Cá thể chồn chân đen nhân bản đầu tiên trên thế giới sinh nở thành công

07/11/2024 - 06:11

PNO - Con chồn chân đen ở bang Virginia, Hoa Kỳ, đã sinh được 2 chồn con khỏe mạnh, điều này làm dấy lên hy vọng bảo tồn loài vật bên bờ vực tuyệt chủng.

Cặp chồn con đực và cái mới sinh được ghi nhận có sức khỏe tốt và vượt qua được các giai đoạn khó khăn nhất — Ảnh: Viện Bảo tồn Sinh học và Vườn thú Quốc gia Smithsonian
Cặp chồn con đực và cái mới sinh có sức khỏe tốt, đã vượt qua được các giai đoạn khó khăn nhất - Ảnh: Viện Bảo tồn Sinh học và Vườn thú Quốc gia Smithsonian

Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ (USFWS) thông báo, Antonia - cá thể chồn chân đen, còn gọi là chồn sương - đã sinh hạ thành công 2 con chồn con khỏe mạnh tại Viện Bảo tồn Sinh học và Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở Front Royal, Virginia. Đây là lần đầu tiên một cá thể chồn chân đen được nhân bản vô tính sinh nở thành công, theo báo The Independent đưa tin ngày 6/11.

Paul Marinari, quản lý cấp cao của Viện Smithsonian, cho biết: “Việc Antonia được nhân bản thành công và sinh hạ chồn con đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công tác bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng”.

Ông Marinari cho biết, chồn chân đen là loài chồn duy nhất có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, đã 2 lần được cho là tuyệt chủng, trước khi một số cá thể trong tự nhiên được phát hiện lại ở Meeteetse, Wyoming vào năm 1981.

Khám phá nói trên đã khởi động chương trình của USFWS để bảo tồn và tái tạo chồn chân đen. Trong quần thể chưa đến 10 con có một cá thể cái tên là Willa, chưa từng làm mẹ từ khi bị nhốt, chết vào năm 1988. Năm 2013, USFWS và các đơn vị liên quan đã khởi động dự án nhân bản chồn chân đen, từ các tế bào đông lạnh của Willa. Con chồn chân đen đầu tiên được nhân bản thành công trên thế giới là Elizabeth Ann, chào đời ngày 10/12/2020.

Đến tháng 5/2023, 2 con chồn chân đen nhân bản khác đã được sinh ra từ cùng một dòng tế bào, là Noreen và Antonia, cặp song sinh về mặt di truyền của Elizabeth Ann. Đến tháng 6/2024, Antonia được cho giao phối với Urchin, cá thể chồn đực 3 tuổi cùng loài. Sau khi mang thai và sinh ra chồn con, Antonia trở thành động vật nhân bản đầu tiên khôi phục lại biến thể di truyền đã mất cho loài, theo ông Marinari chia sẻ.

Các quan chức của USFWS cho biết, gia đình chồn sẽ ở lại cơ sở tại Virginia để tiếp tục theo dõi, vẫn chưa có kế hoạch thả chúng về tự nhiên. Cặp chồn con này may mắn sống sót vì một trong những anh chị em của chúng đã chết ngay sau khi chào đời. Đại diện USFWS nhận định, đây là bước tiến lớn cho sự bảo tồn đa dạng di truyền của giới sinh vật.

Trường An (theo The Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI