Các cháu lớn rồi, con về quê ở với má

03/09/2024 - 06:02

PNO - U80 nhưng bà nhanh nhẹn, khỏe mạnh không khác gì người 60 tuổi. Vậy mà qua một cơn cảm cúm, bà nằm bẹp, xuống sức thấy rõ. Sợ con gái về bất chợt trông thấy vẻ tiều tụy của mình, bà nói dối con là bà đi chơi vài hôm, dặn các con và cháu ngoại đừng về.

Gọi điện mãi không thấy bà nghe máy, 2 cô con gái cùng đám cháu ngoại sinh nghi. Cháu ngoại được nghỉ học nên bàn với mẹ và dì rồi bắt xe tốc hành về quê.

Bà ngoại không đi chơi xa như lời bà nói mà đang nằm rên hừ hừ trên giường. Cô cháu giật mình khi bật đèn sáng, gọi ngoại ơi ngoại à. Bà nhổm dậy nhìn, cuống quýt kéo mền lên trùm kín đầu rồi cao giọng: “Bà ngoại không sao. Nóng quá bà ngoại mệt chứ không có gì!”.

Con gái muốn ở bên cạnh chăm sóc cho mẹ (ảnh minh họa)
Con gái muốn ở bên cạnh chăm sóc cho mẹ (ảnh minh họa)

Cháu ngoại sờ thấy người bà nóng hổi. Cô ra sau nhà lấy thau múc nước lên lau mát cho bà rồi lấy cho bà viên thuốc hạ sốt. Không đợi bà cất tiếng cằn nhằn thêm, cô ra sau bếp bắc nồi cháo trắng rồi mở tủ lạnh tìm thịt bò mang ra sơ chế. Vừa làm cô vừa gọi cho mẹ với dì báo cáo tình hình của bà ngoại.

Sở dĩ bà sợ đám con cháu, vì lần nào về chúng cũng đòi thuê người về ở với bà. Các con lấy chồng xa không ai ở gần, sợ bà ở một mình ốm đau nên chúng nói "tìm người bầu bạn cùng mẹ". Bà giãy nảy, bảo bà còn khỏe, không cần tốn tiền thuê người chỉ để làm bạn, nhưng không ai nghe lời bà.

Tìm kiếm gian nan, cuối cùng cũng có một người lớn hơn bà 1 tuổi đồng ý. 2 cô con gái ra sức mua quà cáp dụ người "ở mướn" ấy. Các cô bảo: "Dì chỉ chơi với má con, mỗi tháng tụi con biếu dì 5 triệu đồng cho dì mua thuốc, tiêu xài".

Người "ở mướn" đã 76 tuổi, khoái chí vì được ở nhà đẹp, được ăn ngon mà không phải làm gì, cuối tháng còn có tiền mang về nhà để dành. Nhưng chủ nhà thì “cắn răng chịu đựng” vì có nỗi khổ không nói nên lời.

Trước nay bà thích gì ăn nấy, nhà bếp luôn gọn gàng ngăn nắp, sáng nấu cho cả ngày ăn. Từ ngày có người làm bạn, mỗi sáng bà uống ly cà phê sữa thì phải pha thêm 1 ly y chang, bà ăn sáng sao thì cũng làm cho "người bạn" như vậy.

Bà nhỏ người, ăn uống cũng ít, bà già "ở mướn" mập mạp, khẩu vị dễ chịu, ăn gấp đôi bà. Mới một tuần có bạn, bà gầy sọp đi, vừa giận đám con cháu vừa tiếc tiền nuôi người "ở mướn". Cầm cự được một tháng, bà "tiễn" người bạn già lên đường, dặn 2 con gái không được kiếm người làm bạn với bà nữa.

Không may lần này bà bệnh, con gái và đám cháu ngoại về. Bà cố sức ăn nhiều để có thể ngồi dậy cho “tụi nó” biết bà khỏe mạnh, nhưng sức khỏe yếu, bà đi đứng liêu xiêu. Bà vịn cửa, cố sức dõng dạc: “Má khỏe nhiều rồi, tụi bây lo về Sài Gòn đi, kẻo trễ nải công việc rồi thêm chồng con ngóng”.

Cô con gái lớn ôm vai má nói: “Má yên tâm, lần này con ở chơi với má thiệt lâu”. Bà nhìn con nghi ngờ: “Thôi, bây đừng có mà tốn thời gian kiếm người về ở với má nữa. Má già rồi không hầu nổi mấy bà đó đâu”.

Mấy đứa cháu ngoại lao xao: “A, bà ngoại nay chịu nhận già rồi, không khoe trẻ khỏe nữa rồi!”. Bà liếc đám cháu, chúng nó rụt cổ lại, núp sau cánh cửa.

Buổi tối, 2 cô con gái ngồi bên bà, đứa bóp vai, đứa quét giường trải chiếu. Con gái lớn nói cô về lần này thương lượng mua miếng đất ngoài chợ để tính đường làm ăn, ở luôn dưới quê với má.

Vừa nghe qua, bà phản đối: “Đừng nghen con, con về đây với má rồi bỏ chồng một mình trên đó không được đâu. Vợ đâu thì chồng đó, đạo lý này tụi con phải hiểu chứ!”.

Con gái nói: “Con cái của con lớn hết rồi má. Lâu nay con cũng tính khi má già con quay về ở với má”.

Bà im lặng một chút rồi thở dài: “Không cần đâu con, má sẽ theo con lên thành sống. Bất quá tao nhắm mắt nhắm mũi mà sống cũng được thôi”. 2 cô con gái cười ngất, chọc bà chuyện đi Sài Gòn mà phải “nhắm mắt nhắm mũi”.

Sau cùng, con gái lớn tiết lộ kế hoạch của cô là do anh chồng gợi ý. Anh đã đi coi và đặt cọc miếng đất ngoài thị trấn từ mấy tháng trước, lần này vợ về xem rồi cùng đi làm giấy tờ, sau đó tiến hành xây cất nhà xưởng. Cô bảo: “Anh thương má lắm. Anh nói kính trọng má vì má một mình nuôi con vất vả”.

Nghe vậy, bà thở ra. Chồng mất khi đứa con út mới tượng hình trong bụng. Gần 50 năm ở vậy nuôi con, chưa bao giờ bà cảm giác mình có thành tựu lớn như hôm nay, khi hiểu lòng cậu con rể vốn ít nói.

An Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI