Cá tra xuất khẩu hơn 2 tỷ USD/năm, vẫn khó tiêu thụ nội địa

11/12/2019 - 06:55

PNO - Cá tra đang được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài rất tốt nhưng lại gặp khó khi tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Ăn uống tốt cho sức khỏe” do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 10/12, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - đánh giá, người Việt Nam ngày càng quan tâm tới bữa ăn với các yếu tố đủ dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe chứ không chỉ khoái khẩu và đắt tiền. Rau quả, ngũ cốc và cá là các thành tố ưa chuộng cho bữa ăn dạng này.

“Cơm với cá” những tháng cuối năm lại nhận được nhiều tin vui. Gạo ST25 của Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Trong khi đó, một thông tin cũng rất vui cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là tháng 11/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong việc nuôi cá tra Việt Nam là tương đương với tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, sau 3 năm liên tiếp, họ kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc nuôi cá ở Việt Nam.

Ca tra xuat khau hon 2 ty USD/nam, van kho tieu thu noi dia
Các doanh nghiệp chế biến cá tra dường như chưa có chiến lược để tiếp cận thị trường nội địa. Ảnh: Thư Hùng

Con cá tra hiện nay được nuôi rất sạch, sạch hơn tất cả các loại cá khác, thậm chí còn sạch hơn các loài động vật trong môi trường thiên nhiên. Lý do là môi trường tự nhiên ít nhiều đã bị ô nhiễm, các loài động vật chắc chắn bị ảnh hưởng nhưng môi trường nuôi cá tra được kiểm soát rất chặt để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của Mỹ.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt  Nam đã sáng tạo, chế biến, phát triển được rất nhiều món ngon từ cá tra. Nhưng cá tra cũng như các món ngon từ cá tra vẫn chưa lên được bàn ăn của người Việt. Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May - cho biết, hiện nay, xuất khẩu cá tra chính ngạch của Việt Nam sang các nước trên thế giới vượt 2 tỷ USD/năm. Cá tra xuất khẩu qua kênh siêu thị có giá không hề rẻ. Cũng nhờ có kênh xuất khẩu này mà chất lượng cá tra được kiểm soát triệt để, đạt các chỉ tiêu xuất khẩu.

Theo ông Thiện, một thực tế đáng buồn là trong khi cá tra được người tiêu dùng các nước rất ưa chuộng thì ở Việt Nam, lại có nhiều tin đồn không hay về cá tra, như cá trá được nuôi theo kiểu “cầu tõm” không sạch, nên lượng tiêu thụ trong nước không nhiều. Bây giờ, nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc đẩy mạnh tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa.

“Các công ty chế biến thủy sản ưu tiên cho vùng nuôi của họ, khi giá lên thì ưu tiên xuất khẩu cá tra do họ nuôi, khi giá giảm, lại thu mua của nông dân. Doanh thu xuất khẩu cá tra của Cỏ May khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng hiện tại, trong nước chưa có kênh phân phối, chủ yếu bán nhỏ lẻ do người tiêu dùng chưa chuộng cá tra; có doanh nghiệp phải đổi tên sản phẩm thành cá ba sa cho dễ bán” - ông Thiện  nói.

Các chuyên gia ẩm thực đánh giá, cá tra Việt Nam có giá trị dinh dưỡng cao, dù rã đông vẫn còn tươi, ngọt thịt. Ông Chiêm Thành Long - Giám đốc Làng du lịch Bình Quới - cho hay, ông đã thử đưa món cá tra vào thực đơn buffet nhà hàng, chế biến đủ món ngon nhưng nhiều khách vẫn e ngại. Khi khách đã quen ăn thì lại không có đủ cá tra để bán vì chưa có nhiều kênh phân phối. Theo ông, cần mở rộng kênh phân phối để cá tra đến được tay người tiêu dùng Việt.

Theo bà Hạnh, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn lưỡng lự khi kinh doanh cá tra tại Việt Nam bởi xuất khẩu thì dễ, tiêu thụ trong nước lại khó do nhiều nơi vẫn nuôi, bán cá tra không đạt tiêu chuẩn nuôi an toàn. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI