Các con lợt lạt với ông bà

31/07/2018 - 12:00

PNO - Hỏi các con thương ông bà không, đứa nào cũng đánh trống lảng. Mà nghĩ lại, mình còn không gắn bó với ông bà thì sao làm con mình gắn bó được. Biết mình có lỗi mà không biết làm sao để sửa...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 34 tuổi, có con gái 8 và 10 tuổi. Vợ chồng em sống riêng từ khi mới cưới. Ông bà nội ở quê nên thực lòng mà nói, tình cảm ông bà với các cháu cũng không gắn bó lắm. Hồi trước, khi em sinh cháu đầu, ông bà nói vợ chồng em ráng kiếm đứa con trai. Em lại sinh con gái, ông bà thất vọng, em cũng ngại về quê, sợ bị hối thúc sinh thêm con trai, nên em không về luôn.

Cac con lot lat voi ong ba
Ảnh minh họa

Hè này, em cho con về thăm ông bà. Tụi nhỏ vốn quen ở thành phố, về được một hai ngày đã than buồn, suốt ngày ngồi bấm điện thoại. Chúng không nói chuyện với ông bà đã đành, cư xử cũng lợt lạt lắm. Chồng em có vẻ buồn, nhưng không nói. Hôm bọn em trở lại thành phố, ông bà nội đem bánh, trái cây ra chất vô xe cho tụi nhỏ. Thấy tội ông bà.

Em có nói chuyện với chồng, làm sao cho tụi nhỏ gắn bó hơn với ông bà nội ngoại. Chồng em nói gửi con về quê chơi, hai đứa nhỏ giãy nảy không chịu. Đón ông bà lên thành phố thì ông bà không muốn, nhà lại chật. Hỏi các con thương ông bà không, đứa nào cũng đánh trống lảng. Mà nghĩ lại, mình còn không gắn bó với ông bà thì sao làm con mình gắn bó được. Biết mình có lỗi mà không biết làm sao để sửa.

Thu Yến (TP.HCM)

Em Thu Yến thân mến,

May mắn là em nhận ra điều này khi chưa quá muộn. Bọn trẻ còn nhỏ, vẫn có thể sửa được, em ạ. Em nên nói chuyện với chồng. Đây cũng là điều anh muốn làm nên vợ chồng có thể “hợp đồng tác chiến”. Mình phải chủ động làm gương cho tụi nhỏ. Em cần gọi điện và về quê thăm ông bà thường xuyên hơn; gửi quà bánh, thuốc men, chăm sóc ông bà. Việc mời ông bà lên chơi, đừng ngại nhà chật hay đường xa. Bỏ qua chuyện con trai con gái, tư duy của người thế hệ trước còn cổ hủ, bao nhiêu người vậy chứ đâu phải chỉ riêng ông bà. Ông bà quý cháu, đó là điều quan trọng, là phúc ấm của gia đình mình.

Chuyện xóm làng, chuyện sức khỏe của ông bà, những kỷ niệm hồi nhỏ của chồng em… đều có thể đưa thành câu chuyện gia đình, giúp bọn trẻ hiểu hơn về làng quê, ông bà và tình ruột thịt. Ngoài kể chuyện, em nên nhắc nhở các con - nếu không có ông bà tần tảo nuôi ba, thì không có ba như hôm nay với gia đình mình. Em nên khuyến khích các con hỏi thăm sức khỏe ông bà qua điện thoại, chuẩn bị quà tặng ông bà. Khi ông bà lên thành phố, mình tổ chức đi chơi, khuyến khích các con giúp ông bà làm quen với những thiết bị hiện đại như ti vi, máy giặt, cả iPad nữa… Khi các thế hệ có sự giao kết gần gũi, tình cảm mới nảy sinh.

Có thể tốn nhiều thời gian nhưng cần phải bắt đầu. Mai kia, ông bà đau ốm, nếu các con em có tình cảm với ông bà, sẽ đỡ đần vợ chồng em nhiều lắm. Mình lo cho ba mẹ, sau này các con sẽ hiểu tình thương ấy. Chúc em xây dựng được một nền tảng bền vững cho gia đình.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI