Các cây bút “vòm me xanh” trở lại

31/03/2025 - 18:37

PNO - Những nhà văn trưởng thành từ các bút nhóm đều khẳng định được tên tuổi với những tác phẩm mang dấu ấn riêng. Dù vậy, sự trở lại của họ cũng nhắc nhớ về thời hoàng kim của một thế hệ cầm bút đã định danh từ tuổi học trò.

Ai còn nhớ Me Địa, Me Rừng, Me Quê…?

Sau giải C giải thưởng Sách quốc gia năm 2024 dành cho bộ sách Soái ca mèo mái ngóiNông trại Hoa Đậu Biếc, nhà văn Trần Gia Bảo vừa ra mắt tác phẩm mới dành cho thiếu nhi: Mùa hè có tuyết (Nhà xuất bản Kim Đồng). Câu chuyện về chú mèo Louis phiêu lưu xuyên qua các tiểu bang nước Mỹ có một hành trình thú vị, sinh động và hài hước qua giọng văn miêu tả cũng như cách tạo tình huống đặc sắc của tác giả. Mùa hè có tuyết cũng là tác phẩm dự giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (giai đoạn 2023-2025) và tiếp tục ghi dấu ấn với loạt truyện viết về mèo của nhà văn Trần Gia Bảo. Trở lại chơi với trẻ thơ trên trang viết từ năm 2020 với tác phẩm Những ngôi làng trên triền dốc, đến nay, nhà văn Trần Gia Bảo - Me Địa - trưởng bút nhóm Vòm Me Xanh từ thập niên 1990 - liên tục mang đến cho độc giả thiếu nhi nhiều tác phẩm thú vị.

Me Địa - nhà văn Trần Gia Bảo vừa có buổi ra mắt tác phẩm Mùa hè có tuyết  - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Me Địa - nhà văn Trần Gia Bảo vừa có buổi ra mắt tác phẩm Mùa hè có tuyết - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

Cũng thuộc thế hệ Vòm Me Xanh ngày ấy, sau 30 năm vắng bóng, nhà văn, nhà báo Nguyễn Khắc Cường (Me Rừng) trở lại vô cùng ấn tượng với các tác phẩm văn học thiếu nhi: Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch (giải B - giải thưởng Sách quốc gia năm 2023), Kho báu trong thành phố và Nụ hôn dưới vòm cây.

Vòm Me Xanh quy tụ nhiều cây bút nổi bật và được yêu thích từ những năm 1990. Các nhà văn trưởng thành từ bút nhóm này đều đã khẳng định được tên tuổi và những dấu ấn riêng. Đó là Me Quê - Nguyễn Phong Việt với những tập thơ ăn khách; Me Rẫy - Nguyễn Danh Lam với các tiểu thuyết được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (Giữa dòng chảy lạc, Cuộc đời ngoài cửa); Me Mít - Lê Đỗ Quỳnh Hương với những tựa sách chữa lành (An nhiên mà sống, Yên, Thương còn không hết ghét nhau chi…). Mỗi người cầm bút hôm nay đều đã đi những hành trình riêng trong sáng tác nhưng vẫn nhắc nhớ về một thời dưới vòm me xanh, với những dấu ấn không quên của thế hệ cầm bút trẻ ngày ấy.

Các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi bật  của nhà văn Nguyễn Khắc Cường
Các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi bật của nhà văn Nguyễn Khắc Cường

Những bút nhóm một thời thương nhớ

Bút nhóm Vòm Me Xanh, bút nhóm Hương đầu mùa… cũng như gia đình Áo Trắng từng là “cái nôi” tề tựu những cây bút mới/những mầm xanh của văn chương. Bút nhóm Vòm Me Xanh (Báo Mực Tím) thành lập vào tháng 11/1990, với “chủ vòm” là Me Địa - Trần Gia Bảo. Ngày tháng đó, được trở thành thành viên của bút nhóm là niềm tự hào của những cây bút trẻ. Trong lực lượng người viết trẻ ngày ấy, có rất nhiều cái tên được yêu thích: Song Khê, Trần Đình Thọ, Tôn Tấn Tài, Nguyễn Lê My Hoàn…

Thời hoàng kim của các tờ báo văn chương còn có bút nhóm Hương đầu mùa (Báo Hoa học trò). Thế hệ đầu tiên của Hương đầu mùa giờ đã là những nhà văn tên tuổi: Trang Hạ, Bình Nguyên Trang, Đinh Thu Hiền, Nguyễn Thị Châu Giang, Đặng Nguyễn Đông Vy… Riêng gia đình Áo Trắng (tập san Áo Trắng) đã chắp cánh cho những cây bút mới từ thế hệ 7X, 8X đến 9X sau này. Các tờ báo dành cho tuổi học trò đến nay đã có nhiều thay đổi trước sự phát triển của thời đại mới, văn chương thời bút nhóm cũng chỉ còn lại trong ký ức. Vậy nhưng, vẫn còn đó những dư âm về dấu ấn của một thời. Trong số những tuyển tập văn trẻ nhiều tác giả ra đời đầu những năm 2000 đã để lại ấn tượng đẹp có: Mùa thu trên ngón tay, Phố trắng mưa ban sáng, Đi qua mùa cỏ rối…

Hiện nay cũng có một số bút nhóm/câu lạc bộ văn chương dành cho người viết trẻ được thành lập và hoạt động nhưng không có cơ hội lan tỏa bằng những hội nhóm thuở xưa. Những cuộc gặp gỡ ở các kỳ hội nghị những người viết trẻ chỉ góp phần quy tụ lực lượng và “điểm danh thế hệ” trong mỗi giai đoạn, không phải là sân chơi sinh hoạt thường kỳ. Cơ hội của văn chương trẻ cũng đã khác trước. Khi các tờ báo không còn dành nhiều đất cho văn chương, mạng xã hội đã tạo con đường mới. Các cây bút trẻ hôm nay có thể tự xuất bản sách cũng như đăng tải tác phẩm trên mạng xã hội và nhanh chóng có được lượng bạn đọc riêng. Nhiều giải thưởng văn chương khuyến khích người trẻ sáng tác, chẳng hạn: Giải thưởng Văn học Trẻ - Đại học Quốc gia TPHCM; giải thưởng dành cho người viết trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hội Nhà văn TPHCM, hội nhà văn các địa phương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật; giải Sách hay; giải Sách quốc gia; các cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết/thơ/văn học thiếu nhi…

Với những cây bút dưới “vòm me xanh” thuở nào, sáng tác của họ cũng lưu dấu những chuyển điệu của nhịp sống đô thị và sự đổi thay qua từng thế hệ - từ các bài thơ/tản văn viết cho tuổi học trò đến những đề tài lớn lao hơn trong văn chương cũng như gặt hái nhiều thành tựu, để lại các tác phẩm có giá trị cho văn đàn.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI