Các bác sĩ ‘toát mồ hôi’ khi gỡ cây pháo hoa ra khỏi đùi bệnh nhân

01/03/2018 - 13:06

PNO - Tháng 2/2018, một bệnh nhân xuất hiện tại phòng cấp cứu ở San Antonio, Texas, Mỹ với cây pháo hoa đâm vào đùi phải. Các bác sĩ phải nhờ đến đội xử lý thiết bị nổ mới gỡ dị vật thành công.

Khi người đàn ông đến bệnh viện, các bác sĩ không nhận ra những gì họ cần đối mặt, cho đến lúc ảnh chụp X quang thể hiện dị vật nguy hiểm.

Hình ảnh cho thấy cây pháo hoa nằm sâu trong đùi phải của bệnh nhân. Anh này nói với các bác sĩ rằng sự việc xảy ra khi anh cố châm lửa cây pháo.

Theo Lane Thaut, nhân viên trực cấp cứu tại Trung tâm Y tế Quân đội San Antonio, mặc dù các nhân viên y tế cố gắng giữ bình tĩnh, họ hoàn toàn không biết nên xử lý ra sao.

Cac bac si ‘toat mo hoi’ khi go cay phao hoa ra khoi dui benh nhan
Các bác sĩ bối rối không biết phải xử lý ra sao trước vết thương và dị vật ở đùi bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị gãy xương đùi và vết thương "nhiễm khuẩn nặng nề".

Bệnh viện liên lạc với nhóm kỹ thuật viên Xử lý thiết bị nổ và sở cứu hỏa địa phương. Bệnh nhân được cô lập trong một căn phòng cách xa các bệnh nhân khác và phải nằm yên, vì sự di chuyển có thể làm cho thiết bị phát nổ.

Sở cứu hỏa khuyến khích các bác sĩ rửa vết thương bằng nước để làm ướt phần thuốc nổ và tránh bất kỳ thủ thuật nào liên quan đến điện, vốn có thể làm phát sinh tia lửa.

Kết quả, các bác sĩ phẫu thuật đã thành công trong việc loại bỏ cây pháo hoa, và đặt thanh kim loại vào bên trong xương đùi của bệnh nhân nhằm điều trị vết nứt.

Người đàn ông cũng trải qua thủ thuật ghép da, và an toàn về nhà hai tuần sau đó.

Cac bac si ‘toat mo hoi’ khi go cay phao hoa ra khoi dui benh nhan
Ngoài pháo hoa, mỗi thiết bị nổ đều phải được xử lý đúng kỹ thuật để tránh gây nguy hiểm thêm cho bệnh nhân và bác sĩ.

Bài viết về ca cấp cứu trên trong Tạp chí Y học Khẩn cấp hồi tháng trước cảnh báo rằng các sự cố tương tự có thể xảy ra tại bất kỳ cơ sở dân sự nào, đặc biệt trong bối cảnh số vụ tấn công khủng bố ở khu vực thành thị ngày càng tăng.

Trong trường hợp này, các bác sĩ không cần phải di chuyển bệnh nhân ra khỏi bệnh viện hoặc mặc những thiết bị bảo vệ vì họ dễ dàng phòng tránh vụ nổ của pháo hoa bằng cách sử dụng nước và tránh tiếp xúc với nhiệt.

Tuy nhiên, các kíp nổ của vũ khí quân sự có thể kích hoạt do vận động, áp suất, tần số vô tuyến điện từ các thiết bị như điện thoại di động hoặc thậm chí ánh sáng mặt trời nên rất nguy hiểm.

Tấn Vĩ (Theo Sputnik)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI