Các bệnh viện tái khởi động trang thiết bị sau khi được “cấp cứu”

10/03/2023 - 06:09

PNO - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thông báo sẽ chính thức hoạt động bình thường vào tuần tới, sau khi từng công bố tình trạng “cấp cứu của cấp cứu” vì cạn kiệt hóa chất, vật tư y tế.

Từ tuần sau, hoạt động điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trở lại bình thường (trong ảnh: Một ca mổ phiên tại bệnh viện này) - ẢNH: H.A.
Từ tuần sau, hoạt động điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trở lại bình thường (trong ảnh: Một ca mổ phiên tại bệnh viện này) - Ảnh: H.A.

Bệnh viện được “cởi trói”

Chỉ vài ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định 07) và Nghị quyết 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (Nghị quyết 30), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông báo sẽ quay trở lại mổ phiên, hoạt động bình thường vào tuần sau. Trước đó, do thiếu hóa chất xét nghiệm và vật tư y tế, bệnh viện tuyến Trung ương này đã phải hạn chế mổ phiên từ ngày 1/3 và chỉ ưu tiên mổ cấp cứu.

Theo ông Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã “cởi trói”, cơ bản giải quyết được những vấn đề mà các bệnh viện đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Một trong những nội dung nổi bật nhất là quy định mới không yêu cầu phải có tới “3 báo giá” của các nhà cung cấp làm căn cứ xây dựng giá gói thầu.

Nghị quyết 30 cho phép, trong trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. Điều này đã giải quyết vấn đề lớn khi nhiều loại máy móc phân phối độc quyền phải sử dụng hóa chất riêng, không thể tìm nhà cung cấp thứ hai.

Là một trong những đơn vị đang có hàng loạt máy móc “đắp chiếu” do linh kiện hỏng hóc, không thể sửa chữa do quy định “3 báo giá”, ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, bệnh viện đang khẩn trương rà soát để đưa vào sửa chữa. Các máy móc còn hoạt động được nhưng vướng quy định trước đó sẽ được đưa vào sử dụng lại nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.  

Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - không giấu niềm vui khi Chính phủ vừa có những quyết định “cấp cứu” kịp thời cho ngành y tế. Tại bệnh viện này, còn tới 40 - 50% vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế vẫn chưa đấu thầu thành công do quy định phải có đủ “3 báo giá”. Nghị quyết 30 - theo ông Thường - đã giúp bệnh viện tháo gỡ được 70 - 80% vướng mắc hiện có. 

Theo ông Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) - quan trọng nhất là Nghị quyết 30 có hiệu lực ngay, giúp “tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, giúp các cơ sở y tế thuận lợi hơn trong công việc, tạo ra hành lang pháp lý tốt”.

Cũng theo các chuyên gia, việc bỏ quy định “3 báo giá” còn mở ra cơ hội để triển khai và nâng tầm các kỹ thuật tiên tiến. Bởi các bệnh viện có thể lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy móc độc quyền, trong đó có những thiết bị hiện đại, chuyên sâu và thậm chí lần đầu tiên có ở Việt Nam nên chỉ có 1 nhà cung cấp và 1 báo giá. 

Cần hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn 

Đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ nhưng nhiều lãnh đạo bệnh viện cũng khẳng định, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 cũng chỉ là “giải pháp tình thế” để xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt. Về lâu dài, Chính phủ vẫn cần phải có giải pháp căn cơ, mang tính hệ thống và được thể hiện một cách đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Với Nghị định 07 và Nghị quyết 30, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể hơn để khi đi vào thực tiễn sẽ không gặp các vướng mắc phát sinh. “Bệnh viện đã được giao tự chủ, thí điểm trong một số nội dung thì các bộ ngành khác như kiểm toán nhà nước, thanh tra... phải có trách nhiệm hướng dẫn ngay từ đầu để các cơ sở y tế thực hiện đúng chứ không phải chờ lúc hậu kiểm thì chuyện đã xảy ra rồi”, ông Trần Văn Khanh 
nhấn mạnh.

Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 30 cho phép bệnh viện sử dụng máy đặt, máy mượn và đấu thầu các hóa chất đi kèm, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán. Điều này có 3 lợi ích, đó là người dân được hưởng lợi, cơ sở y tế có các thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân mà vẫn tiết kiệm được chi phí, nhà nước tiết kiệm được ngân sách. Tuy nhiên, Nghị quyết 30 chỉ để thời hạn tới ngày 31/12/2024, sau đó sẽ như thế nào, thay đổi ra sao? Ông Trần Văn Khanh đề xuất nên tiếp tục gia hạn và sớm đưa vào luật để các cơ sở y tế yên tâm hơn. 

Tháo gỡ khó khăn với máy biếu, tặng

Theo Nghị quyết 30, các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết 
bị y tế được biếu tặng, đóng góp, viện trợ, tài trợ… nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này cũng được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Ông Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - đánh giá, quy định này tạo thuận lợi lớn cho các cơ sở khám chữa bệnh, trên hết là để người dân được hưởng lợi. Bởi thực tế, trước đây, một số bệnh viện được tặng máy móc và không cần sử dụng hóa chất riêng đi theo máy. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế không thanh toán cho các bệnh nhân sử dụng dịch vụ từ loại máy này nên dẫn tới 2 trường hợp: một là bệnh nhân thiệt thòi vì phải trả thêm tiền; hai là bệnh viện phải miễn phí dịch vụ hoặc sẽ đưa máy vào “lưu kho”.

 Huyền Anh - Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI