Bạn tôi thông báo con trai thứ của mình thành thân. Bạn viết: “Bạn đời của con không phải là một cô gái như vợ chồng mình hằng mong đợi. Bù lại, gia đình mình có được một người con trai giỏi, lành và khiêm tốn. Cháu là Jin, xuất thân từ một gia đình tốt ở Hàn Quốc. Hiện nay, cháu đang làm việc tại Mỹ. Thông báo này thay cho thiệp báo hỉ cùng bà con họ hàng và bạn bè thân tình. Gia đình xin trân trọng cảm ơn nếu được nhận những lời chúc phúc chân thành, hân hoan từ quý vị”.
Gia đình nào lại không mong muốn có một cô dâu như hằng mong đợi. Nhưng đôi khi thực tế lại khác đi, và, 1 là hoan hỉ chấp nhận, 2 là từ chối và 3 là chấp nhận trong thế khó chịu cái thực tế “kỳ cục” đó. Bạn tôi ở tâm thế số 1.
|
2 bà mẹ Việt - Hàn có cùng quan điểm: để con được sống cuộc đời của con |
Bạn bộc bạch ở vị trí người mẹ nói với con, rằng “Nhiều năm trước, mẹ từng hoang mang không biết trong thân thể cao lớn của con là tâm hồn một chàng trai hay cô gái. Nhiều năm sau, điều ấy đã không còn làm mẹ trăn trở qua lần con đưa ba đi bệnh viện.
Trên đường về, con đã nói: “Ba mẹ phải sống cho mạnh khỏe. Con sợ khi ba mẹ đau yếu rồi chết đi, anh Dũng và chị Thảo cũng lần lượt không còn. Lúc đó, con sẽ trở thành một thằng già cô độc, không con cái, không cháu chắt. Nghĩ tới, con không muốn sống tiếp. Nếu chết đi, con mong được chôn bên cạnh chị Thảo, vì chỉ có Thảo mới thương con, hiểu con là ai…”. Con nhớ không? Hôm ấy trời mưa và ba đã ứa lệ.
Đêm đó mẹ thức trắng. Nỗi thương con đã trải qua ngần ấy thời gian không dám bộc bạch hết tâm tư với người sinh ra mình; nỗi xót xa vì con đã giằng xé với tương lai mơ hồ, sương khói…; Con biết không? Mẹ đã không đủ kiên nhẫn chờ tới sáng chỉ để nói với ba câu “Phải cho cu Xi sống cuộc đời của nó, anh à”. Mẹ lay ba dậy giữa khuya. Ba quay qua, bật đèn đầu giường rồi cùng mẹ nhắc chuyện ngày xưa.
Chuyện mẹ mang thai chị em con ra sao; chuyện ngày mẹ trở dạ rồi các con lớn lên ra sao; chuyện 2 chị em quấn quýt, thương yêu nhau từ lúc còn bé. Ba mẹ cứ huyên thuyên và chờ trời sáng. Mà con biết đó, mùa thu ở Seattle, mặt trời mọc rất muộn.
Bây giờ, cả nhà cảm thấy an lòng vì con đã có được một gia đình đúng nghĩa. Có thêm một người mẹ thứ hai luôn quan tâm và thương yêu con. Chừng ấy thôi đã đủ với cuộc đời của ba mẹ rồi”.
Thông báo gửi đi, bạn tôi nhận lại rất nhiều tin nhắn chúc mừng cho gia đình và 2 cháu. Bạn tôi rất vui và hạnh phúc khi thấy không chỉ có người trong gia đình mà bạn bè ở Việt Nam đọc được tin báo hỉ sự cũng từ Việt Nam sang tham dự.
Bạn tôi ngập trong hạnh phúc, vẫn cẩn thận viết lời cảm ơn gửi đến bà con thân thuộc của con trai Jin, từ California sang dự; đồng thời cảm ơn luôn cả những ai đã xem thông báo của bạn, dù chỉ xem cho biết.
Rồi bạn khoe, ngày đầu gặp thân mẫu của cháu Jin (Hàn Quốc), cảm nhận trước tiên là “cô ấy” trẻ và rất dịu dàng, khuôn thước. Đó là một nữ bác sĩ trẻ, vui vẻ, dịu dàng, dễ thương; rồi bạn tự trào, chứ không thô ráp như má của Xi (là bạn).
Bạn kể: “Chúng tôi hàn huyên đơn giản qua phần thông dịch của 2 đứa con trai. Hy vọng mối thâm giao đời kiếp này sẽ trong, ấm và thơm như những ly trà gạo trên bàn. Thật vui vì những món quà Hàn của song thân Jin đã tặng vợ chồng mình”.
|
Xi và Jin được 2 bên gia đình tôn trọng và yêu thương |
Vẫn theo lời bạn, bà sui Hàn Quốc - mẹ Jin - mấy năm trước cũng mang tâm trạng nặng nề. Nhưng vì là trí thức nên mẹ Jin khép kín hơn. Tuy nhiên, về sau này, cô ấy đã hiểu, thông cảm và rất thương cả Xi lẫn Jin khi quan sát Xi, tiếp cận, gần gũi nhiều với 2 đứa. Cô ấy nhận ra một điều, dù là cha mẹ, cũng không thể sống luôn phần đời của con mình.
Chú của Jin cũng vậy. Họ thương Xi, nói nhờ Xi mà Jin đã gần gũi với gia đình họ hơn trước; vì trước đây gia đình không chia sẻ được, nên Jin chọn thái độ lánh xa, né tránh người thân.
Chuyện của bạn tôi chắc chỉ như hạt đậu trong cả rẫy đậu bạt ngàn, nhưng nói lên được nhiều điều nhân văn. Từ thực tế, chúng ta và cả xã hội, luôn dè chừng những người đồng tính, nói cách nào đó, khó gần và khó thông cảm. Phía bên kia cũng không biết làm cách nào để cộng đồng, xã hội chấp nhận mình.
Cả 2 bên cùng khó nói ra suy nghĩ của mình, khó hài lòng với phía còn lại; vì sự thông hiểu không thể có. Tư duy này bắt nguồn từ mặc định ngàn xưa, đàn ông phải là đàn ông, đàn ông không thể là đàn bà, và ngược lại.
Trên một diễn đàn, cộng đồng mạng quan tâm đã kêu gọi hãy nhìn nhận đồng tính như một vấn đề bình thường, có giới tính thứ nhất, thứ hai thì sẽ có thứ ba… Ngày 12/5/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tờ trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất. |
P.N.Thường Đoan