Ba khó số 2, chắc không ai số 1
Ba tôi rất khó tính. Năm nay ba tròn 70 tuổi và 4 chị em tôi đã không còn quá sợ ba như hồi còn nhỏ nữa. Mấy cha con đã có thể cùng ngồi chuyện trò, cười nói rôm rả - điều ngày xưa tôi chưa từng tưởng tượng tới. Lục trong trí nhớ, tôi chỉ tìm thấy một khuôn mặt lạnh lùng và nghiêm khắc.
Ba tôi ghét sự lề mề, chậm chạp. Ba đi bộ cực nhanh. Nếu có việc cần làm, ba sẽ muốn mọi người phải làm ngay lập tức, như ăn xong bữa thì phải dọn rửa liền, không được để đó tám chuyện hay để cố xem hết bộ phim. Nhà tôi ít khi ăn lẩu, ăn nướng, vì ba không đủ kiên nhẫn chờ nồi nước sôi trong bữa ăn. Người ta ăn lẩu là để có thêm thời gian ngồi với nhau, còn ba tôi thì chỉ muốn ăn cho xong bữa. Vì thế, ba cũng không thích lai rai nhậu nhẹt.
Bị chiếc máy cắt rơm cuốn mất bàn tay thuận trong lúc làm việc vào năm 1992, ba vẫn có thể làm mọi việc thoăn thoắt bằng tay trái, kể cả viết chữ. Chữ ba viết vừa đẹp vừa ngay ngắn. Người ta nói “nét chữ, nết người”, vậy mà nhìn chữ ba, tôi mãi không hiểu tại sao ba lại khô cứng như vậy? Liệu có phải do tai nạn năm ấy đã khiến ba thay đổi?
Từng rong ruổi Bắc - Nam trên chiếc xe máy, nay ba chỉ có thể ngồi sau xe mẹ lái. Từng là trụ cột gia đình, nay ba chỉ có thể ngồi ở nhà phục vụ cơm nước cho các con. Ba làm được gì nữa ngoài dùng vẻ ngoài khó tính, nghiêm khắc để giữ lại chút uy quyền của một người đàn ông? Tôi đoán vậy.
Ba tôi thích sự sạch sẽ, chỉn chu. Nhà có tiệc, mấy mẹ con đang lu bu làm đồ ăn, ba bất ngờ xuất hiện trong bếp; thấy đống xoong, nồi, rồi cả rác bày khắp nơi, ba không thể kìm nổi sự khó chịu. Mặt ba biến sắc, đanh lại rồi làu bàu. Mẹ cũng bực, quát lại: “Làm tiệc thì phải bày bừa. Làm xong rồi dọn, ai bắt ba mày dọn mà làu bàu. Không có việc gì thì đừng vô bếp”. Giữa bầu không khí căng thẳng ấy, chị em tôi chỉ dám lầm lũi làm việc của mình nhẹ nhàng hết sức có thể. Thở mạnh cũng không dám.
Ba tôi hay để ý chuyện ăn mặc của mọi người. Đối với ba, một bộ trang phục vừa mắt thì phải kín cổng cao tường, màu sắc nhã nhặn, trông lịch sự mà lại không bị lỗi mốt. Mẹ con tôi đi ra ngoài mà ăn vận không vừa mắt ba thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra: một là phải thay bộ đồ khác đúng ý ba, hai là cố biến mất khỏi tầm mắt ba thật nhanh trước khi cơn bực bội của ba ập đến.
Ba tôi rất ghét sự lười biếng. “Nghỉ ngơi, thư giãn" là thứ xa lạ với ba. Là con gái của ba, chị em chúng tôi chỉ được phép có 2 trạng thái: “làm việc” và “đi ngủ”. Làm việc nghĩa là làm cho mình trở nên bận rộn như học tập hoặc làm việc nhà.
Ngày ấy, mỗi khi muốn lười biếng, tôi thường xách xe rời khỏi nhà. Tôi sẽ lang thang trên đường, ngắm trời xanh mây trắng, hít hà hơi gió. Tôi sẽ ghé vào thư viện trường để đắm mình trong bầu không khí của tri thức. Tôi sẽ ngồi ngắm mọi người xung quanh đang chăm chỉ đọc sách, rồi tôi sẽ đi lấy vài cuốn sách có tiêu đề hay ho, đọc vài trang, sau đó kê đầu gục lên chồng sách mà mơ màng. Yên tĩnh tuyệt đối và không ai làm phiền. Cảm giác đó tuyệt hơn ở nhà với ba tôi.
Ba tôi cũng không thích ồn ào. Đã sống trong nhà tôi thì ai cũng phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Nhưng “ghét của nào trời trao của ấy” thật chẳng sai. Mẹ tôi, dù cố gắng nói nhỏ thì ai ở tầng dưới chắc cũng nghe được. Con gái của mẹ đứa nào cũng thừa hưởng cái “gen trội” này. Vì vậy, những phút giây yên bình trong nhà tôi thường chỉ có vào ban đêm, khi chẳng ai còn thức để gây chuyện với nhau. Thế mà sau này, mỗi khi về nhà thăm ba mẹ, có lúc ngôi nhà yên tĩnh đến mức tôi nhớ vô cùng những phút giây ồn ào của ngày xưa.
|
Ba của tác giả cùng các con gái (tác giả đứng thứ hai, từ bên trái) |
Ba đã đổi thay
Ba tôi khó tính vậy đó nên ngày nhỏ, chị em tôi ai cũng sợ ba, bất mãn với ba. Hình như chưa bao giờ tôi được ba ôm vào lòng, được ba chở đi học, được ba mua kem cho ăn như các bạn khác. Vào một ngày giáp tết, năm tôi học lớp Tám, ba về nhà với tâm trạng vui vẻ lạ thường.
Thói quen nhìn sắc mặt ba đã trở thành phản xạ tự nhiên, tới mức chỉ cần nghe nhịp thở của ba, tôi cũng biết ba đang bình thường hay có chuyện không vui. Chỉ cần thấy ba vui vẻ là tôi cảm thấy ngày hôm đó nhất định sẽ có chuyện tốt. Thật vậy, hôm ấy, ba bất ngờ đề nghị đưa tôi ra cửa hàng quần áo và mua cho tôi một bộ đồ tết.
Quãng đường từ nhà ra tới cửa hàng sao mà xa quá. Cha con tôi đi bộ trong không khí có phần gượng ép, vì chẳng mấy khi tôi đi đâu riêng với ba. Chẳng ai nói gì với nhau cho tới lúc đến nơi. Ba chọn cho tôi 1 bộ đồ jeans màu đen, có quần ống suông rất thời trang hồi đó, kèm áo khoác. Đó là bộ đồ đầu tiên tôi được ba mua cho kể từ khi tôi biết nhớ. Ngày hôm ấy và cả bộ đồ ấy đã trở nên vô cùng đặc biệt với tôi.
Từ nhỏ, tôi luôn mong đến ngày mình trưởng thành, để có thể tự do bay ra khỏi ngôi nhà “tù túng" của ba, để có thể sải rộng đôi cánh trên bầu trời bao la. Tôi chưa bao giờ tìm cách giải thích cho sự hà khắc của ba, chưa bao giờ muốn đồng cảm với ba và cũng chưa bao giờ muốn hiểu ba.
Tới một ngày, ai đó nói với tôi rằng tôi khó tính thì tôi mới giật mình nhận ra mình đã trở thành một phiên bản khác của ba. Trong mấy chị em, tôi được mọi người nhận xét là giống ba nhất, cả về ngoại hình lẫn tính cách. Có lẽ làm cái gì mãi thì nó cũng sẽ tự nhiên như hơi thở mà biến thành của mình. Mà đã thành hơi thở thì bản thân chẳng còn tự nhận ra được nữa.
Từ ngày có cháu ngoại, ba tôi dần trở nên vui vẻ hơn. Có lẽ, chẳng ai có thể không mềm mại trước ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ. Mấy đứa con của chị em tôi rất thích được ông ngoại ôm ấp, vỗ về. Ngay sau khi con đầy tháng, tôi đưa con về nhà ông bà ngoại chơi. Có những đêm con khóc, cả tôi và mẹ đều không sao dỗ được, vậy mà thử mang xuống cho ông thì con lại ngủ ngon lành.
Càng ngày, khoảng cách giữa cha con tôi đã dần thu hẹp. Tôi đã có thể cùng ba ngồi xem một bộ phim, cùng ăn vài trái ổi và cùng nói chuyện phiếm linh tinh. Ba tôi đã chịu lắng nghe, đã sống chậm lại và đã không còn áp đặt lên con cái. Sự thay đổi do đâu, tôi cũng chẳng rõ.
Phải chăng là do thời gian? Đã tới thời điểm ba không cần phải gồng mình lên chứng tỏ điều gì nữa? Hay do ba đã không còn nhìn vào quá khứ huy hoàng của mình để sống? Ba đã thực sự buông bỏ nó để giải phóng cho chính mình? Hay đơn giản chỉ là do ba tự mình muốn thay đổi? Là gì cũng được, quan trọng ba tôi đã thay đổi. Và tôi cũng vậy.
Bích Ngọc