Các bị cáo chủ động ngăn hậu quả vụ Vạn Thịnh Phát mong được khoan hồng

27/03/2024 - 15:12

PNO - Sáng 27/3, các luật sư tiếp tục bào chữa cho các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan. Các luật sư đều đề nghị mức án khoan hồng hơn với nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư.

Bào chữa cho ông Mai Hồng Chín (nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB), luật sư Vũ Anh Tuấn cho rằng mức án 9 - 10 năm về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” mà Viện kiểm sát (VKS) đề nghị là quá nghiêm khắc.

Theo luật sư, ông Mai Hồng Chín chỉ làm việc đúng cương vị của mình tại SCB, chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao SCB, không biết và không làm việc với bà Trương Mỹ Lan.

Theo cáo trạng, từ ngày 20/9/2018 đến 28/6/2019, ông Mai Hồng Chín đã ký 92 tờ trình tái thẩm định đồng ý cho 61 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 95 khoản tại SCB. Từ đó gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 94.031 tỉ đồng.

Luật sư cho rằng, đây là giai đoạn SCB tiếp tục tái cơ cấu sau khi thanh tra. Ông Mai Hồng Chín không được tiếp cận kết luận thanh tra, chỉ được lãnh đạo SCB truyền đạt lại nên tin tưởng mọi hoạt động tại SCB đã được chấp thuận chủ trương.

Hành vi của ông Mai Hồng Chín chỉ làm theo chỉ đạo, mong muốn tái cơ cấu SCB thành công, không vụ lợi, cũng không hưởng lợi nào khác ngoài lương, thưởng theo hợp đồng lao động. Đặc biệt, tháng 7/2019, khi phát hiện SCB có dấu hiệu che giấu sai phạm, ông Mai Hồng Chín cũng đã quyết tâm nghỉ việc.

Luật sư Vũ Anh Tuấn đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét kỹ các tình tiết trên cùng các tình tiết giảm nhẹ khi ông Mai Hồng Chín rất ăn năn hối cải, tích cực giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án, giảm thiểu thiệt hại, đã vận động gia đình khắc phục hậu quả, có hoàn cảnh khó khăn… để có mức án khoan hồng nhất.

Tự bào chữa trước tòa, ông Mai Hồng Chín cho biết đã rất bàng hoàng khi nghe mức án 9 - 10 năm tù trong khi chỉ tham gia tái cơ cấu nhằm giúp SCB khắc phục những sai phạm sau thanh tra trong 9 tháng và không tham gia quá trình nào khác. Ông Mai Hồng Chín mong HĐXX xem lại, có mức án thấu tình đạt lý vừa răn đe vừa khoan hồng để mình có thể sớm trở về để phụng dưỡng mẹ già, nuôi 2 con nhỏ. Về thiệt hai liên đới dẫn đến trách nhiệm hình sự, ông Mai Hồng Chín cũng đề nghị được xem xét lại khi số tiền gây thiệt hại đã được giải ngân rồi và tiền từ các khoản vay tái cơ cấu đó cũng không ra khỏi ngân hàng.

Các luật sư tại tòa.
Các luật sư tại tòa.

Tương tự ông Mai Hồng Chín, ông Mai Văn Sáu Nhở (nguyên trưởng phòng tái thẩm định SCB) cũng “sốc” khi VSK đề nghị mức án 11 - 12 năm tù (tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”) khi mình chỉ có vai trò thứ yếu, tin tưởng rằng “SCB đã ổn sau thanh tra” theo lời lãnh đạo mà nhận lãnh nhiệm vụ trưởng phòng Tái thẩm định SCB và các khoản vay lúc đó đều đảm bảo…

Bào chữa cho ông Mai Văn Sáu Nhở, luật sư đề nghị HĐXX xem xét hành vi phạm tội của ông Mai Văn Sáu Nhở chỉ là thụ động theo chỉ đạo, chỉ hợp thức hóa các hồ sơ đã được phê duyệt và giải ngân trước đó. Đặc biệt, ông Nhở đã nhiều lần phản đối, không ký các hồ sơ thẩm định liên quan đến dự án Mũi đèn đỏ nên đã bị cho nghỉ việc.

Bào chữa cho ông Lưu Chấn Nguyên (nguyên Giám đốc SCB chi nhánh Củ Chi), luật sư mong HĐXX ghi nhận đề nghị khoan hồng của VKS dành cho ông Nguyên là 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”).

Theo luật sư, ông Lưu Chấn Nguyên đã có 26 năm làm việc chỉ cho 1 ngân hàng (từ Ngân hàng TMCP Đệ Nhất đến khi hợp nhất thành SCB về sau) với tinh thần trung thành tuyệt đối. Ông Lưu Chấn Nguyên tin rằng việc chi nhánh Củ Chi tham gia giải quyết các khoản vay từ hội sở, theo chỉ đạo của ông Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch SCB), là giúp tái cơ cấu SCB như trước đây.

“Ông Nguyên tin tưởng SCB đã tái cơ cấu giai đoạn 1 thành công thì ở giai đoạn 2 cũng sẽ thành công. Lúc bị tạm giam, ông Nguyên mới đọc được kết luận thanh tra và nhận ra vấn đề sai phạm” – luật sư đề nghị HĐXX xem xét việc phạm tội của ông Nguyên hoàn toàn thụ động cả về hành vi lẫn nhận thức mà chấp nhận mức án đề nghị của VKS.

Nhóm bà Trương Huệ Vân, ông Nguyễn Phi Long và ông Đặng Quang Nguyên có khả năng khắc phục 100% hậu quả

Các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Phi Long (Tổng giám đốc Công ty Lavifood) và ông Đặng Quang Nguyên (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Lavifood) đều mong một mức án khoan hồng hơn so với đề nghị của VKS.

Ông Nguyễn Phi Long bị đề nghị mức phạt 8 - 9 năm tù và ông Đặng Quang Nguyên bị đề nghị mức phạt 5 - 6 năm tù cùng với tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Với hơn 1.300 tỉ đồng được bà Trương Mỹ Lan giúp khắc phục, nhóm bà Trương Huệ Vân, ông Nguyễn Phi Long và ông Đặng Quang Nguyên có khả năng khắc phục 100% hậu quả vụ án.
Với hơn 1.300 tỉ đồng được bà Trương Mỹ Lan giúp khắc phục, nhóm bà Trương Huệ Vân, ông Nguyễn Phi Long và ông Đặng Quang Nguyên có khả năng khắc phục 100% hậu quả vụ án.

Theo cáo trạng, năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại Công ty Lavifood và giao cho bà Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) quản lý, điều hành thông qua ông Nguyễn Phi Long và ông Đặng Quang Nguyên. Theo chỉ đạo của bà Trương Huệ Vân, ông Nguyễn Phi Long và ông Đặng Quang Nguyên đã lập 52 công ty “ma”, đứng tên vay 105 khoản vay từ SCB, còn tổng dư nợ là 2.345 tỉ đồng.

Theo các luật sư, hành vi phạm tội của 2 bị cáo chỉ có vai trò thứ yếu và nhận thức lúc đó chỉ là giúp công ty giải quyết các vấn đề khó khăn. Cả ông Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên khi nhận thức được sai phạm đều tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, lập phương án khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản về cho nhà nước…

Trình bày trước tòa, ông Nguyễn Phi Long cho biết, sau khi được điều tra viên giải thích mới nhận tức được hành vi phạm tội của mình và rất ăn năn, tích cực hợp tác điều tra, nỗ lực giảm thiểu thiệt hại.

Ông Long cho biết, mình đang bị bệnh hiểu nghèo (u tuyến tụy, đã phải phẫu thuật, điều trị y tế thường xuyên), mong được HĐXX xem xét mức án khoan hồng nhất để sớm về với gia đình.

Ông Nguyễn Phi Long cũng cám ơn sự thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm liên quan đến công ty Lavifood của bà Trương Huệ Vân. Cũng là một người cha, đặc biệt thông cảm với hoàn cảnh của bà Trương Huệ Vân, ông Nguyễn Phi Long cũng xin HĐXX xem xét khoan hồng để bà Trương Huệ Vân được sớm trở về bên 2 con nhỏ.

Về thiệt hại, các luật sư cũng đề nghị bóc tách các khoản vay thông thường, theo đúng quy định pháp luật của công ty Lavifood (công ty hoạt động thật) để đánh giá đúng trách nhiệm liên đới. Đồng thời, với việc phát sinh hơn 1.300 tỉ đồng bà Trương Mỹ Lan chuyển khắc phục hậu quả cho bà Trương Huệ Vân thì nhóm liên quan công ty Lavifood với bà Trương Huệ Vân, ông Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên có khả năng khắc phục 100% hậu quả. Các luật sư đề nghị HĐXX xem xét đây như một tình tiết giảm nhẹ để khoan hồng.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI