Cả xã hội, từng doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm

23/02/2025 - 06:47

PNO - Tôi vừa đi họp phụ huynh học sinh. Thầy hiệu trưởng của con tôi khẳng định rằng, mỗi đứa trẻ đều là nguồn nhân lực của quốc gia, đứa con không chỉ là tương lai của cha mẹ mà còn là tương lai của đất nước.

Nghe thầy nói, tôi nhớ đến những lá thư, những bài nói chuyện của Bác Hồ. Với Bác, trẻ em là những người chủ tương lai của đất nước. Bác nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi, quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng, giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường, tự lập”. Bác thường xuyên quan tâm, nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể.

Chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của từng gia đình, từng trường mà còn là nghĩa vụ của toàn xã hội, bởi trẻ được giáo dục tốt không chỉ có lợi cho bản thân mà còn góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, quốc gia cường thịnh. Đáng tiếc là quá trình công nghiệp hóa chưa gắn với quy hoạch cơ sở hạ tầng xã hội nên đã tồn tại khoảng cách đáng kể trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm trẻ em, đặc biệt là con em công nhân nhập cư và trẻ ở các vùng khó khăn.

Chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Luật Lao động năm 2019 quy định rõ: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động”. Nhưng trên thực tế, rất ít doanh nghiệp quan tâm thực hiện điều này. Đây không chỉ nên là sự tuân thủ pháp luật mà cần được xem như là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Phát triển công nghiệp là tất yếu, kéo theo đó là sự gia tăng của lực lượng lao động nhập cư đến các khu công nghiệp, thành phố lớn. Những công nhân ấy không chỉ đang đóng góp sức lao động mà còn đang nuôi dưỡng thế hệ lao động của ngày mai. Vậy nhưng, khi nhìn vào bức tranh giáo dục của con em công nhân hiện nay, có thể thấy chúng thua thiệt về cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng.

Trẻ em là con công nhân ở các khu công nghiệp thường phải học trong điều kiện không đạt chuẩn: trường lớp quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên thiếu và ít có điều kiện trau dồi chuyên môn. Trong khi đó, cha mẹ các em phần đông có thu nhập thấp, công việc bấp bênh, ít có điều kiện thời gian và tài chính để đầu tư cho con cái. Thực tế này tạo nên vòng luẩn quẩn: thế hệ sau tiếp tục có những hạn chế về kỹ năng, trình độ, kéo theo năng suất lao động thấp và lệ thuộc vào những công việc giản đơn, ít giá trị gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới xem đầu tư vào giáo dục là một chiến lược dài hạn giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực ổn định, có kỹ năng tốt hơn, tư duy linh hoạt hơn và năng suất lao động cao hơn. Khi xem giáo dục như một phần trong chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ không chỉ tạo ra lợi ích trước mắt mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai, với chất lượng nhân lực của doanh nghiệp và của nền kinh tế được nâng cao.

Công bằng trong tiếp cận giáo dục là quyền cơ bản của mọi trẻ em. Trách nhiệm đảm bảo quyền này không của riêng Nhà nước, nhà trường hay phụ huynh mà còn là của toàn xã hội, của các doanh nghiệp. Trước mắt, các doanh nghiệp có thể góp sức bằng việc đầu tư vào các quỹ học bổng, mở trường nội trú cho con công nhân hoặc hỗ trợ họ các điều kiện chăm sóc con tốt hơn.

Bản chất của giáo dục là trao cho người học cơ hội phát triển năng lực cá nhân. Khi được học tập trong điều kiện tốt, được quan tâm đúng mức, trẻ sẽ lớn lên với nền tảng vững chắc hơn, sống có ích cho bản thân và cho cả xã hội. Rút ngắn khoảng cách giáo dục không chỉ giúp trẻ có tương lai tốt hơn mà còn làm cho xã hội phát triển bền vững, công bằng, văn minh hơn.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI