Cả thế giới chống buôn bán rác thải nhựa, riêng Mỹ đứng ngoài

12/05/2019 - 10:07

PNO - Mới đây, chính phủ 187 nước trên thế giới - không có Mỹ - đã nhất trí kiểm soát sự di chuyển của rác thải plastic qua các biên giới quốc gia trong một nỗ lực chung nhằm khống chế cuộc khủng hoảng plastic trên thế giới.

Ca the gioi chong buon ban rac thai nhua, rieng My dung ngoai
Thế giới đứng trước nguy cơ ô nhiễm rác plastic trầm trọng - Ảnh: Getty Images

Đây là kết quả của hiệp ước đạt được sau một hội nghị kéo dài 2 tuần do LHQ chủ trì ở Geneva, Thụy Sĩ. Theo đó, các nước tham gia nhất trí bổ sung nội dung plastic (chất dẻo/nhựa) vào Công ước Basel, một thỏa thuận quốc tế kiểm soát việc đưa các vật liệu độc hại từ nước này sang nước khác. Việc bổ sung plastic vào danh sách chất cấm là nhằm đấu tranh với tác động nguy hiểm của ô nhiễm plastic trên toàn cầu.

Đáng tiếc là Washington không tham gia vào nỗ lực này khi Mỹ là một trong hai quốc gia không phê chuẩn hiệp định.

Mặc dù Washington đứng ngoài quyết định, phán quyết vẫn sẽ áp dụng cho Mỹ nếu nước này cố gắng buôn bán chất thải plastic đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Mỹ bán rác thải plastic đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Malaysia, nhưng gần đây Washington đã bị nhiều nước phản đối khi họ áp dụng các biện pháp cứng rắn cấm nhập khẩu rác plastic.

Ca the gioi chong buon ban rac thai nhua, rieng My dung ngoai
Một người nhặt rác tại bãi rác không thể tái chế Zimbabwe - Ảnh: Getty Images

Năm ngoái, các nước khác ở châu Á như Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đã có những bước đi nhằm hạn chế nhập khẩu rác plastic từ nước ngoài, khiến nhiều container hàng loại này đọng lại ở các cảng nước Mỹ vì chưa được xuống tàu đến châu Á.

Trước đó, trong tuần này gần một triệu người đã ký một bản kiến nghị toàn cầu kêu gọi các chính phủ đã ký Công ước Basel phải hành động bằng cách ngăn các nước phương Tây "đưa hàng triệu tấn rác plastic đến các nước đang phát triển thay vì tái chế nó".

Ước tính có khoảng 100 triệu tấn rác plastic trôi nổi trong các đại dương trên thế giới, 90% trong số đó đến từ các nguồn trên đất liền.

Việt Hưng (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI