Các chương trình truyền hình cố tình sỗ sàng để gây chú ý?

20/11/2014 - 13:57

PNO - PN - Một thực tế khiến người làm chương trình nào cũng phải bẽ bàng (chứ không chỉ ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích - BHYT) là suốt ba năm cố gắng làm chương trình “sạch” với bao tâm huyết, nỗ lực của ê kíp lại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ thực tế khách quan đó mà hai số gần đây, liên tục những lời sổ toẹt của các khách mời “thích chê” được ưu ái trên sóng trực tiếp và những gương mặt nhiều scandal như Long Nhật, Mai Khôi đã được mời đến chương trình.

Trong số gần nhất (tháng 11/2014), nhạc sĩ Quốc Trung, tiến sĩ Đoàn Hương, nhà thơ Vi Thùy Linh đều lần lượt “lên án” những ca khúc được trình diễn, như thể những đôi tai của Hội đồng thẩm định và khán giả bình chọn của BHYT đều “có vấn đề”. Cái tôi của khách mời được khuếch đại đến mức tự do suồng sã. Họ được dành cả vài phút để nói những câu chuyện cá nhân lan man về văn chương (đúng chuyên môn của họ), thay vì phân tích tác phẩm ngắn gọn theo chuyên môn âm nhạc.

Đẩy sự tranh luận đến cao trào, đặc biệt là giữa những người nổi tiếng đáo để, cá tính là cách rất nhiều chương trình truyền hình thực tế đã và đang làm để “chống nhạt”. Nhưng cách làm này dễ gây tác dụng phụ, vì đối tượng tham gia phải “ê mặt” hoặc “nhặt đá để xây nhà”. Khi ngồi ở vị trí giám khảo của Cặp đôi hoàn hảo, Quang Linh bị MC Thanh Bạch “dí” đọc rap bằng giọng Huế, sau khi anh phê bình thí sinh (dù ở vị trí giám khảo, “lời phê” của anh không có gì sai). Và Quang Linh, sau những tháng năm bình yên đã trải nghiệm cảm giác ngại ngùng khi phải xin lỗi khán giả vì không thể thực hiện được màn đọc rap - vốn hoàn toàn xa lạ với ca sĩ chuyên hát nhạc trữ tình, trầm lắng như anh.

Cac chuong trinh truyen hinh co tinh so sang de gay chu y?

Giám khảo Xuân Lan ném hồ sơ thí sinh tại vòng sơ tuyển cuộc thi Người mẫu 2014

Đáng nói, là từ vấn đề chính được đem ra mổ xẻ, đa phần các cuộc tranh luận lại biến thành đả kích cá nhân. Ở BHYT tháng Chín, Trác Thúy Miêu đả kích Lê Hoàng không có chuyên môn lại đi chấm nhảy, trong khi bản thân cô cũng ngồi phê bình bài hát dù chỉ viết tạp chí thời trang. Ở Giai điệu tự hào tháng 2/2014, Nguyễn Thụy Kha chê hoa hậu Dương Thùy Linh “không biết đã học hết lớp 12 hay chưa”.

Tiếp tục là Giai điệu tự hào tháng 10, Lê Hoàng (lại Lê Hoàng) nhún vai, nhếch mép, cướp lời khi tranh luận ý kiến “bài hát về Hà Nội phải hát bằng giọng chuẩn của Hà Nội” của tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái. Những phép tắc cư xử lịch thiệp, văn minh tối thiểu trong tranh luận đã bị bỏ qua trên sóng truyền hình. Khán giả chỉ còn thấy các khách mời xuất hiện trịch thượng để phô trương cái tôi, khoe mẽ kiến thức và “dạy dỗ” tất cả những ai nói không thuận tai mình.

Gần đây, người mẫu Xuân Lan, Nam Trung trong tập 1 cuộc thi Người mẫu Việt Nam 2014 đã tước đi quyền lọt vào vòng trong của thí sinh chỉ vì thí sinh này quên nói “cảm ơn” khi được chọn, Nam Trung “thấy xấu hổ khi để một người nước ngoài dạy các em cảm ơn và xin chào”, Xuân Lan dạy dỗ “em phải thấy đây là một bài học…” nhưng ngay sau đó họ liên tục thể hiện sự thiếu lịch sự tối thiểu trong giao tiếp: nói - hỏi trống không, chế giễu thí sinh, yêu cầu họ diễn tả kỹ càng về công việc đi hốt phân bò để cười cợt.

Những sự sỗ sàng đó có vô tình không? Không hề! Với những chương trình truyền hình trực tiếp như BHYT, Cặp đôi hoàn hảo… còn có thể đổ lỗi cho sự cao hứng, sẩy miệng của khách mời, nhưng với các chương trình thu sẵn như Ơn giời, cậu đây rồi!, Người mẫu Việt Nam, Giai điệu tự hào thì chủ ý của nhà sản xuất hoàn toàn rõ ràng. Với sự dung tục của khách mời Phi Thanh Vân, sự hỗn hào với “tiền bối” Công Lý, Tự Long của ca sĩ Miu Lê… hoàn toàn có thể được biên tập lại, ghi hình lại hoặc cắt đi. Thế nhưng, không còn sự tranh cãi, làm sao tạo dư luận?

Nhà tổ chức BHYT cũng chẳng ngại ngần mà thừa nhận những nhận xét “thẳng, thật” của khách mời ngoại đạo chính là hướng đi mới của chương trình để đem đến “sự thú vị” cho khán giả (và quan trọng hơn là để khán giả chú ý đến chương trình), dù trên fanpage, admin phải liên tục kêu gào fan của ca sĩ hãy giữ bình tĩnh, hãy văn minh lịch sự với nhau, với những bất thường về con số bình chọn và tất nhiên - với cả những nhận xét vỗ vào mặt thần tượng của họ nữa.

Có nhiều cách để một chương trình gây được chú ý, nhưng những chương trình về văn hóa, phát trên kênh văn hóa của đài truyền hình quốc gia lẽ nào lại cổ xúy cho kiểu hành xử, phát ngôn thiếu văn hóa, thiếu tế nhị như vậy?

TUỆ NHÃ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI