Các bé gái ở Afghanistan bị bán đi như món hàng để cứu lấy gia đình

17/08/2022 - 05:54

PNO - Phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan đang đối mặt với tình trạng bị kết hôn sớm, không được đi học, tuyệt vọng về tài chính và viễn cảnh về một tương lai bất định.

 

Bà Aalam Gul và con gái đau đớn khi nhìn lại những hình ảnh của cô con gái xấu số
Bà Aalam Gul đau đớn khi xem lại những hình ảnh của cô con gái xấu số Aziz Gul

Lần cuối cùng bà Aalam Gul Jamshidi nhìn thấy con gái mình là vào tháng 10 năm ngoái, vào cái đêm mà cô gái 16 tuổi kết hôn với một người đàn ông hơn gấp đôi tuổi của cô.

Khi ấy, Aziz Gul rạng rỡ trong chiếc váy cưới trắng đính sequin và khăn trùm đầu màu vàng rực rỡ. Nhưng sâu thẳm trong cô là sự sợ hãi. “Nếu gả con đi, con sẽ chết", cô gái đã cầu xin vào đêm trước ngày cưới.

Aalam Gul kể bà có cảm giác bất an nhưng đã tự an ủi mình rằng đó chỉ là do quá nhạy cảm hoặc quá thương con. Cuộc hôn nhân của Aziz Gul vốn đã được sắp đặt trước đó 4 năm. Là một người mẹ, bà Aalam Gul Jamshidi biết nhiệm vụ của mình là khuyến khích con gái sớm kết hôn, thành lập một gia đình mới.

Trong văn hóa Afghanistan, khi kết hôn, cô gái sẽ về nhà chồng làm dâu. Vì thế, Aziz Gul rời ngôi nhà của mình ở Gozar Gah, ngoại ô Herat để chuyển đến nhà chồng ở Jawand, một huyện nông thôn cách đó khoảng 200km.

5 tháng sau, bà Aalam Gul nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng con gái của bà đã bị giết. Thi thể của cô được tìm thấy trong một khu rừng ngay bên ngoài ngôi làng nơi cô sống với chồng, trong tình trạng không mặc quần áo. Aziz Gul đã bị đánh và bị bắn 4 phát vào lưng. Khi ấy, cô mới 17 tuổi và đang mang thai 4 tháng...

 Aziz Gul mặc trang phục quân đội, bên trái và một bức ảnh Aziz Gul sau khi cô bị phát hiện bị giết [Matt Reichel / Al Jazeera]
Aziz Gul mặc trang phục quân đội (bên trái) và và hình ảnh đau lòng sau khi cô bị giết 

Trên khắp Afghanistan, việc trẻ em - đặc biệt là trẻ em gái - kết hôn sớm là điều phổ biến. Các gia đình sắp đặt hôn nhân chủ yếu là dùng con gái để trả nợ hoặc để giải quyết tranh chấp hay đơn giản là hy vọng hôn nhân sẽ giúp con gái họ có cuộc sống sung túc hơn.

Vấn nạn tảo hôn ở Afghanistan càng tồi tệ hơn khi đói nghèo đang gia tăng trong bối cảnh lạm phát, nhiều gia đình buộc phải đưa ra những quyết định đau đớn để tồn tại. Đó là bán con cái của họ - đặc biệt là những cô con gái nhỏ - và nhận của hồi môn để sống sót qua thời kỳ khó khăn về tài chính.

Điển hình là trường hợp của bà Aalam Gul Jamshidi. Gia đình bà đã phải gả Aziz Gul và nhận số tiền hồi môn 3.500 USD để sống sót mà không ngờ rằng, để cả gia đình được sống, Aziz Gul phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Raihana Mirzai, 10 tuổi, đã đính hôn với người em họ 20 tuổi [Matt Reichel / Al Jazeera]
Bé Raihana Mirzai, 10 tuổi, đã đính hôn với người em họ 20 tuổi 

Khi nỗi đau về kết cục bi thảm của Aziz Gul còn kéo dài với gia đình cô thì tại một trại dành cho những người tản cư cách đó chỉ 10km, một người mẹ và cô con gái khác cũng đang phải đối mặt với một quyết định tuyệt vọng không kém.

Raihana Mirzai, 10 tuổi, rụt rè đứng sau lưng mẹ, đôi mắt mở to hình quả hạnh lấp lánh trong ánh nắng tràn vào ngôi nhà nhỏ đầy bụi bặm của họ bên ngoài Herat. Cô bé mặc một chiếc váy màu vàng lấp lánh và một chiếc khăn trùm đầu màu tím nhạt rộng rãi, son môi màu đỏ tươi, đeo nơ và vòng tay.

Raihana đã đính hôn với người em họ 20 tuổi của mình. Bà Shaima, mẹ Raihana, cho biết, theo truyền thống, một cô gái luôn mặc đẹp để người khác biết rằng cô đã đính hôn.

Bà Shaima không muốn Raihana kết hôn quá sớm, nhưng buộc phải gả cô bé đi để cứu con trai của bà, em Mansor, 13 tuổi. Một năm trước, cậu bé gặp tai nạn suýt chết và đã được một gia đình người họ hàng hỗ trợ trả giúp viện phí. Vì thế, bà Shaima buộc phải gả Raihana để trừ nợ.

Raihana là một cô gái nhỏ xinh đẹp, miệng hay cười và mắt to tròn. Khi được hỏi về ước vọng tương lai, Raihana cho biết em muốn trở thành bác sĩ. Nhưng Shaima nói rằng cô bé sẽ phải nghỉ học sau khi kết hôn “Cháu hạnh phúc hay không không quan trọng. Đây là quyết định của gia đình và cháu muốn giúp anh trai mình", Raihana nói.

Shaima đau đớn nhìn chằm chằm vào đứa con gái lớn của mình trong im lặng. Lông mày bà nhíu lại khi nhìn về phía hai con của mình, còn Mansor ủ rũ ngồi cạnh cô em gái, đầu cúi thấp.

. Mansor là một trong những người trụ cột chính của gia đình, thu gom rác cho 100 afghanis (khoảng 1 đô la) mỗi ngày.
Mansor từng là một trong những trụ cột chính của gia đình, em kiếm được khoảng 1 USD mỗi ngày, giờ đây, sau tai nạn em bị hỏng một mắt và có vấn đề về não 

Vào tháng 5/2021, Mansor đi nhặt rác để kiếm tiền cho gia đình. Em bị tai nạn khi đang bám vào thành xe chở rác và xe rẽ vào một con đường gập ghềnh, em trượt tay, ngã xuống đường và bị một chiếc xe máy đang lao tới tông vào.

Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, gia đình hầu như không đủ sống và không có tiền để trả tiền phẫu thuật. Những người thân đã cho họ vay 1.100 USD để trả viện phí cho Mansor. Vì gia đình không có khả năng trả khoản vay này phải đổi Raihana. Theo sự sắp đặt, cuộc hôn nhân sẽ diễn ra khi Raihana 16 tuổi. Gia đình chú rể cam kết khoản hồi môn trị giá 6.000 USD.

Khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc, tình trạng tảo hôn và mua bán trẻ em ngày càng gia tăng ở Afghanistan. Heather Barr, phó giám đốc về quyền phụ nữ của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, giải thích: “Đôi khi cha mẹ gả con gái vì họ không thể nuôi nổi chúng, và họ nghĩ rằng đó có thể là lựa chọn duy nhất giúp họ giữ được mạng sống của mình và giúp những đứa con khác sống sót”.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng nhận thấy nguy cơ tảo hôn ở Afghanistan cao hơn khi Taliban cấm các cô gái trẻ đi học. Theo bà Heather Barr, một khi các cô dâu trẻ tiếp tục là nạn nhân của bạo lực gia đình thì sẽ còn nhiều người phải mất mạng do sinh con, bị giết hại hay tự sát. "Để giải quyết vấn nạn tảo hôn, cần phải có sức ép mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế về việc Taliban nên mở lại trường học. Ngoài ra, cần phải có một hệ thống, giáo dục xã hội về tác hại của tảo hôn”, bà nói.

Thảo Nguyễn (theo Al Jazeera)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI