Cá voi xanh - Phần 2: Đâu là sự thật đằng sau ‘thử thách tự sát’ trên mạng?

20/01/2019 - 06:00

PNO - “Thử thách Cá voi xanh” đã được xác định là một “trò chơi tự sát” trên mạng nhắm đến các thiếu niên, với luật chơi là thực hiện 50 nhiệm vụ trong 50 ngày.

Thử thách này được cho là có liên quan đến số lượng lớn trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Nhưng “trò chơi” này có nhiều điểm không như người ta nghĩ.

Những nhiệm vụ đầu tiên có vẻ khá vô hại: “thức dậy lúc nửa đêm" hoặc “xem một bộ phim kinh dị". Nhưng sau mỗi ngày, các nhiệm vụ càng trở nên đáng sợ.

“Đứng trên gờ tường của một toà nhà cao tầng”.

“Rạch lên cánh tay hình một chú cá voi”.

Và cuối cùng, người chơi được yêu cầu tự lấy mạng.

Thử thách này được nghi ngờ là khởi phát từ nước Nga, nhưng rất nhanh chóng nó đã lan sang các quốc gia khác như Ukraine, Ấn Độ và Mỹ.

Hàng trăm cái chết đã được xác nhận là liên quan đến “trò chơi tự sát” này. Nhưng các điều tra kỹ càng đã tiết lộ một điểm gây hoang mang: Trò chơi này, ít nhất là như các báo cáo ban đầu miêu tả về nó, dường như còn chưa bao giờ tồn tại.

Cá voi xanh - Phần 1: Đâu là sự thật đằng sau ‘thử thách tự sát’ trên mạng?

Ca voi xanh - Phan 2: Dau la su that dang sau ‘thu thach tu sat’ tren mang?
 

Nghi phạm

Tháng 11/2016, Philipp Budeikin, 21 tuổi, bị bắt và bị buộc tội khuyến khích các thiếu niên tự tử. Budeikin có vẻ không lẩn tránh trách nhiệm. Anh ta nói với trang Saint-Petersburg.ru của Nga: “Có những con người, và có những kẻ chỉ là phế phẩm đáng phân hủy. Tôi chỉ đang thanh lọc xã hội chúng ta khỏi những kẻ đó. Có lúc tôi cũng nghĩ làm thế là sai trái, nhưng cuối cùng tôi vẫn có cảm giác là mình đang làm đúng”.

Anh ta thích máy tính và là một nhà sản xuất âm nhạc nhiều kỳ vọng, có thiên hướng âm nhạc điện tử mang chủ đề tà giáo. Vốn là một sinh viên tâm lý học, anh ta được báo chí miêu tả là đã sử dụng các thủ thuật rất tinh vi để thao túng các thiếu niên đến chỗ tự sát.

Anh ta cho biết mình tạo ra trò chơi này năm 2013 và gọi nó là "f57", kết hợp giữa chữ cái đầu của tên mình, Philipp, và 2 số cuối trong số điện thoại. Ngày 10/5/2017, anh ta bị kết tội và phạt tù 3 năm.

Có vẻ như đến đây thì vụ việc đã được khép lại. Nhưng Evgeny Berg, nhà báo điều tra của Meduza, một cơ quan báo chí tiếng Nga độc lập, quyết định tìm hiểu kỹ hơn.

Ca voi xanh - Phan 2: Dau la su that dang sau ‘thu thach tu sat’ tren mang?
 

Kết luận của ông bố mất con

Cuộc điều tra đưa Evgeny Berg đến gặp Sergey Pestov, cha của một trong những cô bé đã bỏ mạng hồi Giáng sinh năm 2015. Sau khi con gái qua đời, Pestov và vợ lập ra một tổ chức có tên là Cứu bọn trẻ khỏi những tội ác trên mạng.

Họ phát hành một cuốn sách, trong đó ngụ ý rằng tình báo nước ngoài có thể là thủ phạm cho cái chết của con gái ông và những hoạt động này là nhằm tiêu diệt người dân Nga bằng cách lôi kéo con cái họ tự sát.

“Ông ấy sử dụng các nguồn từ báo chí và các nguồn mở khác để thống kê một loạt vụ việc trên khắp nước Nga mà theo ông là có liên hệ đến các nhóm tự sát”, Evgeny Berg cho biết. “Và con số là 130”.

Con số này đã được tờ Novaya Gazeta đưa vào bài báo của họ - bài báo đã có hơn 1,5 triệu lượt xem, và được nhiều báo khác dẫn đi dẫn lại. Nhưng theo Evgeny Berg, con số này là thiếu cơ sở vì nó xuất phát từ một ông bố đang tìm mọi cách lý giải nguyên nhân dẫn đến bi kịch của gia đình mình.

Tác giả bài báo, Galina Mursalieva, khẳng định con số là đáng tin cậy. “Con số 130 không phải dựa trên kết luận của một ông bố mất con, mà dựa trên kết luận của hơn 200 bậc cha mẹ mất con. Tôi chẳng có lý do gì không tin họ, tôi đã kiểm tra nhiều điều khác”.

Theo đuổi câu chuyện này hàng tháng trời, Mursalieva đã phỏng vấn cha mẹ của các thiếu niên mất mạng cũng như các chuyên gia về luật và tâm lý. Cô nói cô đưa câu chuyện này lên báo là để thúc giục các nhà điều tra vào cuộc vì cô nghĩ là họ chưa xem xét đúng mức tính nghiêm trọng của vấn đề.

Tuy vậy, trong mấy năm qua, cảnh sát và cả các nhà báo đều chưa dám kết luận bất cứ vụ tự sát nào là thực sự liên quan đến các nhóm nói trên. Xem ra việc chứng minh nguồn cơn của một vụ tự sát là rất khó.

Chỉ có thể nói gần chính xác là các thiếu niên này bị trầm cảm, một số em có xu hướng tự sát, nên dễ dàng bị thu hút vào những nhóm chat về chủ đề này. Những đứa trẻ này chẳng qua dùng những hình ảnh tương tự nhau, như hình ảnh cá voi xanh, để thể hiện cảm giác của mình trên mạng.

(Còn nữa...)

Đại An (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI