Cả thành phố “xung trận” khống chế COVID-19

22/02/2021 - 06:21

PNO - Những ngày này, TPHCM đã lấy lại sự sôi động vốn có. Trước đó, chuỗi 35 ca nhiễm COVID-19 đã khiến người dân ở thành phố này thấp thỏm đón tết. Tuy nhiên, nhờ sự quyết đoán, bình tĩnh của những người chống dịch và sự hợp tác tích cực của người dân, nguồn lây lan dịch bệnh đã sớm được khống chế.

Tổ COVID-19 cộng đồng “tham chiến”

Buổi sáng đầu tiên sau đêm phong tỏa, phía đầu hẻm 245 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 nhốn nháo, ồn ã. Người bên ngoài tìm cách đưa thức ăn, nhu yếu phẩm vào bên trong vòng phong tỏa. Những người bên trong rào chắn lo lắng, thậm chí có phần bực bội.

Một nhân viên trong tổ COVID-19 cộng đồng (làm nhiệm vụ giám sát tại địa phương về các trường hợp trốn, không khai báo y tế) nói với tôi: “Phong tỏa lúc gần tết thế này, người dân khổ, nhưng chỉ có cách này mới ngăn dịch lây lan. Chúng tôi không bị bệnh nhưng cũng canh gác ở đây. Bà con sẽ hiểu, sẽ thương thôi”.

Tạ i sân bay Tân Sơn Nhấ t, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai khử khuẩn, khai báo y tế, lấy mẫu dịch hầu họng của hành khách đến từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng) để tầm soát SARS-CoV-2 ẢNH: NGUỒN HCDC
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) triển khai khử khuẩn, khai báo y tế, lấy mẫu dịch hầu họng của hành khách đến từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng) để tầm soát SARS-CoV-2 - Ảnh: HCDC

Thời điểm đó, bác sĩ Phan Thanh Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, người giám sát chống dịch tại khu Mả Lạng (hẻm 245 Nguyễn Trãi) - nói: “Phong tỏa một khu dân cư hơn 2.000 dân ngay trong đêm 26 tháng Chạp (7/2/2021) là việc chẳng đặng đừng. Nhưng không quyết liệt không được”. 

Bên ngoài vòng phong tỏa, các cán bộ lãnh đạo phường Nguyễn Cư Trinh khi đó cũng bồn chồn, chộn rộn. Bà Phạm Thị Hồng Phượng - Phó chủ tịch UBND phường - nhớ lại: “Khu Mả Lạng rất đông dân cư, nhà cửa san sát nhau. Nếu lỡ có lây lan trong đó, việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Khu phố 8 - nơi bệnh nhân cư ngụ - là vùng lõi của khu vực đường Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh. Tại khu vực này, số dân bị ảnh hưởng là 777 hộ với 2.199 nhân khẩu”.

Những ngày đó, nhóm chat Zalo của nữ phó chủ tịch phường luôn vang lên những âm báo tin nhắn cập nhật tình hình trong vòng phong tỏa, như vấn đề thực phẩm, nước uống, tâm lý cư dân.

Nắm được tình hình người dân trong đó, sáng hôm sau, UBND phường đã in và phát khoảng 2.000 tờ rơi hướng dẫn cho bà con trong khu phong tỏa. Mỗi nhà được phát 21 phiếu đăng ký thực phẩm thiết yếu (tương ứng 21 ngày phong tỏa) để đặt mua thức ăn hằng ngày.

Hai ngày sau đó (9/2), cán bộ, công chức phường tự tay gói bánh chưng, bánh tét, nấu thịt kho hột vịt… chia thành từng phần đưa vào khu Mả Lạng. Họ còn gửi đồ trang trí như phông đỏ, đầu lân, mai vàng… vào để trang trí góc vui xuân trong khu phong tỏa. 

Ngày được dỡ phong tỏa, khi chúng tôi vào, những thanh niên trong xóm trút bỏ ánh mắt gườm gườm, vui vẻ chỉ đường đến nhà bà Phan Phương Tiến - Trưởng khu phố 8 (khu Mả Lạng), là người nắm rất rõ khu vực này.

Bà Tiến từng là công an phường Nguyễn Cư Trinh đã nghỉ hưu, là trưởng khu phố kiêm tổ trưởng một trong các tổ COVID-19 cộng đồng. Bà là một trong những người giúp ổn định tình hình cư dân trong những ngày phong tỏa. 

Căn nhà bà Tiến nằm sâu trong con hẻm nhỏ chỉ vừa lối đi cho hai chiếc xe máy và nằm cách căn nhà của người nhiễm COVID-19 vài chục mét.

“Những ngày phong tỏa, khu Mả Lạng như một xã hội thu nhỏ. Lực lượng công an chỉ chốt chặn bên ngoài. Bên trong, chỉ có những tổ COVID-19 cộng đồng làm nhiệm vụ ổn định tâm lý người dân. Chúng tôi đi phát tờ rơi hướng dẫn cho dân, vận động đeo khẩu trang bắt buộc, giúp người dân đăng ký mua thức ăn…” - bà Tiến kể. 

Trong khu phong tỏa với hơn 2.000 người nhưng chỉ có một người được chỉ định làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Sau một đêm hoảng hốt, sáng hôm sau, người dân dần bình tĩnh lại. Nhưng cũng có những chuyện oái oăm xảy ra. Khu phố có 90% dân là người lao động tự do bỗng nhiên bị gom chung lại với nhau nên đã xảy ra vài vụ xích mích, có khi chỉ vì giành nhau chỗ bán nước. Rồi chỉ sau hai ngày bị phong tỏa, rác sinh hoạt dồn ứ thành đống to. Tổ COVID-19 cộng đồng đã tìm cách giải quyết ổn thỏa. 

Bà Phan Phương Tiến - Trưởng khu phố 8,  Tổ trưởng tổ COVID-19 cộng đồng -  phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp  chống dịch tại khu Mả Lạng
Bà Phan Phương Tiến - Trưởng khu phố 8, Tổ trưởng tổ COVID-19 cộng đồng - phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp chống dịch tại khu Mả Lạng

Bà Tiến còn cho biết, trong 9 ngày phong tỏa (từ 20g ngày 7/2 đến 16g30 ngày 15/2), có hai người chết, gồm một người ung thư giai đoạn cuối, một người đột quỵ. Bà Tiến đã chỉ huy 6 tổ COVID-19 cộng đồng (mỗi tổ 3 người) thông tin cho người dân hiểu những cái chết này không liên quan gì đến COVID-19. 

Cùng bàn chiến lược dập dịch

TPHCM không xa lạ với COVID-19. Ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam cũng được phát hiện tại thành phố này. Ca COVID-19 được cứu sống ngoạn mục (phi công người Anh) cũng nhờ y, bác sĩ TPHCM chăm sóc. Nhưng với 35 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong khoảng một tuần (từ ngày 5/2 đến 11/2), là một tình thế đáng lo lắng. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nói trong cuộc họp rằng: “TPHCM chưa bao giờ có nhiều ca nhiễm COVID-19 cùng lúc như thế này”. 

Sự nguy hiểm của đợt bùng phát dịch lần này không chỉ ở số lượng mà còn ở chỗ ca nhiễm đầu tiên (F0) đã hoàn toàn bị mất dấu vết, cho đến nay vẫn chưa có kết quả xác định. Vậy mà thật kỳ lạ, chuỗi lây nhiễm COVID-19 đã bị chặn đứng dù chưa tìm ra được ca nhiễm đầu tiên. Đây là một điều chưa từng xảy ra ở thành phố này trong những lần chống dịch COVID-19 trong năm 2020. Vậy, chiến lược nào đã được áp dụng cho thành phố? 

Bác sĩ Phan Thanh Tâm cho biết, thành phố đã áp dụng đồng thời chiến thuật truy vết và tầm soát rộng ở cộng đồng: “Khi mất dấu vết F0, người dân có thể hoang mang nhưng những người chống dịch như chúng tôi không thể hoang mang được, dù có lo lắng thật. Anh em động viên nhau phải thật bình tĩnh để giải quyết vấn đề.

Khi họp, anh em chung nhận định: tình hình rất nguy cấp, khả năng lây lan rất nhiều, phải có chiến lược khác, xét nghiệm trên diện rộng và buộc phải có kết quả ngay để kịp thời phong tỏa. Bởi lẽ không thể chỉ áp dụng chiến thuật truy vết khi chưa biết rõ ca COVID-19 ở sân bay là do lây nhiễm từ đâu, có khi từ cộng đồng vào thì sao”. 

Chiều 30 tháng Chạp, sau cuộc họp nhất trí phương án tầm soát ở cộng đồng, 14g, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM lên kế hoạch và 16g30 là triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm ở những nơi có nguy cơ như chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, khu nhà trọ, quanh khu công nghiệp… Yêu cầu đặt ra là sau 3 ngày (hết mùng Ba tết), phải có câu trả lời: có ổ dịch COVID-19 nào trong cộng đồng hay không.

Việc xét nghiệm COVID-19 cũng được áp dụng cho toàn bộ nhân viên các bệnh viện để loại trừ hoàn toàn nguy cơ có ca nhiễm ẩn nấp trong những nơi được gọi là chốt chặn cuối cùng này. Tổng số mẫu xét nghiệm đã được lấy là 9.480, trong đó có 2.939 mẫu là của nhân viên y tế, tất cả đều cho kết quả âm tính, giúp loại trừ khả năng có ổ dịch COVID-19 trong dân cư.

Trong thời gian này, ở sân bay Tân Sơn Nhất, một chiến thuật mới toanh được áp dụng: xét nghiệm theo kiểu chà xát, tức quét đi quét lại nhiều lần. Chiến thuật này được củng cố thêm sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng tham gia với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM.

Theo đó, trước mỗi ngày đi làm, khoảng 1.000 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và 1.600 nhân viên Công ty VIAGS - công ty dịch vụ mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất, nơi xuất hiện ca bệnh chỉ điểm 1.979 - phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Việc xét nghiệm diễn ra liên tục trong 7 ngày. 

Cùng với chiến thuật truy vết cổ điển (xét nghiệm các trường hợp F1, F2), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM yêu cầu xét nghiệm khẩn lần hai cho toàn bộ nhân viên Công ty VIAGS, lấy mẫu toàn bộ người nhà của các nhân viên này với hơn 5.400 mẫu xét nghiệm (hơn 1.600 nhân viên và hơn 3.800 người nhà); nhờ đó, đã tìm ra thêm 3 nhân viên và một người nhà nằm trong chuỗi lây nhiễm 35 ca bệnh này.

Tổng số mẫu được xét nghiệm từ ngày 30/1 đến nay tăng lên 45.000 mẫu, rất cao so với mỗi đợt dịch của năm 2020. Không chỉ các trung tâm y tế, mỗi bệnh viện cũng được Sở Y tế TPHCM yêu cầu lập hai đội lấy mẫu xét nghiệm. Phòng xét nghiệm của các bệnh viện được huy động để san sẻ công việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để có kết quả ngay trong vòng 24 giờ sau khi lấy mẫu.

Chính vì vậy, có thời điểm, TPHCM có đến 35 điểm phong tỏa, ở rất nhiều quận. Thậm chí, tại khu phong tỏa Mả Lạng, để có kết quả xét nghiệm nhanh nhất, hễ gom đủ 100 mẫu là chuyển ngay về các phòng xét nghiệm để kịp thời kiểm tra. Thời điểm này, cùng một lúc, có gần 20 đội lấy mẫu xét nghiệm tại khu Mả Lạng. 

Với kết quả xét nghiệm nhanh, những điểm phong tỏa nhanh chóng được thu hẹp phạm vi. Việc khu Mả Lạng được gỡ bỏ phong tỏa chỉ sau 9 ngày cho thấy chiến thuật xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp là rất hợp lý.

Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 và tạm đóng cửa một quán nhậu trên đường Tây Hòa, TP.Thủ Đức do có liên quan ca COVID-19
Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 và tạm đóng cửa một quán nhậu trên đường Tây Hòa, TP.Thủ Đức do có liên quan ca COVID-19

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại TPHCM - cho biết: “Tính đến sáng 15/2, dịch bệnh ở TPHCM đã tương đối ổn định, cơ bản đã được kiểm soát với 35 ca bệnh được ghi nhận”.

Những chiến thuật dập tắt dịch COVID-19 này được hình thành từ đâu? Bác sĩ Phan Thanh Tâm trả lời: “Chống dịch về cơ bản là truy vết, khoanh vùng, cách ly. Tuy nhiên, với mỗi tình huống, chúng tôi đều họp để tìm ra chiến lược phù hợp. Chống COVID-19 vẫn tùy thuộc vào chiến lược chung của từng quốc gia. Việt Nam chọn cách dập dịch bằng mọi giá do nguồn lực điều trị còn hạn chế.

TPHCM may mắn có những nguồn lực để thực hiện các chiến thuật đề ra: có đủ các kit xét nghiệm, có đủ nhân lực, các phòng xét nghiệm. Đặc biệt, tất cả mọi thành phần đều cùng tham gia chống dịch, từ ngành y tế đến lãnh đạo các quận, huyện, đến từng tổ COVID-19 cộng đồng và cả người dân, tất cả đều đồng lòng theo một hướng đi.

Chuỗi lây nhiễm đã được khống chế nhưng TPHCM vẫn là nơi có nguy cơ rất cao, chúng ta cần phải phòng thủ chặt chẽ”. 

Những cột mốc đáng nhớ trong chiến dịch truy vết COVID-19 ở TPHCM

- Ngày 5/2: Ổ dịch bùng phát ở tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, lãnh đạo TPHCM chỉ đạo chủ động xét nghiệm toàn bộ nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả, đã phát hiện ca nhiễm chỉ điểm - bệnh nhân 1.979, là nhân viên làm việc tại bộ phận giám sát bốc xếp hàng hóa của sân bay. Cho đến nay, việc phát hiện ca bệnh 1.979 này được đánh giá là rất kịp thời. 

- Ngày 7/2: Đánh giá tình hình có thể phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM nhanh chóng hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm 7.300 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả, có thêm 4 ca mắc COVID-19. Tới 20g ngày 7/2, khu dân cư Mả Lạng với 2.100 người được lệnh phong tỏa do bệnh nhân 2.005 có đến ở trong một căn nhà trọ của khu này. 

- Ngày 8/2: Ngay từ buổi sáng, UBND TPHCM tổ chức cuộc họp khẩn. Lúc này, cùng lúc xuất hiện thêm 24 ca COVID-19, nâng tổng số lên 29 ca kể từ ngày 5/2.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - đưa ra chỉ đạo quyết liệt hơn, như yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện không được ra khỏi thành phố, tập trung toàn lực để chống dịch. Ông yêu cầu bố trí thêm cổng khử khuẩn ở đường hoa Nguyễn Huệ, xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang, không bắn pháo hoa trong đêm giao thừa để hạn chế tập trung đông người, dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên từ 12g ngày 9/2.

Lúc này, Bộ Y tế cũng quyết định thành lập Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 để hỗ trợ TPHCM. 

- Ngày 9/2: Tổng số ca COVID-19 liên quan ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất từ 29 tăng lên 32. Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, tình hình dịch bệnh đang ở mức độ nguy cơ rất cao, phải có kịch bản cho tình huống khẩn cấp, xác định những người chống dịch COVID-19 là không có tết, khi có yêu cầu triệu tập, phải có mặt ngay.

- Ngày 11 đến 12/2: Số người mắc COVID-19 tăng lên 35 ca. Con số này đã dừng lại cho đến nay. Tất cả hơn 2.100 mẫu xét nghiệm của khu Mả Lạng cho kết quả âm tính; 6.984 mẫu xét nghiệm cộng đồng ở khu công nghiệp, chợ đầu mối, nhà trọ công nhân… cũng âm tính, giúp loại trừ khả năng có ổ dịch cộng đồng.

- Ngày 13/2: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khẳng định: cơ bản kiểm soát chuỗi lây nhiễm, tiếp tục các biện pháp để cắt đứt hoàn toàn chuỗi lây nhiễm và tầm soát rộng ở cộng đồng.

Hiếu Nguyễn 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI