Các bị cáo khai đã giúp gì cho bà Trương Mỹ Lan để phát hành trái phiếu?

20/09/2024 - 13:05

PNO - Phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) diễn ra vào sáng ngày 20/9 với phần xét hỏi các bị cáo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành 25 lô trái phiếu.

Trong 34 bị cáo bị truy tố về 3 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền", "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" trong giai đoạn 2, có 20 bị cáo bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Là người được xét hỏi đầu tiên, ông Hồ Bửu Phương - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TVSI, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - thừa nhận hành vi phạm tội đúng như trong cáo trạng. Ông Phương khai, bà Trương Mỹ Lan đã họp các nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát và SCB để sử dụng 4 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) phát hành 25 mã trái phiếu “khống”. Ông có tham gia cuộc họp để quyết định chủ trương phát hành trái phiếu của An Đông, Quang Thuận, Sunny World.

Quang cảnh phiên toà sáng ngày 20/9
Quang cảnh phiên tòa sáng ngày 20/9

Để các lô trái phiếu này được phát hành thành công và không bị hủy, các công ty con của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lại chính là đơn vị đứng ra mua sơ cấp các lô trái phiếu này. Khẳng định trước tòa, ông Hồ Bưu Phương nói ông chỉ tham gia cuộc họp, sử dụng kiến thức về tài chính của mình để đảm bảo các lô trái phiếu phát hành thành công, ông không phụ trách phát hành trái phiếu bán cho người dân. Dòng tiền thu về, ai hưởng lợi, sử dụng cho mục đích gì ông không hề biết. Ông không nghĩ số người mua trái phiếu lại nhiều đến như vậy.

Theo cáo trạng thì ông Hồ Bửu Phương đồng phạm, giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu của các công ty: An Đông, Quang Thuận và Sunny World chiếm đoạt hơn 27.969 tỉ đồng của 33.393 bị hại.

Trả lời trước phiên tòa, ông Nguyễn Phương Anh - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula - cũng thừa nhận hành vi phạm tội giống trong cáo trạng. Ông bị cáo buộc đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra chiếm đoạt hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại.

Theo ông Phương Anh, dưới quyền Peninsula còn có 600 công ty con. Các công ty con này được thành lập nhằm phục vụ cho mục đích giải quỹ dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu, chủ trương thành lập là do nhóm người lãnh đạo từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gồm bà Nguyễn Phương Hồng (đã mất), bà Trần Thị Mỹ Dung và ông Trương Khánh Hoàng chứ không phải do ông thực hiện.

Bà Đặng Phương Hoài Tâm - Phó văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - cũng khai rằng công việc chính của bà là thành lập, quản lý danh sách các công ty, cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong vụ án phát hành trái phiếu này thì bà Tâm đã phối hợp với ông Hồ Bửu Phương và ông Nguyễn Phương Anh lập phương án kinh doanh cho Công ty Điền Gia Cát và 8 cá nhân được thuê bên ngoài để hợp thức hóa tư cách trái chủ được quyền mua sơ cấp 20 mã trái phiếu, sau đó phát hành trái phiếu này bán ra cho 2.431 người dân, thu về số tiền 2.000 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2018, Ngân hàng SCB đang ở trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài nên bà Trương Mỹ Lan đã ra chủ trương và họp với ông Đinh Văn Thành - Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc; Nguyễn Phương Hồng - Phó tổng giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (các nhân sự chủ chốt) để chọn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.

Thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan, từ năm 2018 đến năm 2020, các nhân sự chủ chốt nêu trên đã họp bàn, chọn và sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiều “khống”, không có tài sản đảm bảo, với mục đích tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ.

Tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu có giá trị là hơn 30.869 tỉ đồng và thực hiện thủ đoạn tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhằm mục đích bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục ngàn người dân để huy động tiền sử dụng vào mục đích khác nhau.

Việc hợp thức nhà đầu tư cho 8 công ty nêu trên do các cá nhân Nguyễn Ngọc Dương - Tổng giám đốc; Nguyễn Phương Anh - Phó tổng giám đốc Công ty SPG; Bùi Đức Khoa - Phó tổng giám đốc Công ty Natural Land; nhân viên Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân) sử dụng các công ty “ma” và các cá nhân được thuê đứng tên làm Giám đốc/Tổng giám đốc, sở hữu cổ phần, đứng tên các khoản vay, ký khống chứng từ, tải liệu, phối hợp với Ngân hàng SCB thực hiện các giao dịch nộp/rút tiền mặt/chuyền tiền tại Ngân hàng SCB tạo ra dòng tiền khống hơn 30.869 tỉ đồng.

Cáo trạng cũng xác định, để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp Hồ Bưu Phương và Phan Chí Luân, Đặng Phương Hoài Tâm đã lên phương án hứa chuyển nhượng cổ phần cho 41 cá nhân được thuê ký khống các chứng từ nộp tiền vào tài khoản của 5 công ty nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 5 công ty nhà đầu tư này làm thủ tục chuyển tiền khống cho Công ty An Đông để thanh toán tiền mua sơ cấp trái phiếu.

Thanh Hoa - Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI