Là một chuyên gia về xã hội học, tâm lý trị liệu và là một người con trong gia đình, tiến sĩ Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện TP.HCM - dành nhiều tình yêu thương và trăn trở đối với người cao tuổi.
Cuộc trò chuyện dưới đây hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc ít nhiều hành trang cho chuyến du hành vào thế giới người già cùng cha mẹ, ông bà thân yêu của mình.
|
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy |
Phóng viên: Trong một bài viết từng chia sẻ trên Facebook, tiến sĩ đã đau đáu với câu hỏi “Vì đâu càng lớn tuổi, cha mẹ và con cái càng cách xa nhau?”. Vì sao tiến sĩ nhận định như vậy và khoảng cách này là do đâu?
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Mối quan hệ cha mẹ con cái là mối quan hệ máu mủ, lẽ thường chúng ta thương yêu nhau rất nhiều dù ở tuổi nào. Nhưng trong thực tế, càng lớn, càng nhiều người ít chia sẻ với cha mẹ, ít trò chuyện cùng cha mẹ.
Đôi khi một bộ phận trong chúng ta bận rộn với những mối quan hệ bên ngoài nhiều hơn, trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp nhiều hơn tám giờ mỗi ngày, đến khi về nhà mệt mỏi lại cáu gắt với gia đình, cha mẹ, con cái.
Cũng có một số người luôn ý thức giữ trọn đạo hiếu, quan tâm, mua cho cha mẹ quà cáp, thức ăn, nước uống, thuốc men tẩm bổ nhưng lại quên mất nhu cầu tâm lý cơ bản của những người lớn tuổi đó là được ở gần, trò chuyện và lắng nghe con cháu. Một phần do ảnh hưởng từ văn hóa phương Đông, việc thể hiện tình cảm giữa các thành viên trong gia đình chúng ta chưa quen bộc lộ sự yêu thương ra ngoài với cha mẹ bằng lời nói, thái độ, hành vi, nên mỗi khi làm có thể trở nên gượng ép, ngại và ít làm hơn người phương Tây.
Dù con cái rất yêu thương cha mẹ, hay cha mẹ rất yêu thương con cái, nhưng cả đôi bên đều để trong lòng hoặc bộc lộ âm thầm. Đôi khi thói quen này khiến chúng ta xa cách dần với người thân.
|
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com |
Ngoài ra, một trong những vấn đề mà con cái và cha mẹ hay mắc phải chính là tâm lý “dán nhãn” lẫn nhau, khiến khoảng cách ngày càng lớn, đến một ngày mất kết nối cảm xúc dẫn đến xa cách nhau, không còn gì để trò chuyện với nhau nữa.
Phía con cái thì đôi khi cứ mặc định cha mẹ mình “bảo thủ, chẳng thèm nghe con nói” hay “cha mẹ có chia sẻ gì đâu mà biết được”. Còn phía phụ huynh thì cho rằng “nước đổ đầu vịt, nói mà chẳng thèm nghe”, có người thì lại “thôi nói ra nó lo lắng thêm, mình tự lo là được”.
Chính những nhãn dán thầm lặng này đã đánh mất đi cơ hội được trò chuyện và lắng nghe giữa con cái và cha mẹ, tạo ra những mâu thuẫn, khoảng cách, những nỗi buồn hay sự bực dọc không đáng có.
* Bằng cách nào các thế hệ có thể thu hẹp khoảng cách này, thưa tiến sĩ?
- Thực ra, tuổi càng cao, con người lại càng nhạy cảm, càng cảm thấy mình là gánh nặng cho con cái nếu mình đau ốm hay khó khăn về tài chính. Người già thường im lặng chịu đựng, đôi khi gắt gỏng khó chịu - mong được con cái nhận ra trạng thái tâm lý của mình chứ không nói ra - khiến không khí lại thêm căng thẳng hơn.
Con cái lúc này chính là người cần ngồi xuống bình tĩnh và chân thành “lắng nghe” bằng tai, bằng mắt, bằng trái tim để thấu hiểu giãi bày của cha mẹ, thuyết phục họ tin tưởng mình, chia sẻ cùng mình, như cách cha mẹ đã từng lắng nghe mình những lúc còn bé thơ. Chỉ có như vậy, mới có thể gỡ rối và tạo cầu nối để rút ngắn khoảng cách, gần gũi cha mẹ hơn.
Và những bậc cha mẹ cần phải tin rằng, các con của mình luôn luôn yêu thương mình dù không nói ra nhưng họ vẫn đang tìm cách để lắng nghe và thấu hiểu. Cha mẹ nên chủ động mở lòng, giãi bày tâm sự cùng con cái, vừa giúp tinh thần được thoải mái, từ đó bản thân vui khỏe, vừa là giúp con cái có thể thực sự “lắng nghe” mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Vì dù là bậc cha mẹ, hay phận con cái, đều không thể đoán biết, tự biết về nhau mà chỉ có sẻ chia mới thực sự thấu hiểu. Và khi có hiểu mới thực sự có tình yêu thương nhau đúng cách, tạo hạnh phúc cho nhau.
Kết nối yêu thương với các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội là một trong những cách gia tăng sức mạnh nội tâm, tạo sự bình an tâm trí, gia tăng hệ miễn dịch để chúng ta vui khỏe.
Cả cha mẹ và con cái, dù ở tuổi nào, hãy học lắng nghe nhau và học nói ra, giãi bày tâm tư để hiểu nhau, để gia đình luôn luôn là nơi yêu thương lan tỏa. Với các cha mẹ con cái đang ở xa nhau, hãy tận dụng tối đa công nghệ mạng internet để video call qua Zalo, Viber, Facebook… được nhìn thấy nhau, trò chuyện, lắng nghe nhau, kịp thời quan tâm giúp đỡ.
Dù đang ở gần hay cách xa, nếu cha mẹ và con cái cùng mở lòng ra thì khoảng cách địa lý hay khoảng cách tâm lý không còn là vấn đề nữa.
* Không ít người già hiện nay chọn sống gần chứ không sống cùng con cháu, mô hình tam, tứ đại đồng đường ngày một hiếm. Người già và người trẻ cần chuẩn bị những gì cho cuộc “ra riêng” này?
- Muốn sống riêng thì phải độc lập, ít nhất phải có chỗ ở riêng, một nguồn thu nhập ổn định để có thể tự lo cho bản thân. Ngay từ thời còn 40-50 tuổi, họ đã chuẩn bị một lượng tiền tiết kiệm.
Nguồn sống có thể là lương hưu, thu nhập tự động hay một công việc làm thêm. Ngoài tài chính, họ cũng phải chuẩn bị một khoảng cách trong cuộc sống với con cái. Không chỉ khoảng cách về địa lý mà còn khoảng cách về lối sống, văn hóa. Họ chấp nhận khác biệt và tôn trọng không gian riêng của con cháu, không can thiệp vào đời sống riêng tư của con cháu.
Chuẩn bị về điều kiện an toàn cho cuộc sống riêng cũng cực kỳ quan trọng. Người cao tuổi cần kết nối với hàng xóm láng giềng nơi định sống riêng. Cần học hỏi về công nghệ, lưu số điện thoại của con cháu, đặt chế độ gọi tự động khi gặp nguy hiểm.
Con cháu cũng phải có lưu ý tôn trọng sự độc lập của người già. Có thể cha mẹ già không cần nhưng con cháu cần chuẩn bị sẵn một khoản tài chính để kịp thời hỗ trợ khi cha mẹ ốm đau bệnh tật hay có chuyện xảy ra. Người trẻ cần quan tâm đến mọi điều của ông bà, cha mẹ chứ không chỉ quan tâm đến chuyện bệnh tật, thuốc thang, ăn uống.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Hãy thực sự quan tâm đến đời sống tinh thần của người già.
Dù người già sống chung hay riêng vẫn là trụ cột tinh thần của đại gia đình. Cha mẹ già vắng bóng rồi, lòng con cháu cảm thấy chông chênh là vì lẽ đó.
Người trẻ coi trọng người già, kết nối với người già, lắng nghe người già vừa là truyền thống chữ hiếu mà khi đó người trẻ được hỗ trợ, được nhận rất nhiều từ kho tàng vô giá ấy…
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Tô Diệu Hiền (thực hiện)