Các bác sĩ nói gì về điều dưỡng cấp cứu dưới gầm giường?

07/07/2017 - 07:03

PNO - Sau vụ việc ồn ào xoay quanh việc điều dưỡng Thái Thị Thanh, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cấp cứu bệnh nhân dưới gầm giường, các bác sĩ đã nói gì?

Nếu kĩ năng tốt, việc mang găng chỉ hết khoảng 5 giây cho cả 2 tay

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám Exson, chia sẻ: “Khi nhìn tấm hình chụp cô điều dưỡng ngồi xổm dưới sàn, đang chích vào tay cho bệnh nhân, tôi nghĩ ngay đến vụ bác sĩ gác chân lên giường khi khám bệnh trước đây. Kịch bản có thể là, ai đó chụp tấm hình này, tung lên mạng. Thế giới mạng bàn tán, chửi rủa. Và, để xoa dịu dư luận, cô điều dưỡng kia bị kỷ luật.

Nhưng trên thực tế làm việc, tôi lại có những kinh nghiệm khác. Thường thì ở các bệnh viện lớn, đội ngũ lãnh đạo là những bác sĩ đã "dày dạn" y trường. Họ hiểu biết các ngóc ngách của ngành. Ở những nơi đó vẫn có những án kỷ luật oan, do đó thật lố bịch nếu kỷ luật điều dưỡng Thanh".

Cac bac si noi gi ve dieu duong cap cuu duoi gam giuong?
 


Bác sĩ Xuân Sơn cho biết thêm, theo kinh nghiệm 20 năm của mình, gần như ngày nào bác sĩ cũng phải cấp cứu cho bệnh nhân động kinh.

Bác sĩ Sơn phân tích bệnh nhân trong câu chuyện trên bị động kinh cơn lớn, toàn thể. Theo đó, khi bị động kinh, bệnh nhân sẽ bị gồng cứng, tiếp theo là co giật, rồi tự hết.

Suốt trong giai đoạn gồng cứng và co giật, bệnh nhân không thở được. Nếu cơn động kinh kéo dài quá, bệnh nhân sẽ hôn mê mà không hồi phục vì chết não, dù bác sĩ có cấp cứu giỏi như thế nào đi nữa.

Tuy nhiên, phần lớn những cơn động kinh chỉ kéo dài dưới 1 phút. Sau cơn động kinh, bệnh nhân thường mê, có khi vài phút, có khi cả giờ mới tỉnh.

Cac bac si noi gi ve dieu duong cap cuu duoi gam giuong?
 

Chỉ có một trường hợp bệnh nhân lên cơn co giật liên tiếp (trên thực tế thì đó thường không phải động kinh toàn thân), thì mới cần chích thuốc cắt cơn. Và chỉ khi đó mới phải chích cho bệnh nhân khi còn nằm dưới sàn nhà.

“Tôi cho rằng, nếu bệnh viện trang bị đủ găng tay, nón, khẩu trang, thì việc chích ven cho bệnh nhân bằng đôi tay trần và không mang khẩu trang là do thói quen ẩu. Điều dưỡng ra buồng bệnh thì luôn phải có mâm hay xe đi cùng, trên đó có đủ vật dụng cần thiết.

Nếu kỹ năng tốt, việc mang găng chỉ hết khoảng 5 giây cho cả 2 tay. Với bất cứ nhân viên y tế nào, việc dùng găng tay để không bị dính máu, dịch tiết của người bệnh, từ đó không lây bệnh cho mình và bệnh nhân khác, phải là phản xạ.

Việc chúng ta tích cực cấp cứu bệnh nhân là rất đáng khen. Nhưng do thiếu hiểu biết, hoặc do ẩu, mà dẫn đến sai qui trình, thì nếu có bị nhắc nhở, cũng không nên lấy đó làm điều ấm ức”.

Nguyên tắc cấp cứu là "cứu người như cứu hỏa"

Cac bac si noi gi ve dieu duong cap cuu duoi gam giuong?
 

Với tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, anh luôn ủng hộ mọi nguyên tắc an toàn người bệnh, nhưng bác sĩ Thương cho rằng nguyên tắc cấp cứu là "cứu người như cứu hỏa".

Trong trường hợp này không thể lấy các tiêu chí thông thường ra làm quy chuẩn, vì  chị điều dưỡng đã cấp cứu trong tình trạng khó khăn, quá tải, nếu kỷ luật chị ấy thì đó là một việc làm vô lý.

“Theo tôi hành động của chị điều dưỡng ấy rất nhanh, rất có kinh nghiệm trong cấp cứu. Vì nếu kéo cô bệnh nhân lên giường (nhưng có giường thì đâu có chui xuống sàn nhà) có thể cô ấy đã nghẹn đường thở mà chết.

Còn chị điều dưỡng đi mang găng tay hay khẩu trang chuẩn để bảo vệ mình thì khi trở lại cấp cứu, có khi bệnh nhân đã ra đi không lời từ biệt”, tiến sĩ, bác sĩ Thương nhận định.

Bên cạnh đó bác sĩ Thương cũng cho rằng thời buổi công nghệ phát triển như bây giờ, người ta chịu rất nhiều áp lực, làm gì cũng phải ngó trước, nhìn sau. Ai ai cũng có ý kiến, cũng dùng điện thoại thông minh để chụp, để quay, để lan truyền vô tội vạ mà không cần biết cái mình quăng lên có giúp ích cho cộng đồng hay giết chết một con người.

"Tôi là giám đốc, tôi sẽ khen thưởng"

Cac bac si noi gi ve dieu duong cap cuu duoi gam giuong?
 

Bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM cũng cho rằng: “Trong điều kiện cấp cứu bệnh nhân co giật, chậm một phút bệnh nhân có thể ngạt thở, tử vong. Cứu người như cứu hoả, không thể chần chờ. Nếu tôi là giám đốc, tôi sẽ khen thưởng cho người điều dưỡng mẫn cán này”.

Bác sĩ Trung cho rằng trong nghề y, y tá là người chịu nhiều cực khổ, thu nhập thấp kém, làm việc chỉ vì lòng nhân ái và yêu nghề. Bên cạnh đó, bệnh nhân ung bướu ở Việt Nam rơi vào tận cùng của nỗi khổ đau. Đau vì bệnh tật và khổ vì ở trong một nơi gọi là "bệnh viện". 

Theo bác sĩ Trung, sau những sự cố ngành y như việc bệnh nhân chạy thận tử vong, các bác sĩ phải cấp cứu cho bệnh nhân mà phơi nhiễm HIV,… vừa qua. Bác sĩ, y tá cũng là những người thiệt thòi.

 “Có thể họ cũng đã sợ hãi trước việc nhân viên y tế có thể bị bắt bất cứ lúc nào vì không tuân thủ quy trình. Nếu tôi là lãnh đạo tôi sẽ kỷ luật người đã kỷ luật chị điều dưỡng này”, bác sĩ Trung nói thêm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI