi viện:
“Chúng tôi cần kỹ sư Ấn Độ vì họ thành thạo hầu hết các công nghệ và sản phẩm thương mại ra khỏi kệ, tức sản phẩm có sẵn, sản phẩm cho thuê (COTS). Rất khó tìm được công ty cung cấp các sản phẩm này tại Việt Nam, trong khi đối tác công nghệ của chúng tôi ở Ấn Độ lại cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trên. Nhưng do dịch COVID-19 nên công ty phải hoãn việc đón họ về”.
|
Sự thiếu hụt kỹ sư công nghệ thông tin từ Ấn Độ do dịch COVID-19 gây không ít khó khăn cho các công ty công nghệ của Việt Nam |
Bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc miền Bắc của Navigos Search (công ty cung ứng dịch vụ tuyển dụng trực tuyến) - cũng thông tin, các chuyên gia Ấn Độ vốn được đánh giá cao trong lĩnh vực CNTT. Do họ có trình độ chuyên môn vững vàng nên được hưởng chế độ lương, thưởng rất cao. Nhiều công ty Ấn Độ cũng tuyển thẳng nguồn nhân lực này từ nước họ để sang Việt Nam làm. Các vị trí phổ biến là trưởng nhóm hoặc trưởng phòng kỹ thuật. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh này, họ khó di chuyển đến Việt Nam.
Ông Vaibhav Saxena - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Ấn Độ tại Việt Nam - nhận định, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích DN trong nước tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; việc chuyển đổi số trong từng DN sẽ thúc đẩy nhu cầu tuyển kỹ sư công nghệ ngày càng tăng. Kỹ sư Việt Nam có kỹ năng tốt nhưng chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ mới. Do đó, lĩnh vực CNTT vẫn đòi hỏi sự kết hợp kinh nghiệm quốc tế với địa phương.
Hiện có khoảng hơn 200 kỹ sư công nghệ Ấn Độ làm việc tại Việt Nam. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện giờ, ông Vaibhav dự đoán, việc thiếu hụt nguồn kỹ sư từ Ấn Độ sẽ kéo dài đến hết năm 2021, trong khi các DN đang cần tuyển hơn 1.000 kỹ sư.
Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nội địa
Lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhưng các DN chưa chọn giải pháp làm việc trực tuyến 100% nên vẫn cần đón kỹ sư từ nước ngoài về. Theo ông Arun Dubey, thời kỳ đầu dịch bệnh, DN phải xoay xở để thích nghi với tình hình. Khi “trạng thái bình thường mới” được áp dụng dài hạn, Vietnamobile cũng đã quen với cách làm việc và họp hành trực tuyến. Tuy nhiên, có một số nghiệp vụ không thể làm từ xa, nhân lực tại chỗ lại vướng rào cản ngôn ngữ nên công ty rất cần chuyên gia Ấn Độ đến làm việc trực tiếp.
Thiếu hụt nhân sự từ Ấn Độ không chỉ xuất hiện ở ngành CNTT. Tổng Lãnh sự Ấn Độ cho hay, có khoảng 500-600 chuyên gia Ấn Độ đang làm việc tại TPHCM trong nhiều ngành nghề như ngân hàng đa quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, cơ quan tư vấn quốc tế, lĩnh vực ô tô, dệt may, CNTT, giáo dục đại học, truyền thông quảng cáo và dược phẩm. Dịch bệnh đã khiến số lượng chuyên gia từ Ấn Độ đến TPHCM và các tỉnh phía Nam giảm hẳn.
Tiến sĩ Madan Mohan Sethi cho rằng, sự thiếu hụt nhân sự Ấn Độ sẽ được giải quyết ngay khi các chuyến bay thương mại quốc tế được nối lại. Rất nhiều DN Ấn Độ và Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự hợp tác này. Ông cho rằng, đội ngũ nhân sự từ Ấn Độ sẽ đóng góp vào sự thành công của các ngành công nghiệp trọng yếu của Việt Nam, góp phần trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và vận hành cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Theo ông Vaibhav Saxena, trong tương lai, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực nội địa để tránh bị động bằng cách xem trọng việc đào tạo nguồn nhân lực ngành CNTT. Ấn Độ cũng đã từng trải qua quá trình này. Hiện nay, Việt Nam chỉ chú trọng đào tạo các chương trình chính thức (nặng lý thuyết cơ bản) trong trường học, chương trình nghề lại nghèo nàn, chỉ tập trung vào kỹ năng lập trình, thiết kế web… Ngành CNTT cần mở rộng quy mô và đổi mới phương thức đào tạo vì sản phẩm CNTT thuộc chu trình ngắn hạn và thay đổi liên tục.
Do đó, cần cải cách và nâng cấp hệ thống giáo dục CNTT, từ chương trình học cho đến công cụ thực hành. Chính phủ cần kết hợp khảo sát DN và xu hướng phát triển nguồn nhân lực CNTT trên thế giới để có thể dự báo nhu cầu nhân lực chính xác hơn, qua đó xây dựng được đội ngũ nhân lực tiên tiến hơn.
Cũng theo ông Vaibhav Saxena, nguồn nhân lực CNTT hiện tại cũng cần phải cập nhật kiến thức mới và bổ sung một số kiến thức chuyên ngành khác, đồng thời cần tiếp cận chương trình quốc tế tiên tiến để giúp nền công nghệ trong nước phát triển gần với thế giới hơn. Chính phủ cũng nên xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư quốc tế vào ngành này.
Các công ty Công nghệ thông tin ở Ấn Độ đang ăn nên làm ra
Ông Vaibhav Saxena cho biết, lực lượng kỹ sư CNTT tại Ấn Độ được gầy dựng từ đầu những năm 1990. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Ấn Độ đã thành lập Hiệp hội Các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia (NASSCOM) làm nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển ngành CNTT quốc gia.
Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc năm 2001 về phát triển nguồn nhân lực CNTT, Ấn Độ có 2.579 đơn vị đào tạo chính thức và 2.300 không chính thức. DN tư nhân cũng được khuyến khích tham gia vào hệ thống đào tạo này để tạo ra môi trường thực hành cho người học. Để tránh chảy máu chất xám, Chính phủ Ấn Độ thực hiện chính sách di cư theo ngành và khuyến khích phát triển các trung tâm CNTT của người nước ngoài tại Ấn Độ. Đến nay, quốc gia này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho thế giới.
Hiện tại, COVID-19 đang hoành hành ở Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, ngành CNTT và một số ngành công nghiệp khác của Ấn Độ đang có cơ hội bùng nổ và thực tế, từ tháng 12/2020, các công ty CNTT đã công bố mức lợi nhuận kỷ lục. Sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này đang làm cho thị trường nhân lực sôi động hơn, DN bắt đầu thuê thêm nhân viên và tăng lương để giữ chân nhân tài. Từ tháng Tư, công ty tư vấn công nghệ lớn nhất nhì Ấn Độ là TSC đã tăng lương cho nhân viên và đây là lần tăng thứ hai trong vòng sáu tháng.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, Công ty Infosys đã công bố quyết định về việc tăng lương và đầu năm nay lại công bố thêm các chương trình thăng tiến cho nhân viên.
Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục
Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược quan trọng để Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0).
Trước yêu cầu chuyển đổi số, ngành giáo dục cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào việc dạy, học và quản lý. Theo báo cáo PISA năm 2020 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, việc học trực tuyến để phòng, chống COVID-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước trong OECD (67,5%). Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.
Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết chương trình hợp tác triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, hai bộ này sẽ cùng các DN số phát triển các nền tảng số dùng chung trong giáo dục, đồng thời huy động DN hỗ trợ nhà trường, giáo viên và học sinh về đường truyền internet, phần mềm quản lý, phần mềm dạy học trực tuyến và trang thiết bị đầu cuối.
|
Mỹ Huyền