Các bà mẹ đuối với vai trò "bảo mẫu lương 0 đồng" trong đại dịch

26/06/2021 - 06:00

PNO - Nhu cầu chăm sóc trẻ em tại nhà tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, nhưng nam giới và phụ nữ không chia đều gánh nặng này. Trong khi phụ nữ dành 173 giờ để chăm sóc con cái thì nam giới chỉ dành 59 giờ cho việc này.

 

Một nghiên cứu toàn cầu cho thấy, trung bình phụ nữ dành thêm 173 giờ làm việc không lương để chăm sóc con cái trong năm 2020 - Ảnh: Unicef
Một nghiên cứu toàn cầu cho thấy, năm 2020, trung bình phụ nữ dành 173 giờ để chăm sóc con cái - Ảnh: Unicef

Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD), một tổ chức phi lợi nhuận chống đói nghèo, hôm 25/6 đã công bố một nghiên cứu cho thấy, nếu xét chung toàn cầu, trong năm 2020, phụ nữ đã phải dành thêm 173 giờ làm công việc giữ trẻ “không công”, trong khi nam giới chỉ dành 59 giờ cho con cái.

Khoảng cách này ngày càng gia tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi phụ nữ chăm sóc con cái nhiều gấp 3 lần so với nam giới.

Pakistan, Ấn Độ, Mali, Tunisia và Algeria là những quốc gia có khoảng cách giới lớn nhất về số giờ dành cho việc chăm sóc con cái.

Nguồn: Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD)
Nguồn: Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD)

Phụ nữ phải gánh chịu nhiều tác động kinh tế tồi tệ nhất do đại dịch, bao gồm cả khoản thu nhập bị mất đi ước tính khoảng 800 tỷ USD, phần lớn nguyên nhân là do nhu cầu về thời gian ở nhà ngày càng tăng.

Theo ước tính của công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co., cuộc suy thoái do đại dịch cho thấy những được mất về bình đẳng lương, sự tham gia của lực lượng lao động nữ và tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là ở phụ nữ gốc Phi và Latin ở Mỹ.

Cũng theo công ty này, tỷ lệ mất việc làm trên toàn cầu ở phụ nữ cao hơn nam giới khoảng 1,8 lần, và khi người lao động quay trở lại văn phòng, các bà mẹ cũng như phụ nữ không có con nhiều khả năng không có việc làm hơn các ông bố và nam giới nói chung.

Charles Kenny, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết đại dịch chỉ đơn giản bộc lộ sự bất bình đẳng giới hiện có.

Ông nói: “Mỗi năm các ông bố bà mẹ trên toàn cầu mất hàng ngàn tỷ giờ chăm sóc con cái mà không được trả lương, và việc chăm con phần lớn là do phụ nữ đảm nhận. Chúng ta sẽ không tiến đến một thế giới bình đẳng giới chừng nào gánh nặng này chưa được chia sẻ đồng đều”.

Nghiên cứu của CGD sử dụng số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để đo lường thời gian trung bình mà nam giới và phụ nữ ở các quốc gia khác nhau dành cho việc chăm sóc con cái trước đại dịch.

Tại Ấn Độ, các trường học đóng cửa dẫn đến việc các gia đình phải tăng thêm 176 tỷ giờ chăm sóc trẻ em, nghiên cứu ước tính gánh nặng dồn lên vai phụ nữ lớn hơn 10 lần so với nam giới.

Một số chính phủ đã cố gắng giúp đỡ các gia đình có nhu cầu chăm sóc trẻ em. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đề xuất một biện pháp nhằm giảm chi phí trông trẻ xuống 10 đô la Canada một ngày.

Các nhà lập pháp Úc đang xem xét rót khoản ngân sách 1,7 tỷ đô la Úc để trợ cấp chăm sóc trẻ em, loại bỏ giới hạn hỗ trợ hàng năm đối với nhiều gia đình và tăng các khoản thanh toán cho các gia đình đông con. Còn chính phủ Hoa Kỳ đã phân bổ 53 tỷ đô la để giúp các trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày không đóng cửa trong đại dịch.

Ở nhiều nơi, các biện pháp vẫn không đủ để giúp phụ nữ không bỏ việc hoặc khuyến khích nhiều người trong số họ quay trở lại công việc. Ông Kenny cảnh báo, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và nguồn ngân sách khẩn cấp hết hạn, những khác biệt này cũng sẽ không biến mất. Ông nói: “Sự kiệt quệ, căng thẳng đối với các gia đình sẽ không mất đi khi bọn trẻ đi học trở lại”.

Thanh Vân (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI