Cả thế giới cười, chỉ mình con khóc

13/12/2017 - 16:04

PNO - Lòng tan nát mà miệng phải tươi cười, cha mẹ có làm được không? Với kiểu ấy, cha mẹ xem con khác nào… cái máy giặt, mặc tình bấm công tắc “xả”, “vắt” tùy hứng.

Mỗi khi tình cờ thấy các clip trẻ nhỏ bị phạt đòn, khóc hoặc trả treo bằng vốn từ ngây ngô, do người lớn quay và đưa lên mạng, tôi chỉ muốn ào đến để đưa đứa bé khỏi nơi nó đang bị bạo hành tinh thần.

Ca the gioi cuoi, chi minh con khoc
 

Cả thế giới cười, mình con khóc

Mẫu số chung trên các clip đó là trẻ khổ sở, khóc vật vã trước ống kính, còn “thế lực đe nẹt” thì giấu mặt, chỉ có tiếng nói uy hiếp phát ra từ sau ống kính. Cùng xuất hiện với bé, nếu có, là vài người lớn đang cười ngặt nghẽo.

Có bé khóc sặc sụa, miệng hiện nguyên hình “dấu ớ” chỉ vì cha gầm ghè không cho bé tiếp tục cạp chai nước ngọt bằng nhựa mà bé đang say sưa tận hưởng. Lặp lại vài lần cái điệp khúc cha la - bé sợ hãi òa khóc - cha xoa dịu “Thôi! Thôi!”, vậy là có cớ để cười.

Có bé đang bị phạt khoanh tay, ấm ức khóc, phụ huynh bắt bé lần lượt giả tiếng chó, mèo… như những chi tiết đắt để quay, cạnh tranh "độc lạ" so với các clip khác. Có bé khóc thét vì phản đối phụ huynh đập con heo đất, vậy cũng “mua vui được vài trống canh”. Có bé mặc cả hình thức nhận phạt: chỉ muốn quỳ, không nằm cúi; tình nguyện giơ tay cho mẹ đánh, không chịu quất vào mông.

Mẹ giơ cao đánh khẽ, chủ ý cho clip có kịch tính, còn hỏi con đau chưa để “tăng đô” những lần quất roi sau đó. Có bé vừa thấy người-đàn-bà-xưng-mẹ giương máy ảnh lên, đã tức tưởi khóc nói “không chụp hình, không chụp hình đâu”. Thế mà người - mẹ vẫn bắt bé cười. Rồi thì, sau những nỗ lực, bé đã cười thành công - cái cười đầy vẻ đớn đau, bất mãn, thất vọng.

Liệu những bậc cha mẹ này có xem con trẻ là con người với những hỉ nộ ái ố và những cung bậc cảm xúc trong thể thống nhất, đồng bộ? Lòng tan nát mà miệng phải tươi cười, cha mẹ có làm được không? Với kiểu ấy, cha mẹ xem con khác nào… cái máy giặt, mặc tình bấm công tắc “xả”, “vắt” tùy hứng.

Nhìn toàn diện về tổn hại thân thể, tinh thần, lòng tin, có khi những clip cha mẹ hành con này còn “dã man” hơn cả những clip cô giáo, bảo mẫu đánh trẻ, bởi điểm tựa sau cùng của trẻ đã mất ngay lúc con cần nhất.

Sao không cùng cười?

Clip đạt nhiều lượt view nhất gần đây quay cảnh cậu bé bị cha phạt. Ai xem cũng cười lăn vì anh chàng mới hai - ba tuổi, còn nói đớt mà đã lý sự và biết mánh lới. Khi bị cha lôi ra, chuẩn bị đánh, bé vừa mếu khóc vừa dáo dác nhìn quanh, nói: “Mẹ ơi, con buồn ngủ”. Khi cha bé đòi tùng xẻo lần lượt các bộ phận trên cơ thể bé như tay, tai, “trái ớt”… bé đưa ra hàng loạt công dụng của những bộ phận đó, sự cần thiết của chúng cho sự sống của mình nên không thể chặt bỏ.

Điệu bộ lúng túng, lời lẽ ngộ nghĩnh của bé khiến người lớn cười nôn ruột, người quay clip cũng cười chao máy. Nhưng có vui không khi những người lớn cười, cả thế giới cười, chỉ mình con khóc?

Có thể phụ huynh không có ý xấu, chỉ định dọa nạt con trẻ, hoặc nghĩ đơn giản là một trò chơi, ngầm khoe con dễ thương, thông minh. Nhưng hiệu ứng của những clip ấy rất khó lường, hệ quả tùy thuộc vào tính cách của đứa trẻ. Clip sẽ ám ảnh bé suốt đời, trở thành hạt sạn trong tương tác cha mẹ - con cái.

Một người mẹ vẫn hối hận vì hành động nông nổi của mình, gây vết rạn khó hàn gắn trong quan hệ mẹ con. Được khuyến mãi một thùng đựng nước đá, chị không xài tới nên khi người bạn xin, chị vui vẻ chấp thuận. Cậu con trai 11 tuổi giãy nảy vì trước đó mẹ đã đồng ý cho cậu để làm vật liệu nghiên cứu, chế tác đồ chơi.

Lúc cậu cuồng nộ vung tay vung chân phản đối, chị thấy hình ảnh buồn cười nên quay clip đưa lên Facebook cùng chú thích “Thần giữ của”. Cậu con giận dữ: “Sao mẹ lại xúc phạm con?” và dựng lên một tường chắn với mẹ ngay cửa ngõ tuổi dậy thì. 

Tô Diệu Hiền

Ca the gioi cuoi, chi minh con khoc
 

Buông máy quay xuống và ngồi bên con

Người lớn dọa đánh mắng trẻ, lúc thật lúc đùa, rồi quay clip cảnh bé khóc kiểu trẻ con dễ thương và đăng lên mạng là hành vi bạo hành tinh thần trẻ. Những hành động đó thể hiện thái độ coi con cái như món đồ chơi, vật sở hữu của cha mẹ. Cha mẹ không tôn trọng cảm xúc của trẻ, mua vui cho mình và cho người vài phút mà không ý thức được trẻ khổ tâm như thế nào, tổn hại ra sao về lâu dài.

Sự tổn thương một, hai lần có thể trẻ sẽ sớm quên, nhưng nếu lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ dễ cáu bẳn, bực tức và phản kháng lại người lớn. Cảm xúc tiêu cực ở trẻ sẽ tạo nên những hành vi chống đối. Sau này trẻ lớn, nhìn lại những video đó sẽ xấu hổ. Quan trọng hơn, trẻ thấy mình là trò chơi của người lớn, không cảm nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng của người lớn. Trẻ có thể sẽ trêu chọc bạn bè, coi thường cảm xúc của người khác. Xin cha mẹ dừng ngay những hành động quay phim, chụp hình lúc con mếu máo như vậy.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy 
(Giảng viên học viện Hành chính quốc gia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI