Tuổi hưu, trí không hưu
Trong 291 tấm gương phụ nữ cao tuổi về dự hội nghị có rất nhiều người từng là cán bộ, công nhân viên chức. Sau khi nghỉ hưu, các bà, các chị vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động tại địa phương và đóng góp nhiều công sức và trí tuệ cho cộng đồng.
Phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM nơi bà Nguyễn Kim Hên sinh sống là một đơn vị luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng”. 72 tuổi đời, 44 năm tuổi Đảng, sau khi nghỉ hưu, bà Hên dành trọn thời gian và tâm huyết cho các hoạt động phong trào của phường. Không chỉ tuyên truyền, vận động các hộ dân có người cao tuổi hưởng ứng các phong trào thi đua, bà còn vận động cán bộ, hội viên, nhân dân cùng quan tâm đến công tác an sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, đặc biệt là những hộ có người cao tuổi và phụ nữ…
|
Ở tuổi 70, bà Nguyễn Thị Liên đã nhiều ngày hỗ trợ Làng Nủ dọn dẹp, tái thiết - ẢNH: L.N. |
Trong năm 2023 và 2024, bà Hên đã tiên phong vận động chăm lo cho 151 cụ già neo đơn, cấp 45 thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có bệnh nan y và mãn tính, hỗ trợ hộ phụ nữ cận nghèo mỗi tháng 500.000 đồng… Cùng lúc đảm nhiệm các vai trò tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ phụ nữ, chủ tịch hội người cao tuổi, bà Hên bảo mệt thì có mệt, nhưng vui hơn rất nhiều, vì làm được nhiều điều hữu ích cho tổ dân phố cũng như không ít người cao tuổi trong phường.
Một điển hình khác là cô giáo Bùi Thị Phúc - dân tộc Mường. Sau khi hoàn thành sự nghiệp trồng người, bà Phúc cũng đảm đương nhiều vị trí tại địa phương như bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội phó người cao tuổi và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ ca Mường Bi của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Bà Phúc quan niệm, muốn người ta nghe mình nói thì mình và gia đình mình phải gương mẫu trước tiên.
Vợ chồng bà đều là nhà giáo về hưu, 3 con gái và 3 chàng rể đều là thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy tại các trường đại học, nên hơn ai hết, tại địa phương họ rất chú trọng đến gây dựng tinh thần hiếu học. 10 năm nay, năm nào khu An Thịnh của bà cũng có những chương trình, sự kiện khuyến học do bà Phúc khởi xướng và thực hiện như: xây dựng tủ sách học tập cộng đồng, thi “thiếu nhi đọc sách”, “thiếu nhi kể chuyện Bác Hồ”…
Từ các hoạt động, các hội viên người cao tuổi cũng được “lây lan” tinh thần “tuổi hưu, trí không hưu”. Nhiều người trong số họ đã cùng nhau làm 2 tập thơ “Hương sắc Mường Bi” mang đậm tính giáo dục cộng đồng.
Góp sức phát triển kinh tế, hỗ trợ cộng đồng
Trong số những phụ nữ cao tuổi tiêu biểu, không ít bà ở tuổi U80 vẫn đang góp sức phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương. Ở Hà Nội có bà Nguyễn Thị Liên (thôn Tân Phú, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn). Ở tuổi 72, bà Liên vẫn đang quán xuyến trang trại nuôi gà, heo bằng giun quế với doanh thu mỗi năm khoảng 6 tỉ đồng. Bà Liên được Hội Người cao tuổi TP Hà Nội biểu dương là người làm kinh tế giỏi năm 2023.
Không chỉ tự học cách chăn nuôi giun quế, bà Liên còn tự học cách làm chế phẩm sinh học IMO để xử lý rác thải và cần mẫn đi khắp các xã trong và ngoài TP Hà Nội để hướng dẫn chị em biến rác thải thành phân bón, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp.
Mấy tháng trước, bão Yagi gây tang thương khắp nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Ở Yên Bái, sau khi nước rút, xác động vật dù đã được chôn lấp nhưng vẫn bốc mùi khắp một vùng. Thế là bà lão U80 cùng cộng sự đã lên tận nơi cùng 300 lít IMO để khử khuẩn cho thôn Làng Nủ. Bà Liên cũng đã ở lại Làng Nủ để cùng góp sức dọn dẹp môi trường, kêu gọi sự đóng góp giúp đỡ và gây dựng lại những vườn rau không hóa chất cho bà con.
Ở Kiên Giang, bà Nguyễn Việt Nữ - 70 tuổi, phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá - thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch - Thương mại Hòa Giang. Bà Nữ cho hay, bên cạnh phát triển kinh tế, những năm qua bà luôn đồng hành cùng Hội LHPN tỉnh trong các hoạt động, đặc biệt là hỗ trợ những chị em khó khăn, người già neo đơn. Tại doanh nghiệp, bà còn thành lập quỹ học bổng để tiếp sức cho con em người lao động và đóng góp vào quỹ học bổng Vừ A Dính để hỗ trợ học sinh vùng biên giới, hải đảo.
Phá bỏ hủ tục, phát huy thế mạnh riêng
Tại Hội nghị biểu dương còn có sự góp mặt của nhiều phụ nữ các dân tộc. Họ như những người dẫn dắt cộng đồng mình rời bỏ hủ tục, hướng đến xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa trên nền tảng những phong tục lâu đời tốt đẹp. Bà Ka Dồi - người K’ho ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng - đã có gần 15 năm thay chồng làm lụng nuôi 5 đứa con ăn học. Bà tự nhận là mình rất may mắn khi được cha mẹ cho đi học và được công tác Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, y tế thôn bản… Bà luôn động viên các con mình phải trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Là cộng đồng mẫu hệ, bà Ka Dồi thường bắt đầu mọi việc bằng tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Với những hủ tục như thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chữa bệnh bằng cúng bái, trừ tà… đã bám rễ trong cộng đồng người K’ho và gây nhiều hệ lụy, bà Ka Dồi đã cùng chi hội lập tổ tuyên truyền với 26 hội viên để vận động chị em xóa bỏ.
|
Hội nghị tuyên dương rất nhiều phụ nữ cao tuổi đến từ các dân tộc thiểu số - Ảnh: M.T. |
Ngoài tuyên truyền, vận động trực tiếp, việc đấu tranh với các hủ tục còn được bà Dồi thực hiện thông qua các tiểu phẩm và những buổi tuyên truyền pháp luật. Trong gia đình, bà Dồi cũng là người đi đầu trong việc bỏ tục thách cưới và nói không với chữa bệnh bằng cúng bái, trừ tà… để thuyết phục người thân. Từ đầu năm 2024 đến nay, do sức khỏe không được tốt, bà Ka Dồi xin thôi vai trò chi hội trưởng phụ nữ. Dù thế, mỗi khi gặp khó khăn hay cần sự tư vấn, bà vẫn là nơi chị em tìm đến.
Ở khía cạnh khác, từ 20 năm nay, các sản phẩm măng và mật ong của các thành viên đồng bào Mường ở Hợp tác xã Bản Dao (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã không còn bị thương lái ép giá. Nhờ vậy mà thu nhập và đời sống của họ cũng không còn bấp bênh. Được vậy là nhờ bà Nguyễn Thị Bình đã hỗ trợ họ phân bón, kỹ thuật nuôi trồng, đặc biệt là việc kết nối tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm.
Trong 6 năm vừa qua, bà Bình còn biến cây sả tươi ế ẩm của các nông hộ thành tinh dầu sả. Năm 2022, tinh dầu sả chanh của Bản Dao được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Ở tuổi U70 nhưng bà Bình thành thạo các tính năng của Zalo, Facebook, TikTok, email. Bà cười bảo: “Mọi cái mới của thời đại mình đều phải học. Dù gì mình cũng dẫn dắt mấy chục hộ gia đình người Mường, Dao cơ mà”.
291 phụ nữ cao tuổi được tuyên dương là 291 tấm gương không chỉ xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc mà còn có rất nhiều cách đóng góp cho cộng đồng. Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - khẳng định: “Đóng góp của các bà, các chị góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Minh Tuệ