Các cơ quan chức năng vào cuộc vụ 8 lao động Việt Nam kêu cứu từ Ả-Rập Xê-Út

05/01/2018 - 08:47

PNO - Báo Phụ Nữ TP.HCM lại tiếp tục nhận được lời kêu cứu của gia đình chị Thạch Thị Hồng, sinh năm 1981, trú tại P.4, Q. Phú Nhuận, xin giúp cho chị được về nước vì bị chủ ngược đãi, đánh đập.

Ngày 4/1, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Đặng Sĩ Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - cho biết, đang xác minh những thông tin mà Báo Phụ Nữ phản ánh và sẽ có phản hồi trong thời gian sớm nhất. 

Các co quan chúc nang vào cuọc vụ 8 lao dọng Viẹt Nam keu cúu tù A-Rạp Xe-Ut
Chị Hồng với những vết thương trên mặt

Ông Dũng nói: “Chúng tôi cần xác minh lại toàn bộ thông tin, rà soát lại tất cả các đầu mối, kể các các công ty đưa người đi lao động tại nước bạn để có hướng bảo vệ người lao động một cách hợp pháp và hiệu quả nhất”. 

Trước đó, chiều ngày 3/1, ngay khi Báo Phụ Nữ đăng bài 8 nữ lao động Việt Nam đang kêu cứu từ Ả-rập xê-út, đại diện Sở Ngoại vụ TP.HCM cũng cho biết đã gửi công điện ra Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập xê-út, đề nghị sớm can thiệp, hỗ trợ các lao động nữ. 

Để có được kết quả này, phóng viên đã hướng dẫn các lao động nữ Việt Nam tại Ả-Rập Xê-Út cách định vị nơi đang bị giam lỏng, đồng thời hướng dẫn gia đình các chị tại Việt Nam cung cấp các giấy tờ cần thiết như hợp đồng lao động, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, số hộ chiếu…

Điều đáng lo lắng là từ sau 15g ngày 2/1/2017, chúng tôi hoàn toàn không liên lạc được với chị Khanh cùng các lao động nữ đang bị “giam lỏng” tại Riyadh, Ả-Rập Xê-Út nữa, có lẽ các chị bị phát hiện và bị tịch thu điện thoại. Trong đó, còn hai chị vẫn chưa kịp khai tên, địa chỉ chi tiết ở Việt Nam với chúng tôi.

Trong khi chờ đợi sự can thiệp, phản hồi của các cơ quan chức năng, chiều ngày 4/1, Báo Phụ Nữ TP.HCM lại tiếp tục nhận được lời kêu cứu của gia đình chị Thạch Thị Hồng, sinh năm 1981, trú tại P.4, Q. Phú Nhuận, xin giúp cho chị được về nước vì bị chủ ngược đãi, đánh đập.

Theo lời bà Nguyễn Thị Loan - chủ hộ từng cho chị Hồng tạm trú tại Q. Phú Nhuận, chị Hồng là người Khơ-me, quê ở Sóc Trăng. Hơn 10 năm trước, chị đến TP.HCM nuôi bệnh cho mẹ của bà Loan. Khi mẹ bà Loan qua đời, gia đình bà không còn nhu cầu giúp việc nhà nhưng vẫn cho chị Hồng tá túc để mưu sinh tại TP.HCM. 

Tháng 8/2017, do cha mẹ ruột ở quê quá khó khăn, bệnh tật, chị Hồng cần một khoản tiền để xoay xở nên đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn Thành Toại, đường Trường Chinh, Q. Tân Phú đi giúp việc nhà ở Ả-Rập Xê-Út. Tuy nhiên, Hồng đi chưa được bao lâu thì gọi điện về kể bị chủ hăm đánh.

“Khi nhận được tin này, tôi đã liên hệ với công ty Thành Toại xin đổi chủ, họ hứa sẽ can thiệp nhưng cuối cùng cứ dây dưa. Ngày 15/12/2017, Hồng gọi về cầu cứu, cho biết mới bị con chủ nhà (khoảng 15 tuổi) đánh chảy máu hai bên mặt và thương tích đầy người. Tôi lại cầu cứu công ty Thành Toại nhưng nơi đây chỉ hứa sẽ đưa Hồng ra văn phòng môi giới lao động ở Ả-rập để tìm việc khác”. 

Chiều 4/1, chúng tôi nhiều lần liên hệ với bà Lương, người môi giới việc làm cho chị Hồng ở công ty Thành Toại, nhưng không thể liên lạc được. Theo hướng dẫn của chúng tôi, ngay trong chiều cùng ngày, bà Loan đã mang đơn đến Sở Ngoại vụ TP.HCM để nhờ hỗ trợ. 

Người lao động cần nhờ cơ quan đại diện ngoại giao giúp đỡ 

Hành vi đánh đập, bỏ đói, ngược đãi, quỵt lương, bán đi bán lại, bị xâm hại tình dục... là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, những người lao động Việt Nam tại Ả-rập xê-út gần như không thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường được. Do vậy, biện pháp khẩn cấp và cần thiết ngay lúc này là liên hệ với các cơ quan chức năng. 

Cụ thể: người thân ở trong nước thì làm đơn gửi cho sở ngoại vụ cấp tỉnh, kèm theo các thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, địa chỉ, điện thoại của con em mình ở nước ngoài, yêu cầu Sở Ngoại vụ có biện pháp can thiệp, giúp đỡ để được đưa con em mình về nước; người lao động ở nước ngoài thì liên hệ, điện thoại tới Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam tại nước đó để xin được cứu giúp. 

Thông thường, để đưa người lao động về Việt Nam, cần phải có kinh phí, nên trong những trường hợp người lao động không có tiền hoặc bị quỵt tiền, người thân ở Việt Nam phải lo tiền, nhờ sở ngoại vụ có biện pháp kết hợp với cơ quan ngoại giao ở nước ngoài mua vé và hỗ trợ “đường đi nước bước” để họ về nước an toàn. 

Khi về Việt Nam, căn cứ vào các hợp đồng dịch vụ đã ký kết, nếu nhận thấy tổ chức/cá nhân thực hiện dịch vụ đưa người lao động sang nước ngoài có sai phạm thì người lao động có quyền tố cáo hoặc khởi kiện nhờ tòa án giải quyết, bồi thường thiệt hại.

 Luật sư Huỳnh Minh Vũ 
- Đoàn Luật sư TP.HCM

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI