Các bị cáo trong đại án Hứa Thị Phấn đẫm nước mắt khi nói lời sau cùng

29/05/2018 - 09:25

PNO - Kết thúc phần tranh luận, nhiều bị cáo nói lời sau cùng trong nước mắt, họ hối hận vì những sai phạm đã gây ra và mong HĐXX khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Ngày 29/5, phiên xử đại án Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín) cùng 27 đồng phạm về các tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã bước vào giai đoạn nghị án.

Cac bi cao trong dai an Hua Thi Phan dam nuoc mat khi noi loi sau cung
Các bị cáo tại tòa

Trước đó, khoảng 20h tối qua, 28/5, khi được nói lời sau cùng, các bị cáo trong vụ án này đều sụt sùi, không kiềm được nước mắt. Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) cho biết qua quá trình điều tra, xét xử tại tòa, bị cáo đã nhận thấy rằng mình đã có sai sót, dẫn đến hậu quả hôm nay. Theo đó, ông ta gửi lời xin lỗi đến các đồng nghiệp, nhân viên của mình và xin HĐXX khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín Trần Sơn Nam cũng bày tỏ sự hối hận của mình, nhận thức hành vi sai phạm đã gây ra. Đồng thời, bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các nhân viên ở hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, bởi họ chỉ là những người làm công ăn lương, nghe theo chỉ đạo của cấp trên.

Đối với bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu, ông này cho biết đã có hơn 50 năm theo Đảng, trong suốt thời gian đó ông luôn cố giữ mình trong sạch. Tuy nhiên, vì nghỉ hưu đã lâu nên bị cáo thiếu cập nhật những quy định pháp luật, chủ quan và tin tưởng đồng nghiệp nên đã ký tên vào biên bản họp HĐQT Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. 

"Tôi rất ân hận trước sai phạm của mình và tủi hổ với gia đình. Tôi không có tài sản gì để lại cho con, chỉ muốn để lại cho con một lý lịch trong sạch, đây là mong muốn lớn nhất của tôi vào những năm tháng cuối đời. Tôi tha thiết xin HĐXX xem xét", ông Mậu xúc động nói.

Điều đáng quan tâm là trong vụ án này có đến 21/28 bị cáo là phụ nữ, nhiều bị cáo đang mang thai và nuôi con nhỏ, nhiều bị cáo cùng là con cháu của bà Hứa Thị Phấn. Khi được gọi lên bục khai báo nói lời sau cùng, họ không kiềm được xúc động.

Bị cáo Ngô Nguyễn Đoan Trang (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, cháu gọi bà Phấn là bà) nghẹn ngào nói: "Ngày hôm nay điều mà làm cho bị cáo đau lòng và day dứt nhất là sức khỏe của bà bị cáo (bà Phấn), đến ngày hôm nay bị cáo vẫn không nghĩ là bà bị cáo làm hại ai. Mong HĐXX xem xét để bị cáo có thể chăm sóc bà trong những ngày cuối đời".

Cac bi cao trong dai an Hua Thi Phan dam nuoc mat khi noi loi sau cung
Bị cáo Ngô Kim Huệ

Và có lẽ, phần trình bày lời nói sau cùng của bị cáo Ngô Kim Huệ đã lấy đi nhiều nước mắt của người dự khán nhất. Vì cha mất sớm nên bị cáo này được bà Phấn đem về nuôi dưỡng và cho ăn học. Vướng vào lao lý, Huệ khóc nức nở xin HĐXX xem xét cho thời điểm phạm tội, bị cáo có trình độ học thức hạn chế, không chuyên về ngân hàng, vì quá tin tưởng vào bà của mình mà đã vi phạm pháp luật. “Bị cáo hiểu khi một người phạm tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, bị cáo xin chấp nhận hình phạt”, Huệ nói.

Song, nữ bị cáo này xin HĐXX khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt vì phải có trách nhiêm chăm sóc cho mẹ già và 3 người con. Con lớn của bị cáo năm nay 5 tuổi, con nhỏ mới sinh của bị cáo chỉ vừa tròn 3 tháng tuổi. "Một hình ảnh bị cáo không bao giờ quên, đó là ngày bị cáo bị tạm giam được tại ngoại trở về nhà. Trong buổi sáng sớm, khi các con của bị cáo thức dậy, các con đã ôm lấy bị cáo khóc nhưng không nhìn mẹ. Mãi một lúc sau các con mới chịu nhìn mẹ của mình. Con trai lớn nói với bị cáo "mẹ đừng đi làm nữa, con sẽ đi làm nuôi mẹ. Bị cáo còn nợ mẹ mình, nợ con mình", Huệ nghẹn ngào kể.

HĐXX nghị án kéo dài và sẽ tuyên bố các quyết định vào 14h ngày 31/5.

Theo cáo trạng, đầu năm 2007, Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp Hứa Thị Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) đã mua hơn 254,7 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, tương đương 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92 % vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín. Đồng thời, bà Phấn còn nắm giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT của ngân hàng này.

Theo đó, bà Phấn có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín. Lợi dụng các quyền hạn trên, Hứa Thị Phấn thu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, ban điều hành và cán bộ nhân viên Ngân hàng Đại Tín và hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang.

Bà Phấn bị cáo buộc chỉ đạo điều hành mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu - chi tiền mặt, thực hiện và chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái phép luật gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hàng ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, Bà Phấn đã thông qua các bị can khác chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỷ đồng (gấp 8 lần giá thị trường). Bà này còn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Phấn còn bị truy tố về hành vi vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật. Tổng số tiền bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỷ đồng.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI