Cả xã bán máu nuôi miệng: Người mẹ bán máu nuôi cả gia đình qua ký ức của con gái

13/09/2016 - 06:53

PNO - Trong ký ức của chị Quỳnh vẫn còn nhớ rõ những trận ốm, những lần mẹ gục xuống do thiếu máu, mẹ ốm mê man mà trong nhà không còn thứ gì để ăn.

Tìm về vùng đất khắc nghiệt, cằn cỗi tại ấp Đa Hòa Nam, xã Hòa Lợi (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nhiều người không khỏi xót xa trước những câu chuyện của một thời, người dân nơi đây để bám trụ qua cơn đói phải bán máu nuôi thân.

Người mẹ bán máu nuôi gia đình

Trong căn chòi nhỏ bằng gỗ đã cũ kĩ, vợ chồng bà Thạch Thị Mét sinh sống cùng cậu con trai cả. Gia đình bà không có ruộng, hàng ngày vợ chồng người con trai đã ngoài 40 phải đi tìm việc làm thuê, công việc vất vả chỉ đủ sống qua ngày.

Bà Mét năm nay đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe ốm yếu, bà ở nhà đan thảm thuê, túc tắc kiếm bát cháo phụ giúp con trai. Chân tay chậm chạp, xuống sức nên mỗi tuần bà chỉ kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng. Ít ai có thể ngờ rằng, trước đây bà đã từng nuôi sống gia đình bằng việc bán máu.

Chiều 12/9, trò chuyện với PV, chị Thạch Thị Quỳnh (con gái bà Mét) vẫn nhớ như in ký ức kinh hoàng của những trận đói, những hình ảnh người mẹ khỏe mạnh làm đủ thứ việc trên đời để chống đỡ gia đình nghèo.

Những ngày đó, 3 anh em chị còn quá nhỏ không nhớ được gì nhiều nhưng nghe họ hàng, những người xung quanh kể lại. Bố chị ốm đau nên không làm được việc, lại thường xuyên phải đi lên viện điều trị, có khi một tháng phải lên đến 3-4 lần, nhà lại không có ruộng. Bởi vậy, cả gia đình chỉ phụ thuộc vào công việc làm thuê bữa được bữa không của người mẹ.

Ca xa ban mau nuoi mieng: Nguoi me ban mau nuoi ca gia dinh qua ky uc cua con gai
Ấp Đa Hòa Nam từng có phong trào bán máu nuôi gia đình.

Hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, bà Mét nghe theo lời mách của một người cùng nằm trong viện nên đã đi bán máu. Vào những năm 90, một "xị" máu 250ml được bán với giá 17.000 đồng nhưng khi đó đã là một khoản tiền kha khá, có thể nuôi sống gia đình bà 3-4 ngày dè xẻn.

Đồng tiền ngày càng mất giá, chục năm sau, một "xị" máu tương tự được mua với giá 70-80.000 đồng nhưng lúc này số tiền chỉ đủ gia đình chị sống trong 2 ngày, người con gái út bùi ngùi kể lại.

Chị Quỳnh tâm sự: "Hồi đó nghèo dữ lắm cô ơi. Không chỉ mẹ tôi mà nhiều người khác cũng cùng nhau đi bán. Mẹ tôi không có gì cho con ăn nên vẫn thường đi bán máu để mua gạo, mua mắm nuôi sống gia đình tôi. Người ta bán máu xong còn được nghỉ ngơi, còn bà lại quần quật đi gặt thuê, cấy thuê, ai bảo gì làm đấy miễn là có tiền".

Khi đó, cuộc sống của người dân quá khó khăn, gần như cả ấp Đa Hòa Nam rủ nhau đi bán máu lấy tiền cầm cự qua cơn đói. Rồi "phong trào bán máu" nở rộ khắp làng.

Ký ức về những trận ốm của mẹ

Chị Quỳnh tâm sự: "Bình thường, sau khi hiến máu 3-4 tháng mới lại được đi bán máu lần tiếp theo nhưng vì nhà nghèo quá, cứ một tháng mẹ tôi lại đi bán một lần".

"Ba trước kia đi bộ đội bị trúng đạn, mất sức không làm được việc gì nhưng vì thương vợ con nên ba tôi cũng bán máu, tất nhiên không nhiều bằng mẹ vì ba yếu hơn nhiều nhưng cứ khi nào đủ khả năng ba lại bán", chị Quỳnh nói.

Ca xa ban mau nuoi mieng: Nguoi me ban mau nuoi ca gia dinh qua ky uc cua con gai
Nhiều người không thể nhớ việc mình đã lấy bao nhiêu "xị" máu ra khỏi cơ thể.

Số tiền ít ỏi được tiêu chỉ trong chớp nhoáng, người mẹ lại vục mặt vào tìm việc làm thuê. Bà vẫn thường phải nói khó những người chủ nhà cho ứng tiền trước để lo cho gia đình, sau đó làm thuê để trả nợ, cứ như vậy cuộc sống xoay vần, tạm bợ qua ngày.

Trong ký ức của chị Quỳnh vẫn còn nhớ rõ những trận ốm, những lần mẹ gục xuống do thiếu máu, mẹ ốm mê man mà trong nhà không còn thứ gì để ăn. Cũng có đôi lần, chị ngăn cản mẹ đừng đi bán máu nữa, nhưng rồi cơn đói của các con lại thôi thúc người mẹ già tiếp tục tìm đến các bệnh viện.

"Nhiều lần mẹ yếu như vậy lắm, cũng không đi làm thuê được. Mẹ bảo không bán máu thì không có cách nào kiếm tiền nên mẹ lại gắng", chị Quỳnh nấc nhẹ.

Hiện các con của bà Mét cũng lớn, đỡ được công việc mẹ đôi phần rồi lần lượt dựng vợ gả chồng. Bà Mét giờ đã có tuổi. Tuổi già lại là lúc bà phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của việc bán máu. Bà Mét đau yếu liên miên.

"Anh, chị em tôi cũng đau yếu suốt, tôi bị thiếu máu cơ tim nên cũng chỉ ở nhà chăm con, làm việc linh tinh cũng không bán máu được", chị Quỳnh kể.

Người con gái út nghẹn lời: "Mẹ tôi mới hơn 60 nhưng ai không biết vẫn tưởng mẹ đã 70-80 tuổi. Bà yếu lắm, chắc tại ngày xưa mẹ đi bán máu nhiều qúa, đến khi già quá không bán được nữa thì thôi".

Chị Quỳnh cũng thành thật chia sẻ, bây giờ cuộc sống vẫn khó khăn nhưng ai cũng đã hiểu rằng bán máu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này nên không ai dám đi nữa.

"Cả đời mẹ vất vả, đến cuối đời già yếu, tôi cũng muốn lo cho mẹ chút ít nhưng chính mình cũng bệnh tật với lại các con nhỏ nên mình cũng chả làm được gì", giọng chị Quỳnh lạc đi.

Vận động "phong trào" bán máu sang hiến máu

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, ông Lâm Thành Quân - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Hòa Lợi cho biết: Giai đoạn 1979-1980 bà con đi bán máu rất nhiều, thậm chí về sau trở thành phong trào. Nhưng đến khoảng năm 2010, khi xã phát động các chương trình hiến máu tình nguyện thì bà con không đi bán nữa mà cũng đi hiến máu theo phong trào.

"Thời điểm đó, người dân quá nghèo, có nhiều trường hợp phải đi bán máu nuôi gia đình. Đến thời điểm cao trào của việc bán máu, Chủ tịch tỉnh cũng phải phải xuống động viên, can thiệp", ông Quân kể lại.

Cũng theo ông Quân, việc hiến máu tình nguyện có từ năm 2010 nhưng phải đến năm 2013 thì phong trào này mới thực sự hiệu quả. Trong năm nay, chỉ tiêu của huyện giao cho địa phương là 92 đơn vị máu nhưng cho tới giờ này mới đạt 50% mà chỉ còn 1 đợt hiến máu nữa, khoảng thời gian này nhiều người địa phương đi làm ăn xa chưa về.

Xã Hòa Lợi là xã nghèo, thuộc chương trình 135 nên việc vận động hiến máu tình nguyện là một vấn đề khó khăn.

Vị cán bộ xã chia sẻ: "Bây giờ có một số người đi bán máu nhiều lại thành quen, không được rút máu nữa lại thấy nôn nao cơ thể. Người ta chủ động đi tìm mình hỏi tới đợt hiến chưa? Thường 1 xã mình huy động 4 đợt, tức là 3 tháng 1 lần nên nhiều người chưa đủ tháng nhưng vẫn đòi hiến tôi phải cho họ về hết".

"Địa phương cũng quan tâm đến các hộ nghèo nhiều lắm, một số thì cấp nhà tình thương, một số không có đất ở thì chính quyền tạo điều kiện cho mua đất để ở", ông Quân cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Thái Thanh Bình – Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lợi cho hay, những năm gần đây, do nhu cầu truyền máu tăng cao, lượng máu ở các bệnh viện luôn trong tình trạng khan hiếm. Nhận thấy, ở địa phương từng có “truyền thống” bán máu nuôi miệng, chứng tỏ người dân không ngần ngại về việc lấy di những giọt máu trên cơ thể mình. Từ đó, chính quyền xã Hòa Lợi đã phát động phong trào hiến máu tình nguyện trong toàn bộ nhân dân.

“Ngay sau khi phong trào hiến máu tình nguyện được phát động thay cho việc đi bán máu theo kiểu tự phát, những người dân địa phương đều hưởng ứng nhiệt tình. Trong đó ấp Đa Hòa Nam vẫn là khu vực có nhiều người hưởng ứng nhất”. – ông Bình cho biết.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI