Các bệnh lý nguy hiểm có triệu chứng trùng lắp với đau bụng ngày “đèn đỏ”

18/07/2022 - 06:50

PNO - Nếu thấy đau bụng bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, cường độ đau không thuyên giảm thì chị em cần tới bệnh viện khám ngay. Bởi đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm.

Xoắn buồng trứng lại tưởng đau bụng ngày “đèn đỏ”

Vừa qua, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đã phối hợp với Khoa Cấp cứu điều trị cho một trường hợp được đưa tới bệnh viện do đau bụng dữ dội. Bệnh nhân là P.T.C.V., 21 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình.

Khi nhập cấp cứu, V. cho biết mình đau bụng kinh. Mọi khi, tới chu kỳ kinh nguyệt V. cũng bị đau nhưng không nghiêm trọng như lần này. Cơn đau bắt đầu trước ngày xuất hiện kinh nguyệt, thay vì giảm dần sau ngày thứ nhất của chu kỳ thì cường độ lại gia tăng. Hội chẩn cùng các đồng nghiệp, bác sĩ Thắm xét thấy đây không phải là ca đau bụng kinh thông thường, bởi bệnh nhân không đau thành từng cơn mà còn buồn nôn, ói. 

Cần đi khám nếu thấy dấu hiệu đau bụng bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt - ẢNH MINH HỌA
Cần đi khám nếu thấy dấu hiệu đau bụng bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt - Ảnh minh họa

Sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng, V. được xác định bị xoắn buồng trứng bên trái, phải lập tức phẫu thuật nội soi tháo xoắn. May mắn, các bác sĩ đã bảo tồn được chức năng của buồng trứng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ Thắm cho biết không phải trường hợp nào bị xoắn buồng trứng cũng thuận lợi như vậy. Đã từng có ca bị xoắn buồng trứng nhưng người bệnh nhầm lẫn với đau bụng kinh, cố ở nhà chịu đựng khiến chậm trễ nhập viện. Khi phẫu thuật nội soi tháo xoắn thì buồng trứng của bệnh nhân đã hoại tử, phải cắt bỏ. Mất một bên buồng trứng thì tỷ lệ mang thai của phụ nữ sẽ bị giảm 50%. 

Qua trường hợp của bệnh nhân V., bác sĩ Thắm khuyến cáo chị em cần thận trọng khi xuất hiện triệu chứng đau bụng bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu chỉ là đau bụng kinh sinh lý thì thông thường sẽ bắt đầu thấy đau trước kỳ kinh nguyệt vài ngày, đau theo cơn và giảm đau sau ngày kinh thứ nhất. Ngược lại, cường độ đau nhiều, ngày càng tăng, buồn nôn, ói, sốt thì phải lập tức đi khám bởi có khả năng người bệnh bị các bệnh lý đi kèm khác. 

Đau bụng trong kỳ kinh do bệnh lý chiếm 5-10%

Tỷ lệ bệnh nhân đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt do bệnh lý chiếm khoảng 5-10%. Triệu chứng đau bụng bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt được chia làm nhóm bệnh nội khoa và ngoại khoa. Nhóm bệnh nội khoa như nội tiết tố thay đổi tác động đến tử cung (gia tăng bất thường progesterone và prostaglandin trong máu). Ngoài ra, còn liên quan đến chế độ ăn uống trong những ngày này (ăn đồ cay nóng, đồ lạnh, bụng không được giữ ấm, vận động mạnh)…

Bên cạnh đó, sự co thắt quá mạnh của cơ trong tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài cũng có thể gây đau bụng. Đau bụng kinh còn do cả yếu tố di truyền. Nếu là những nguyên nhân vừa kể thì không nguy hiểm, bệnh nhân chỉ cần được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống là được. 

Tuy nhiên, với nhóm bệnh ngoại khoa dễ lầm tưởng là đau bụng kinh thì lại vô cùng nghiêm trọng, cần được phát hiện sớm, can thiệp phẫu thuật kịp thời. Trong nhóm bệnh ngoại khoa này được chia làm hai dạng: bệnh lý liên quan sản phụ khoa và bệnh lý không phải sản phụ khoa.

Các bệnh lý sản phụ khoa gây đau bụng kinh đầu tiên phải kể tới là lạc nội mạc tử cung. Như ta đã biết, nếu trứng không được thụ tinh thì lớp nội mạc tử cung dày và xốp sẽ đột ngột bị bong tróc ra, hình thành máu kinh và bị tống ra ngoài. Vì một lý do nào đó, các tế bào nội mạc tử cung không nằm trong lòng tử cung mà lại lạc chỗ (có thể nằm trong các lớp cơ trên thành tử cung hoặc ở đoạn dưới gần cổ tử cung, thậm chí trong lòng ống dẫn trứng hay cả trên bề mặt buồng trứng). Tuy lạc chỗ nhưng những tế bào này vẫn chịu tác động của hoóc-môn từ buồng trứng. Chính vì thế, vào chu kỳ kinh nguyệt, lớp nội mạc tử cung lạc chỗ này vẫn bong tróc ra để hình thành máu kinh, khiến lượng máu kinh đó bị tắc nghẽn gây ra nhiều triệu chứng cho người bệnh.

Những dấu hiệu lạc nội mạc tử cung là bị thống kinh, đau khi đại tiện, cảm thấy có áp lực lên bàng quang và trực tràng, đau khi quan hệ tình dục, mất máu mạn tính… Đây là bệnh lành tính, nhưng có thể dẫn tới vô sinh. Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì phẫu thuật lấy đi những tổn thương lạc nội mạc tử cung và phá bỏ các mô viêm dính trong khi vẫn bảo tồn tử cung, vòi trứng và buồng trứng để tăng khả năng thụ thai cho người bệnh.

Một nguyên nhân sản phụ khoa khác gây đau bụng bất thường trong kỳ kinh nguyệt nữa là bế kinh (hay gặp ở bé gái tuổi dậy thì bị dị dạng đường sinh dục nên kinh nguyệt không thoát được ra ngoài). Nếu thấy con gái ở độ tuổi dậy thì hay bị đau bụng như chu kỳ kinh nguyệt mà không có kinh thì phụ huynh cần đưa bé đi khám ngay để can thiệp kịp thời. Ứ kinh lâu ngày có thể gây vô sinh, viêm nhiễm vòi trứng, viêm phúc mạc vô cùng nguy hiểm.

Bên cạnh lạc nội mạc tử cung, bế kinh thì xoắn buồng trứng và u nang buồng trứng, u xơ tử cung cũng là những nguyên nhân gây đau bụng kinh. Để giải quyết dứt điểm tình trạng đau bụng quá mức vào chu kỳ kinh nguyệt thì yếu tố căn nguyên cần phải được xử lý.

Một trong các bệnh lý ngoại khoa nguy hiểm không liên quan tới sản phụ khoa dễ bị trùng lắp triệu chứng với đau bụng kinh là viêm ruột thừa. Không ít trường hợp đã được ghi nhận tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân khai bị đau bụng kinh nhưng khi chụp CT-Scan ổ bụng, bác sĩ phát hiện tình trạng viêm phúc mạc do vỡ ruột thừa. 

Thanh Huyền
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI