Các hoạt động đồng hành không chỉ giúp nhà tổ chức tìm được thí sinh mong muốn, đúng tiêu chí mà còn góp phần quảng bá hiệu quả cho cuộc thi.
Tự đi tìm thí sinh
Trước vòng sơ khảo sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Chín tới, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã thực hiện Brave Tour qua các tỉnh, thành nhằm tìm người kế nhiệm H’Hen Niê. Năm 2017, hành trình tương tự cũng được tổ chức với tên gọi tìm kiếm Người kế nhiệm tương lai, qua Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Năm 2018, Hoa hậu Việt Nam đến hơn 20 trường cao đẳng, đại học trên cả nước để quảng bá, giao lưu với các cô gái trẻ, tìm ứng viên cho cuộc thi.
|
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, á hậu Thanh Tú và người đẹp Đào Thị Hà trong một buổi giao lưu với sinh viên để tìm ứng viên cho Hoa hậu Việt Nam 2018 |
Trong khoảng 4-5 năm gần đây, các sân chơi nhan sắc tại Việt Nam ngày càng sôi động. Sự chú ý của các cô gái trẻ vào chuyện thi thố cũng gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, mỗi cuộc thi đều có tiêu chí riêng. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đề cao sự tự tin, các câu chuyện truyền cảm hứng. Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam... lại chú trọng vào các hoạt động nhân ái, thiện nguyện, cổ vũ sự rèn luyện ở người trẻ. Vì thế, việc tìm nguồn, định hướng thí sinh từ đầu rất được các BTC chú trọng. Thông qua những hoạt động đồng hành, BTC có thể tiếp cận với đối tượng mà các cuộc thi hướng đến, cố tăng chất lượng thí sinh thay vì chờ thí sinh tìm đến mình và phó thác kết quả vào chuyện được chăng hay chớ.
Ông Trần Việt Bảo Hoàng - đại diện Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - cho biết: “Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc, tư vấn cho những thí sinh tiềm năng, chúng tôi còn muốn hỗ trợ, thúc đẩy sự tự tin, bản lĩnh của các cô gái trẻ. Bản thân thí sinh cũng sẽ có sự cân nhắc, chọn lọc kỹ trước khi dành thời gian, công sức cho một cuộc thi sắc đẹp. Chúng tôi cũng chủ động tìm kiếm những thí sinh chất lượng, nhưng chưa tự tin tham gia cuộc thi. Ngoài việc động viên tinh thần, chúng tôi có thể hỗ trợ thí sinh về trang phục, di chuyển... vì suy cho cùng, sự thành công của cuộc thi phụ thuộc rất nhiều vào thí sinh”.
Hành trình Brave Tour tại Đắk Lắk vừa qua, số thí sinh người dân tộc đăng ký tham gia cuộc thi tăng rõ rệt. Có ứng viên được hỗ trợ vé máy bay đến TP.HCM tham gia casting, có thí sinh được tặng giày. Câu chuyện của thí sinh H’Luai H’Wing, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải tạm dừng việc học đại học, nhưng vẫn nuôi ước mơ chinh phục con đường học vấn, cũng tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.
Với Hoa hậu Việt Nam, những hoạt động đồng hành cũng nhằm tác động đến những nhan sắc ở các trường đại học. “Những hoạt động chủ động này góp phần quảng bá cho cuộc thi, lan tỏa đến cộng đồng, để người trẻ thấy đó không đơn thuần là một cuộc thi sắc đẹp, mà còn là nơi rèn luyện về trí, đức, thể, mỹ. Chúng tôi quảng bá cho những nội dung, hoạt động của cuộc thi, mời gọi sinh viên tham gia. Hiệu quả quảng bá tốt, web và fanpage đều có sự tương tác tốt với các bạn trẻ. Đó là đối tượng mà chúng tôi hướng đến nhiều nhất”, bà Phạm Kim Dung - Phó trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam - chia sẻ.
|
H’Hen Niê trong một hoạt động thiện nguyện kêu gọi xây dựng thư viện, tủ sách cho trẻ em |
Tốt đầu vào vì đầu ra
Các chương trình đồng hành mở rộng quy mô đồng nghĩa với việc kinh phí bị đội lên. BTC Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đều xác nhận và dù không tiết lộ con số cụ thể, các đơn vị khẳng định đây là hoạt động cần thiết và nên tiếp tục trong tương lai để việc tìm kiếm thí sinh, quảng bá chuyên nghiệp hơn.
Nhưng công bằng mà nói, ngoài hoạt động bên lề, khâu tổ chức của các cuộc thi cũng cần được chuyên nghiệp hóa để tăng uy tín, thu hút thí sinh chất lượng. Các người đẹp được quyền dự thi quốc tế cần được đầu tư đúng mức ngõ hầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho thế hệ đi sau. Danh hiệu top 5 Hoa hậu Hoàn vũ của H’Hen Niê đã thực sự giúp hình ảnh hoa hậu thăng hạng đáng kể trong mắt công chúng. Ngoài ra, thành tích của Mỹ Linh, Tiểu Vy tại Hoa hậu Thế giới cũng giúp bức tranh nhan sắc tươi sáng hơn.
Việc xây dựng hình ảnh hoa hậu sau đăng quang, qua chuỗi hoạt động nhân ái, cũng quan trọng không kém. H’Hen Niê tặng sách, xây thư viện cho trẻ em, tham gia chiến dịch về HIV/AIDS... Mỹ Linh, Tiểu Vy mang nước, điện đến các bản vùng cao, thăm trẻ em ở mái ấm, làng trẻ em... Hành động của các cô đã tác động tích cực đến suy nghĩ của thế hệ trẻ cùng trang lứa.
Bà Phạm Kim Dung chia sẻ: “Ngoài việc chúng ta xác định đó là trách nhiệm của hoa hậu, các người đẹp sau đăng quang, BTC phải có sự hỗ trợ tích cực để giúp các em hoàn thiện. Hình ảnh đẹp đó sẽ tạo nên lòng tin cho những cô gái trẻ và cho cả cộng đồng. Chúng ta sẽ nhận lại được những thí sinh tốt và cả sự ủng hộ của số đông”.
Trung Sơn